Phân biệt chủng tộc đã giúp ông Trump đắc cử như thế nào?

Làn sóng phân biệt chủng tộc đang diễn ra nhiều nơi trên khắp nước Mỹ sau chiến thắng của ông Donald Trump. Đây là hiện tượng tiêu cực về mặt xã hội, song mặt khác, nó cũng chính là một trong những nguyên nhân làm nên chiến thắng của vị tỷ phú kiêm ngôi sao truyền hình thực tế 70 tuổi.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ công bố kết quả vào ngày 9/11, ông Donald Trump đã chính thức trở thành Tổng thống đắc cử. Đây là một chiến thắng khó hiểu đối với hàng triệu người Mỹ và khiến cả thế giới hoang mang. Có nhiều yếu tố góp phần vào thành công của ông Trump, nhưng một nguyên do quan trọng là cảm nhận lo lắng của những người Mỹ da trắng về sự đa dạng sắc tộc, văn hóa và tôn giáo đang ngày càng gia tăng của quốc gia này. Điều đó khiến họ bị thu hút bởi ứng cử viên có thái độ phân biệt chủng tộc nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Có rất nhiều bằng chứng xác thực nhằm ủng hộ cho lý thuyết này. Nhà nghiên cứu Eric Kaufman đến từ trường Đại học London đã thực hiện một cuộc khảo sát chuyên biệt trên những người da trắng ủng hộ ông Trump. Nghiên cứu của ông mới đây đã được công bố, hé lộ nhiều điều về nhóm cử tri này.

Trong cuộc khảo sát, những người da trắng được đề nghị đánh giá sự ủng hộ của họ cho ông Trump dựa trên thang điểm từ 0 đến 10, trong đó 0 điểm tương đương hoàn toàn không ủng hộ và 10 điểm tương đương sự ủng hộ tuyệt đối. Nhà nghiên cứu Kaufman sau đó sẽ so sánh tỉ lệ người gốc Latin từ năm 2000 đến năm 2010, chiểu theo mã bưu điện theo vùng của những người trả lời. Theo đó, những người sống trong khu vực đông dân gốc Latin thường có xu hướng chấm điểm 10 trong thang ủng hộ ông Trump.

"Tỷ lệ người Mỹ da trắng ủng hộ ở mức 10 cho ông Trump là hơn 25% ở những nơi mà cộng đồng thiểu số tăng không đáng kể, trong khi đó con số này lên đến gần 70% ở những khu vực dân Latin nhập cư tăng mạnh", ông Kaufmann cho biết.Thị trấn Arcadia ở tiểu bang Wisconsin, thành phố Farmers Branch ở bang Texas, làng Carpentersville ở bang Illinois là các ví dụ điển hình cho hiện tượng này.

Để thêm thuyết phục, Kaufmann tìm hiểu lý do một số những người da trắng ủng hộ ông Trump 10 điểm. Trả lời câu hỏi về việc điều gì là quan trọng đối với quốc gia, những người ủng hộ ông Trump có khuynh hướng cho rằng người nhập cư, chủ nghĩa khủng bố - gắn với quan niệm phân biệt chủng tộc – là vấn đề hàng đầu của Mỹ. Họ cũng khá hờ hững với vấn đề kinh tế bất bình đẳng. Tuy nhiên, họ cũng có mối quan tâm nhất định với nền kinh tế nói chung.

Đáng chú ý, sự phân biệt chủng tộc dường như chính là động cơ thúc đẩy người Mỹ nhận định rằng nền kinh tế đang trở nên yếu kém, chứ không phải nền kinh tế sa sút khiến họ trở nên phân biệt chủng tộc. Giáo sư khoa học chính trị Michael Tesler giải thích trên trang blog Monkey Cage cho biết, trong thực tế tình hình kinh tế khó khăn không hề làm tăng sự bất bình chủng tộc. Ông giải thích: “Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ tổng thể của hiện tượng phân biệt chủng tộc hầu như không thay đổi sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2008. Một số dữ liệu thậm chí chỉ ra rằng thành kiến chủng tộc đã giảm nhẹ ngay trong thời kì kinh tế suy thoái nhất”.

Giáo sư Tesler kết luận rằng, thái độ bất mãn bắt nguồn từ thù ghét sắc tộc sau khi một Tổng thống da màu đắc cử đã khiến nền kinh tế bị lung lay. Sự liên hiệp của Hiệp hội kinh tế quốc gia với Tổng thống Barack Obama đã làm dấy lên sự bất mãn sắc tộc, một yếu tố mạnh mẽ gây ra nhận thức ảm đạm hơn về nền kinh tế so với nhiệm kỳ của những Tổng thống trước. Nói cách khác, mối quan tâm về nền kinh tế đã trở thành lối thoát để trút nỗi bực bội của một số người trước việc người đứng đầu đất nước là dân da màu. Phát hiện này cũng gần tương tự với Brexit tại Anh, quyết định bắt nguồn từ sự lo âu về một xã hội đang ngày càng đổi thay.

Nhà nghiên cứu Kaufmann viết: “Những người bỏ phiếu cho ông Trump và Brexit là dấu hiệu đầu tiên xác định kỷ nguyên chính trị mới, trong đó các giá trị phân chia giữa các cử tri – đặc biệt là giữa cộng đồng người da trắng – là trục chính của chính trị. Trong một khoảng thời gian, với số người nhập cư tăng lên nhanh chóng, sự phân chia này tách biệt cộng đồng những người thích tiếp nối và kế thừa văn hóa gốc, với những người cởi mở trước sự đa dạng”.

Dù nghiên cứu của Kaufmann chủ yếu tập trung vào những người ủng hộ ông Trump mãnh liệt nhất, nhưng có thể khẳng định cộng đồng là lực lượng có khả năng hỗ trợ, biện hộ tích cực nhất cho tân Tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa này phần lớn được thúc đẩy bởi sự lo lắng về chủng tộc. Chủng tộc là một phần quan trọng trong chiến thắng của vị tỷ phú người Mỹ, và bước đầu đã gây ra những hiệu ứng tiêu cực trong xã hội: trong vòng vài ngày sau khi Donald Trump đắc cử, hàng trăm vụ việc liên quan đến quấy rối, phân biệt chủng tộc với người da đen, châu Á, người Latin và người Hồi giáo đã diễn ra trên khắp nước Mỹ.

Khi biết về việc các vụ đe dọa, mạt sát cộng đồng thiểu số đang tăng vọt kể từ sau ngày 9/11, ông Trump cho biết: “Tôi ghét phải nghe những chuyện như thế. Tôi rất buồn. Nếu giúp gì được, tôi sẽ nói điều này ngay trước ống kính: Hãy dừng lại”. Với lời nói này, ông Trump dường như đang bày tỏ một thái độ khá thiện chí đối với nhóm thiểu số đang bị bắt nạt bởi những người bị ảnh hưởng bởi chính tư tưởng và các phát ngôn của ông trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, để hiện tượng này thực sự dừng lại, cần hành động nhiều hơn chỉ một câu nói.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/phan-biet-chung-toc-da-giup-ong-trump-dac-cu-nhu-the-nao