Nữ giới Afghanistan và một tương lai không có trường học

Sáng 23-3-2022, hàng trăm nghìn nữ sinh trên khắp đất nước Afghanistan tấp nập trở lại trường sau hơn 180 ngày gián đoạn kể từ khi Taliban kiểm soát quốc gia này. Tuy nhiên, hầu như các cổng trường đều đóng kín với một thông báo: Theo quyết định của Taliban, tất cả các trẻ em gái từ 12 tuổi trở lên đều không được phép đi học…

Hy vọng rồi thất vọng

Thức dậy lúc 6 giờ sáng, Sawa, 16 tuổi (tên của tất cả những nữ sinh trong bài đã thay đổi) háo hức chuẩn bị cho ngày đầu tiên quay lại trường trung học Mazar-i-Sharif sau hơn 6 tháng phải ở nhà. Từ tối hôm trước, mẹ cô đã chuẩn bị cho cô bộ đồng phục cùng chiếc khăn burqa trùm đầu màu trắng.

Sawa nói: “Chẳng riêng gì tôi mà các bạn tôi ai cũng vui mừng vì được đi học trở lại. Nghe nói rằng sẽ có thêm một số môn học mới như Luật Sharia, Luật Tín ngưỡng và phong tục nhưng đó không phải là vấn đề lớn vì tôi tin rằng mình sẽ thích ứng”.

7 giờ, Sawa khoác cái ba lô chứa đầy sách vở lên vai. Theo quy định của Taliban, nữ giới từ 12 tuổi trở lên mỗi khi ra khỏi nhà đều phải có người giám hộ là nam giới đi kèm nên cha cô sẽ đi cùng cô. Trên đường, thỉnh thoảng Sawa lại vẫy chào những bạn cùng trang lứa cũng trở lại lớp như cô. Mọi sự dường như tốt đẹp cho đến khi cha con Sawa đến trước cổng trường.

Sawa nói: “Đã có rất đông học sinh nhưng cánh cổng bằng tôn màu xanh vẫn đóng kín, trên đó dán một tờ giấy. Tiếng xôn xao bàn tán vang lên như vỡ chợ. Tôi cố chen vào xem thì mới hay đó là tờ thông báo của Taliban, rằng nữ giới từ 12 tuổi trở lên từ nay không được phép đi học. Tôi không khóc nhưng nước mắt cứ trào ra. Một phần đời tôi xem như đã chết”.

Cổng trường đóng kín và lệnh cấm được ban hành vào sáng 23-3.

Với Zarghuna, 18 tuổi, tháng 5-2021 đã tốt nghiệp trung học ở tỉnh Samangan, miền Bắc Afghanistan và đang chuẩn bị vào trường đại học sư phạm Kabul thì Taliban tiếp quản đất nước. 2 tháng sau đó, họ thông báo “tất cả các nữ sinh đã thi đậu đại học nhưng chưa chính thức nhập học thì tạm thời chưa được phép đến trường”. Lúc đó, Zarghuna chỉ nghĩ rằng do mới nắm quyền, Taliban cần có thời gian để ổn định xã hội nên cô kiên nhẫn chờ đợi. Đến sáng 23-3-2022, khi biết hệ thống giáo dục mở cửa trở lại thì cô rất mừng mặc dù chỉ có bậc tiểu học và trung học mới được phép khai giảng.

Zarghuna nói: “Trong lúc tôi đang chuẩn bị sách vở cho 2 đứa em gái thì bạn tôi gọi đến cho biết theo lệnh của Taliban, 2 em tôi không được đi học. Tôi chưa biết thông tin ấy chính xác đến mức nào nhưng ngay sau đó, lại có thêm mấy cuộc gọi nữa với nội dung tương tự. Như vậy có nghĩa là chẳng riêng gì em tôi mà cả với tôi, giấc mơ đại học đã chấm dứt”.

