Nút thắt cần tháo gỡ trong tín dụng nông nghiệp

GD&TĐ - Để người dân và các doanh nghiệp có thể tham gia được sâu và rộng hơn vào nông nghiệp, nông thôn thì một trong những việc cần làm lúc này chính là phải khơi thông được dòng vốn tín dụng cho lĩnh vực này.

Đây là những ý kiến được đưa ra mới đây tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức.

Nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn

Theo thống kê của NHNN, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến hết tháng 9/2016 đạt trên 925.000 tỷ đồng - tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế.

Bình quân trong 5 năm 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 17,4%/năm (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả hệ thống ngân hàng là 13,39%).

Lãi suất cho vay cũng đã giảm mạnh, từ trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn 12%/năm vào năm 2013 và hiện lãi suất cho vay đối với khu vực này phổ biến ở mức 6,5 - 8%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay thông thường.

Bên cạnh đó, nếu như trước đây cho vay nông nghiệp, nông thôn được coi là lĩnh vực riêng của Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) thì đến nay hầu hết các tổ chức tín dụng đều quan tâm và triển khai cho vay đối với lĩnh vực này.

Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Bắc Á có tỷ trọng chiếm trên 70% dư nợ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội có tỷ trọng chiếm trên 40% dư nợ...

Tuy nhiên, ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nêu lên thực tế, người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn vẫn khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng.

Mặc dù Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định vay vốn không cần thế chấp nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn phải có sổ đỏ mới được đáp ứng.

Đồng tình với quan điểm, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, cách tiếp cận cho tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn vẫn nặng về hỗ trợ lãi suất theo kiểu xin – cho, không tính tới nhu cầu của khách hàng.

Nhiều quy định về đảm bảo an toàn vốn hoặc nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng trở nên thiếu hoặc bất cập so với yêu cầu của thị trường tài chính hiện nay.

Thêm vào đó, người nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chỉ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; lĩnh vực này còn gặp khó khăn vướng mắc đó là việc đầu tư vào lĩnh vực tiềm ẩn những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định... khiến các ngân hàng càng e ngại khi cấp tín dụng, tạo thành nút thắt về vốn cho sự phát triển ngành nông nghiệp.

Nút thắt cần tháo

Nhằm tháo gỡ nút thắt về nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cũng như tạo điều kiện cho người nông dân phát triển sản xuất tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, cần bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực cần được ưu tiên.

Theo đại diện NHNN, NHNN đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản vay cho nông nghiệp, nông thôn đảm bảo đúng mục đích, an toàn hiệu quả.

Hiện NHNN, Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội đã ký kết những chương trình phối hợp để đưa đồng vốn một cách tích cực hơn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như đối với người nông dân trên cả nước một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã xây dựng chính sách tín dụng đặc thù với các doanh nghiệp, hợp tác xã, thực hiện liên kết hoặc có các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp theo Nghị định 55 để hỗ trợ các doanh nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với những giải pháp mà đại diện NHNN đưa ra, theo một số chuyên gia tài chính – ngân hàng, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính ngân hàng.

Các ngân hàng cũng phải cơ cấu lại mạng lưới, kênh phân phối hoạt động và có các biện pháp phối hợp chính sách với các cơ quan, tổ chức liên quan để tăng khả năng tiếp cận.

Các chuyên gia nhận định, để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững với giá trị hàng hóa được nâng cao đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành có hệ thống chính sách đồng bộ để khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư, trong đó, trước hết cần phải thay đổi căn bản chính sách về đất đai gắn với các chính sách về công nghệ, thuế, tín dụng...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nut-that-can-thao-go-trong-tin-dung-nong-nghiep-2592909-b.html