Thu phí sử dụng đường cao tốc không làm phí chồng phí

Hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc (được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo - Ảnh Quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo - Ảnh Quochoi.vn.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 21/5 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đường bộ. Đây là dự thảo đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, sau đó tiếp tục được tiếp thu, chỉnh lý.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh Lê Tấn Tới cho biết, về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết bổ sung phí sử dụng đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện; đề nghị làm rõ hai phí này có sự trùng nhau không.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, thực hiện chủ trương của Quốc hội tại các Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư.

Cụ thể, các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ.

Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện.

Hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc (được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn).

Để bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định này.

Mức thu sẽ được xác định theo từng tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc. Việc thu phí này không dẫn đến phí chồng phí. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình, ông Tới nói.

Về quy định chung đối với đường cao tốc, có ý kiến đề nghị xem xét lại định nghĩa đường cao tốc; quy định đường cao tốc tối thiểu phải có 4 làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn vừa qua, do nguồn lực có hạn, để đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô 2 làn xe nhằm đảm bảo kết nối thông tuyến, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, từ thực tế khai thác cho thấy các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe khi đưa vào khai thác đã gặp một số khó khăn, bất cập nhất định.

Vì vậy, từ năm 2023, Thủ tướng đã chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc phân kỳ 2 làn xe, song việc triển khai theo định hướng này vẫn rất khó khăn do không thể cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện.

Từ thực tiễn nêu trên, việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc đã được quy định tại khoản 4 Điều 50 dự thảo Luật Chính phủ trình. Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu quy định tại Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đó đề nghị không quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật đường cao tốc trong dự thảo Luật.

Điều 42. Nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan.

2. Nguồn thu nộp ngân sách nhà nước:

a) Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện đối với xe ô tô;

b) Phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác;

c) Các nguồn thu của Nhà nước liên quan đến khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ, nguồn thu từ khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Nguồn thu dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư, xây dựng đường bộ để kinh doanh, dự án nhượng quyền kinh doanh, khai thác đường bộ cao tốc là tài sản công được thực hiện theo quy định pháp luật về giá.

(Nguồn: Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7).

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-phi-su-dung-duong-cao-toc-khong-lam-phi-chong-phi-d215646.html