Marjan, 11 tuổi, em út của Zarghuna nói thêm: “Cháu đang học lớp 6 và theo thông báo thì cháu vẫn được đi học. Nhưng học để làm gì khi mà sang năm cháu cũng phải nghỉ vì 12 tuổi. Cháu không hiểu tại sao họ lại cấm. Học là một cái tội à?”.

Tương lai mù mịt

Sawa, Zarghuna, Marjan… chỉ là vài trường hợp cụ thể trong tổng số gần 4 triệu nữ sinh ở Afghanistan nằm trong quy định của Taliban. Trước khi kiểm soát toàn bộ Afghanistan hồi tháng 8-2021, Taliban cam kết: “Sẽ không giống như 20 năm trước, lần này nữ giới được quyền tự do theo học tại các cơ sở giáo dục” nhưng lời cam kết ấy nhanh chóng tan thành mây khói.

Vào đầu tháng 3, khi chuẩn bị khai giảng năm học mới, Bộ Giáo dục Taliban thông báo rằng các nữ sinh trung học sẽ được phép trở lại trường, và được giảng dạy bởi các nữ giáo viên, cách biệt hẳn với những lớp dành cho nam sinh nhưng đến sáng 23-3, bên cạnh lệnh cấm do Mullah Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu Văn phòng Chính trị Taliban ban hành, Bộ này lại thông báo “các trường sẽ đóng cửa cho đến khi có chỉ thị mới về kế hoạch giảng dạy Luật Sharia và truyền thống văn hóa của Afghanistan”.

Theo hãng thông tấn Bakhtar do Taliban quản lý, ngoài việc cấm đi học, chính quyền còn công bố các sắc lệnh về giới tính ở những khu vực công cộng, chẳng hạn như công viên, rạp hát, xe bus…, nơi phụ nữ không được phép đến nếu không có chồng hoặc người thân là nam giới đi cùng.

Một trong những cuộc biểu tình của nữ sinh phản đối lệnh cấm đi học.

Trước những chính sách khắc nghiệt và vô nhân tính của Taliban, UNICEF, Tổ chức về quyền bình đẳng giới UNW, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa UNESCO thuộc Liên hiệp quốc cùng nhiều nước trên thế giới đồng loạt lên tiếng phản đối, trong đó có cả vài quốc gia đã thừa nhận Taliban là lực lượng cầm quyền hợp pháp ở Afghanistan. Iran và Pakistan chẳng hạn, đây là nơi sinh sống của cả triệu người Afghanistan với hàng nghìn sinh viên hay như Qatar, quốc gia đã làm cầu nối cho những cuộc đàm phán giữa Taliban và Mỹ, dẫn đến việc triệt thoái quân đội Mỹ cùng đồng minh ra khỏi Afghanistan hồi tháng 8 năm ngoái cũng bày tỏ sự thất vọng bởi lẽ quyền được học hành là một trong những quyền phải được tôn trọng dù ở bất cứ thể chế chính trị nào.

Trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông Imran Khan, Thủ tướng Pakistan nói: “Việc ngăn cản phụ nữ tiếp cận giáo dục không phải là quan điểm chính thống của đạo Hồi, nó chẳng liên quan gì đến tôn giáo”. Một nghiên cứu của trang tin Insight Politics cho thấy ít nhất 3 thế hệ người Afghanistan đã lớn lên ở Iran, Pakistan và các quốc gia vùng Vịnh sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan năm 1979.

Nhiều người trong số này đã tốt nghiệp đại học với bằng cấp chuyên nghiệp, trong đó có cả con trai, con gái của các thủ lĩnh Taliban. Thế nhưng điều nghịch lý là những thủ lĩnh ấy lại kịch liệt phản đối việc giáo dục cho nữ giới ở trong nước vì theo quan điểm của họ, nó “phù hợp với hệ tư tưởng nguyên thủy của Taliban”.

