Phải có danh mục kèm theo Nghị quyết để phù hợp với nguyên tắc thí điểm

Tôi nhất trí việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, trong thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống kết cấu giao thông đường bộ tại các địa phương đã phát sinh nhiều nhiệm vụ, chưa có căn cứ pháp lý phù hợp, gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ dự án rất lớn. Những khó khăn này đã được Chính phủ tổng hợp từ báo cáo của các địa phương và trình Quốc hội.

Đi vào nội dung cụ thể, về việc xây dựng các dự án giao thông đường bộ đi qua nhiều địa phương quy định tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết, từ thực tiễn tại địa phương hiện đang thực hiện dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cho thấy cũng đang gặp những khó khăn cần được áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Ví dụ, tại khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Như vậy, đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Bắc Kạn không thể bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện; ngược lại, tỉnh Tuyên Quang cũng không thể bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án do tỉnh Bắc Kạn là tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, việc áp dụng cơ chế đặc thù cho phép HĐND tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang thống nhất sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để thực hiện dự án là hết sức cần thiết. Đây là cơ chế linh hoạt để tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang có cơ sở thống nhất để bố trí nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, đảm bảo việc giải ngân nguồn vốn đã được Chính phủ giao theo tiến độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện liên kết vùng giữa 3 tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang và đảm bảo đồng bộ cấp đường theo toàn tuyến.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại Điều 7, tôi tán thành với dự thảo Nghị quyết vì thực tế các mỏ vật liệu đang khai thác tại địa phương có công suất khai thác nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung. Nhiều dự án đi qua không có mỏ vật liệu xây dựng, không đáp ứng đủ vật liệu cho thực hiện dự án nên phải mở mỏ mới để khai thác. Trong khi trình tự thủ tục cấp mỏ mới theo quy định của Luật Khoáng sản mất rất nhiều thời gian. Do đó, cần áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giúp cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Kạn sẽ bớt gặp khó khăn trong đầu tư xây dựng tuyến đường Chợ Mới, Bắc Kạn do Bộ Giao thông Vận tải quản lý được triển khai sớm và hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Về cơ chế đặc thù với dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm 2022 tại Điều 8, tôi nhất trí với thiết kế của các nội dung áp dụng cơ chế đặc thù gồm 4 khoản như trong dự thảo Nghị quyết và nhất trí với việc phải có danh mục kèm theo Nghị quyết để phù hợp với nguyên tắc thí điểm được nêu tại khoản 3 Điều 3, là có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể. Trong báo cáo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nêu rất rõ về sự cấp thiết của các công trình dự án này.

Đối với các dự án chưa đủ điều kiện, đề nghị tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư trình Quốc hội hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu được Quốc hội ủy quyền xem xét, quyết định trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành. Quy định này rất linh hoạt và đúng với quan điểm hiện nay là phải thích ứng, linh hoạt để tạo điều kiện cho các địa phương giảm bớt thủ tục hành chính, giảm các chi phí không chính thức.

Về nội dung kiến nghị khác có liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng. mặc dù nội dung này không được Chính phủ đưa vào cơ chế đặc thù trình tại kỳ họp nhưng theo tôi được biết, hầu hết các địa phương trong thực hiện các dự án đầu tư công liên quan đến đất rừng, việc chuyển mục đích sử dụng rừng đang là rào cản lớn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là những diện tích có rừng tự nhiên. Nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã ghi nhận tại phiên trả lời chất vấn sáng ngày 7.11 vừa qua.

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng để làm công trình giao thông ở một địa phương thì phải làm rất nhiều thủ tục hành chính. Vì vậy, tôi đề nghị trong khi Luật Đất đai đang sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp chưa được Quốc hội thông qua, nếu được tại kỳ họp này, Quốc hội bổ sung nội dung này phân cấp cho các địa phương việc chuyển mục đích sử dụng rừng cũng được áp dụng cơ chế đặc thù để tiến độ thực hiện tất cả các dự án đầu tư công đã và đang triển khai được thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn.

Nguyễn Bình ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/phai-co-danh-muc-kem-theo-nghi-quyet-de-phu-hop-voi-nguyen-tac-thi-diem-i349420/