Tiền Giang: Chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng chính quyền số

Tại Tiền Giang, chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, chính quyền số là 1 trong 3 trụ cột chính, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và vận hành quá trình chuyển đổi số. Xây dựng chính quyền số thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý, người dân và toàn xã hội.XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH HIỆU QUẢ

Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước được ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn, giúp giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh thăm, nắm tình hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong điều hành, tác nghiệp. Tỉnh đã tập trung nguồn lực để triển khai “Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hiện nay, tỉnh có các nền tảng, hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung, như: Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống báo cáo đa ngành… được duy trì hoạt động ổn định và có hiệu quả.

Trong đó, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã triển khai phiên bản nâng cấp hệ thống cho 45 cơ quan, đơn vị (gồm: UBND tỉnh; 33 sở, ban, ngành; 11 UBND cấp huyện phủ khắp đến cấp xã) và tạo lập, chuyển đổi 1.174 mã định danh điện tử cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương đảm bảo gửi nhận liên thông 4 cấp qua Trục liên thông văn bản quốc gia và được tích hợp chữ ký số đảm bảo giá trị pháp lý cho gửi, nhận văn bản điện tử.

Bên cạnh đó, hệ thống họp trực tuyến 2 chiều (hội nghị truyền hình trực tuyến) tỉnh hiện có 207 điểm cầu phục vụ tốt các cuộc họp giữa tỉnh với Trung ương và với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định; 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; đã cấp trên 11.000 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh.

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt trên 50%. Hệ thống báo cáo đa ngành được kết nối với hệ thống báo cáo của Chính phủ; hơn 110 mẫu báo cáo đã thiết kế lên hệ thống.

Ngoài ra, hệ thống giám sát, điều hành an ninh trật tự của tỉnh được tích hợp từ các hệ thống camera của ngành Công an với trên 330 camera quan sát (trong đó 80 camera thông minh), Trung tâm Giám sát điều phối đô thị thông minh đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan triển khai xử lý vi phạm giao thông trên các tuyến đường có gắn camera thông minh.

Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị (Tổng đài 1022 Tiền Giang), trong năm 2023, hệ thống đã tiếp nhận hơn 416 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua các kênh tiếp nhận của hệ thống.

Kết quả hoạt động của Hệ thống 1022 đã đáp ứng nhu cầu thông tin và việc tiếp nhận, phản hồi các phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức; từng bước tạo được niềm tin của người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh gồm 1 cổng chính và 203 trang thông tin điện tử thành phần thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định. Trang thông tin điện tử chuyển đổi số của tỉnh thường xuyên cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số theo các nội dung xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Cổng Dịch vụ công (DVC) của tỉnh đã kết nối với Cổng DVC quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh; đồng thời, đã tích hợp định danh, xác thực với Cổng DVC quốc gia, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập bằng tài khoản DVC hoặc tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2.

Tính đến quý I-2024, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cung cấp 1.772 DVC, trong đó có 1.208 DVC trực tuyến toàn trình, 463 DVC trực tuyến một phần và 101 DVC cung cấp thông tin, đạt 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến toàn trình. Đồng thời, đã tích hợp 1.239 DVC trực tuyến của tỉnh trên Cổng DVC quốc gia.

HIỆN ĐẠI HÓA HÀNH CHÍNH

Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là đầu mối tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; đã có khoảng 1.400 TTHC của các lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp tỉnh được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết tại Trung tâm.

Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Tiền Giang - “bộ não số” hỗ trợ lãnh đạo UBND tỉnh trong việc chỉ đạo các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Riêng TTHC thuộc lĩnh vực ngành Thanh tra và các TTHC thuộc các cơ quan chuyên môn mang tính chất đặc thù được tiếp nhận và giải quyết tại cơ quan, đơn vị. Hiện nay, có 19 sở, ban, ngành tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm.

Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lê Thị Kim Pha cho biết, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các sở, ngành rà soát, đơn giản hóa các TTHC, tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử...; nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với nhiều chức năng để người dân có thể truy cập, tra cứu, tìm hiểu rõ hơn về TTHC, quy trình cũng như tiến độ giải quyết TTHC.

Công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ đã thực hiện tốt việc kết nối, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư; khai thác, sử dụng kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đã được số hóa để hỗ trợ tối đa cho việc tra cứu thông tin cá nhân, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC. Hồ sơ TTHC sau khi tiếp nhận được số hóa và các bước tiếp theo được xử lý trên môi trường điện tử, giảm được nhiều chi phí, thời gian cho người dân và Nhà nước.

Theo thống kê, năm 2023, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt 99%. Thông qua chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho thấy, sự phản hồi tích cực, với tỷ lệ đánh giá mức độ “Rất hài lòng” đạt 94,29% và “Hài lòng” đạt 5,69%.

“Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc số hóa hồ sơ, số hóa các kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực; khai thác và sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, đề xuất trang bị thêm các thiết bị phục vụ việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC; đảm bảo cung cấp đầy đủ các thiết bị phục vụ việc tiếp nhận hồ sơ và nhu cầu của người dân.

Đồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các bước xây dựng mô hình “Tự động hóa Trung tâm Phục vụ hành chính công” theo Đề án 06, mục tiêu là hướng người dân tự thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả qua các thiết bị tại Trung tâm, giảm tương tác trực tiếp giữa người dân với công chức, người tiếp nhận hồ sơ TTHC” - đồng chí Lê Thị Kim Pha cho biết thêm.

TĂNG TỐC LỘ TRÌNH

Xây dựng chính quyền số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện trong những năm qua. Trong năm 2024, Tiền Giang sẽ tiếp tục phát triển và khai thác hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền số, như: Tiếp tục duy trì và phát triển các hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử; phát triển hệ thống thông tin báo cáo đa ngành để bảo đảm 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội, báo cáo ngành, lĩnh vực từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh phục vụ sự quản lý chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, hiện đang trong quá trình xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ nhu cầu chia sẻ dữ liệu đã được chuẩn hóa của các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Đồng thời, triển khai các giải pháp tích hợp Trung tâm giám sát, điều hành thông minh với các hệ thống phần mềm khác của tỉnh có sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Cùng với đó là tiếp tục triển khai ứng dụng nền tảng số TienGiangG phục vụ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả và năng suất lao động; tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh tỷ lệ DVC trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã theo kế hoạch về nâng cao DVC trực tuyến toàn trình.

Song song đó, Tiền Giang chú trọng thực hiện công tác số hóa hồ sơ, kết quả TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; cung cấp DVC trực tuyến toàn trình đối với các TTHC đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVC trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Đặc biệt là đẩy mạnh các giải pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện các TTHC; đẩy mạnh việc cung cấp và khai thác, sử dụng hiệu quả DVC trực tuyến phục vụ tiện lợi cho người dân, hướng đến giao dịch của người dân và chính quyền hoàn toàn trên môi trường số; phấn đấu đến 2025, Tiền Giang cơ bản đạt được các chỉ tiêu của chính quyền điện tử.

HÀ NAM - LÊ MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202405/tien-giang-chuyen-bien-manh-me-trong-xay-dung-chinh-quyen-so-1010271/