Vài ngày sau lệnh cấm đi học của Taliban, một số cuộc biểu tình đã nổ ra ở thủ đô Kabul và nhiều thành phố lớn như Kandahar, Bagram, Mazar-i-Sharif…, tất cả những người tham gia đều là nữ sinh trung học, đại học, đã giơ cao biểu ngữ yêu cầu nhà cầm quyền hủy bỏ lệnh cấm này. Một nữ sinh với tờ giấy trên tay đã làm lay động hàng triệu trái tim ở khắp nơi trên thế giới: “Chúng tôi là nữ giới. Chúng tôi ở Afghanistan.Chúng tôi là con người. Tại sao chúng tôi không được đi học? Chúng tôi đã phạm tội gì?”. Nó nhanh chóng trở thành một khẩu hiệu trong cuộc biểu tình khi các nữ sinh đồng loạt hô vang, ngay cả khi cảnh sát Taliban xuất hiện. Parahs, 23 tuổi, giáo viên ở Laghman nói với phóng viên của trang tin Inside Politics rằng, nhìn chung, cảnh sát Taliban giữ thái độ ôn hòa, họ chỉ xem xét các biểu ngữ có liên quan gì đến những vấn đề chính trị hay không mà thôi.

Vẫn theo Parahs, Taliban không cấm cô đi dạy nhưng việc họ cấm nữ sinh từ 12 tuổi trở lên không được đi học đồng nghĩa với việc cô phải ở nhà. Parahs nói: “Em gái tôi chuẩn bị bước vào lớp 9 nhưng bây giờ, không ít lần nó hỏi tôi: “Tương lai em rồi sẽ ra sao?”. Tôi không thể trả lời câu hỏi này. Một số trưởng bộ tộc cao niên trong khu vực tôi ở đã gặp các lãnh đạo Taliban để thúc giục họ cho phép trường học được hoạt động trở lại nhưng đến nay họ vẫn im lặng. Theo suy nghĩ của tôi, áp lực phải đến từ bên ngoài. Cộng đồng quốc tế phải có thái độ với Taliban một cách cương quyết và dứt khoát”.

Với bà Motarma, 60 tuổi, ở Mazar-i-Sharif, bản thân bà mù chữ nên bà dành hết hy vọng vào hai đứa cháu gái sẽ vào lớp 6 và lớp 10 trong niên học này. Bà nói: “Tôi không bao giờ muốn cháu mình phải trải qua những gì tôi đã trải qua nhưng với Taliban, trẻ em gái chỉ cần học để đọc được Luật Sharia là đủ. Họ không còn giá trị nào khác ngoài việc lấy chồng và thế là xong”. Một người biểu tình khác là bà Nawesa nói: “Ngay cả nhà tiên tri Mohammed, người sáng lập đạo Hồi cũng viết trong kinh Qu’ran rằng: “mọi người đều có quyền được học hành” nhưng Taliban đã cướp quyền này của con cháu chúng tôi”.

Theo UNESCO, năm 2020, hơn 10 triệu trẻ em Afghanistan (40% trong số đó là trẻ em gái) được đi học. Phụ nữ chiếm 1/4 số nghị sĩ trong quốc hội Afghanistan cùng khoảng 150.000 người khác làm việc trong các cơ quan công quyền nhưng khi Taliban công bố lệnh cấm nữ giới đến trường, số người đi học chỉ còn dưới 6 triệu, tất cả đều là trẻ em trai.

Một quan chức của UNICEF cho biết các nhà tài trợ quốc tế đã rất tức giận trước lệnh cấm nhưng họ vẫn không áp đặt các biện pháp trừng phạt bởi lẽ sự trừng phạt ấy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một thế hệ học sinh ở Afghanistan mà lỗi lầm không phải do họ gây ra.

