Nuốc Huế 'phủ sóng' mạng xã hội, được thực khách săn đón kịch liệt

Những ngày gần đây, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội đang xuất hiện nhiều hình ảnh về một loại hải sản khá giống với sứa, tuy nhiên loại hải sản này có kích thước khá nhỏ và màu xanh bắt mắt, đây được giới thiệu là đặc sản xứ Huế, 'mỹ vị mùa hè' của vùng cố đô...

Không chỉ gây ấn tượng bởi màu sắc lạ mắt, món này còn có cách thưởng thức khá thú vị, ăn cùng mắm ruốc, khế, xoài, dưa chuột… khiến nhiều người tò mò muốn nếm thử. Nuốc hay còn được gọi là nuốt, là một loại nhuyễn thể không chân phổ biến tại các vùng đầm phá nước lợ tại Huế, được tìm thấy có nhiều ở đầm Cầu Hai, phá Tam Giang... Khi nhìn qua, con nuốc có vỏ ngoài trong suốt giống sứa, tuy nhiên được pha thêm màu xanh khá bắt mắt. Nuốc có kích thước khá nhỏ, chỉ bằng trái tắc.

Loại hải sản có màu xanh độc lạ đang được săn lùng kịch liệt.

Hiện tại, nhiều video về món nuốc xuất hiện tần suất cao trên mạng xã hội đã khiến nhiều người tò mò về hương vị của món ăn lạ này. Tận dụng độ “hot” của món nuốc, nhiều người đã nhập món ăn lạ này về thành phố để bán.

Tại Huế, món đặc sản này chỉ có giá từ 30.000 đồng, tuy nhiên khi được vận chuyển đến các thành phố, giá của món ăn này được đẩy lên cao vì phí vận chuyển, trên mạng xã hội hiện nay nuốc đang được rao bán với giá từ 190.000 đến trên 300.000 đồng cho 1 ký nuốc. Tuy nhiên món ăn này vẫn được mọi người truy lùng vì mức giá khá đắt đỏ và độ khan hiếm của nó.

Trên thị trường chợ mạng, sau khi món nuốc Huế trở nên “hot”, nhiều người cũng đã tận dụng thời gian vào mùa để nhập bán loại đặc sản độc lạ này.

Nuốc Huế được ăn kèm với quả vả, húng trắng, cà, dưa chuột và mắm ruốc Huế.

Chị Hồ Thị Phương Quý (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết mặc dù mới nhập nuốc Huế về bán khoảng một tuần trở lại đây nhưng đã nhận về “bão đơn” khi đăng tải bán trên các hội nhóm chợ online tại Hà Nội.

“Thấy nuốc Huế đang làm mưa làm gió trên mạng nên tôi cũng nhập về bán, chủ yếu để mọi người ăn thử. Lúc đầu chỉ định đăng gom nhưng mọi người đặt mua rất nhiều, chỉ trong vòng mấy ngày khách đã đặt tới vài chục suất ăn thử”, chị Quý nói.

Theo đó, mỗi suất nuốc Huế được chị Quý đóng gói vào túi với trọng lượng khoảng 300gr, có giá 95.000 đồng bao gồm thêm đồ ăn kèm là quả vả, húng trắng, cà, dưa chuột và ruốc Huế. Như vậy, mỗi kg nuốc khi được nhập về Hà Nội sẽ có giá giao động trên 300.000 đồng.

Chị Quý cho biết thêm vì chưa đúng mùa nên nuốc lúc có lúc không và phải đặt hàng trước vài ngày, nuốc được tuyển chọn kỹ càng, khá giống với con sứa nhưng ăn mát hơn. Khi mua loại đặc sản này về chỉ cần rửa sơ nước ấm, để ráo trong ngăn mát tủ lạnh và ăn dần trong ngày.

Món ăn từ con nuốc đang gây “bão” chợ mạng.

Là một tiểu thương kinh doanh bán hàng online, những ngày này, chị Mai Thị Hân (Vũng Tàu) đã nhập món nuốc Huế về bán. Chị Hân cho biết: “Món nuốc Huế chấm ruốc có người hợp, có người không, có khen và có chê nhưng đến giờ nuốc đang hiếm tận nguồn, phần vì sắp hết mùa, phần năm nay thị trường cầu nhiều hơn cung”.

Chị Hân cho hay, nuốc có hai loại là nuốc tai nguyên con, loại này tai to, chân ngắn và có giá 100.000 đồng/set 300gr đã bao gồm đồ ăn kèm. Đối với loại nuốc chân có hai tai nhỏ, chân dài, ăn sẽ ngon và giòn hơn thì giá cũng cao hơn, bao gồm đồ ăn kèm là 120.000 đồng/set 300gr.

Chị Trần Thanh Tuyết (Bình Định) cho biết nuốc hay còn gọi là sứa gạo tươi mỗi năm chỉ bán với giá từ 160.000 đồng – 170.000 đồng, tuy nhiên năm nay mất mùa nên giá tăng cao hơn. Chị Tuyết cho biết do khẩu vị nên có người khen, người chê nhưng đối với gia đình chị, đây là món ăn lành tính, được yêu thích mỗi khi tới mùa.

Mặc dù là lần đầu tiên thử con nuốc Huế, tuy nhiên chị Hoàng Trần Diệu Mai (TP. Hồ Chí Minh) cho biết rất thích và sẽ thử lại. Chị Mai cho biết do thấy loại đặc sản này nổi rần rần trên mạng nên tìm mua về ăn thử. Theo chị Mai, con nuốc sẽ không có vị gì mà những đồ ăn kèm sẽ tạo nên vị cho món ăn này, loại đặc sản này khi ăn sẽ có vị mát, giòn, lạ miệng.

Lê Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nuoc-hue-phu-song-mang-xa-hoi-duoc-thuc-khach-san-don-kich-liet-post290273.html