Quan chức này nói: “Chính sách giáo dục mà Taliban đang áp dụng đã giết chết tâm hồn và ước mơ của hàng triệu trẻ em gái Afghanistan. Nếu thế giới không ngăn chặn ngay từ bây giờ, buộc Taliban phải thay đổi thì mọi nỗ lực mà UNICEF và các nhà tài trợ đã làm sẽ biến mất trong chớp mắt. Chỉ trong một ngày, Taliban đã đưa tương lai của những trẻ em gái lùi lại 20 năm”.

Một lớp học “chui” (ảnh của Tổ chức từ thiện PenPath).

Ông Thomas West, đại diện đặc biệt của Chính phủ Mỹ ở Afghanistan nói: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy quyết định cấm nữ sinh đi học được đảo ngược trong những ngày tới” trong bối cảnh phía Mỹ đã hủy bỏ các cuộc họp về kinh tế với Taliban tại Diễn đàn Doha. Trong cuộc họp này, một trong những vấn đề sẽ được nêu ra là lệnh cấm phụ nữ Afghanistan không được đi máy bay nếu không có chồng hoặc người giám hộ là nam giới đi cùng.

Một quan chức dấu tên của Hãng Hàng không Ariana Afghanistan cho biết cả chục phụ nữ đến sân bay quốc tế Kabul hôm thứ sáu, ngày 1-4-2022 để lên các chuyến bay nội địa và quốc tế đã bị từ chối lúc làm thủ tục, ngoại trừ những người có quốc tịch nước ngoài. Ông nói: “Tình hình càng lúc càng tồi tệ. Sở dĩ đến hôm nay họ vẫn sử dụng chúng tôi vì họ không có đủ năng lực chuyên môn để xử lý những vấn đề thuộc về kỹ thuật như kiểm soát không lưu, làm kế hoạch bay và điều hành bay chứ nếu có, nhiều người trong chúng tôi, nhất là những người đã từng cộng tác với không quân Mỹ sẽ “biến mất”.

Và trong khi lệnh cấm nữ giới từ 12 tuổi trở lên không được đi học vẫn còn hiệu lực thì tại một số thành phố lớn ở Afghanistan, đã xuất hiện những lớp học “chui” do những giáo viên liều mạng tổ chức, mỗi lớp quy tụ khoảng 10, 15 nữ sinh, hầu hết ở lớp 12 để tránh sự chú ý của những kẻ chỉ điểm. Một giáo viên cho biết họ chỉ dạy 4 môn cơ bản là toán, lý, hóa, sinh, còn các môn khác như ngoại ngữ, văn chương… thì nữ sinh tự học ở nhà: “Chúng tôi cố gắng duy trì kiến thức cho các em để nếu mai này, nếu các em được đi học trở lại thì sẽ không gặp khó khăn khi thi vào đại học”.

Theo bà Matiullah Wesa, người sáng lập tổ chức từ thiện PenPath ở Afghanistan, ngay ở Kabul cũng có hàng chục lớp học bí mật với nhiều giáo viên tình nguyện giảng dạy mà không cần được trả lương. Khi bà Matiullah Wesa đặt câu hỏi với các quan chức thuộc Bộ Giáo dục trong chính phủ Taliban: “Ở Afghanistan, việc tiếp thu kiến thức phải chăng là một tội lỗi?”, thì câu trả lời là: “Chính quyền không cấm hẳn nhưng cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu và quyết định chọn loại đồng phục nào cho các nữ sinh tùy theo từng độ tuổi”.

Suhail Shaheen, đại sứ thường trực của Taliban tại Liên hiệp quốc cho biết: “Không có vấn đề gì về việc cấm nữ sinh đến trường. Quyết định mẫu đồng phục học sinh cho nữ sinh chỉ là vấn đề kỹ thuật. Chúng tôi hy vọng nó sẽ sớm được hoàn thiện”. Sakina Jafari, nữ sinh 18 tuổi khóc: “Tất cả chúng tôi đều đồng ý mặc burqa và che mặt bằng chàng mạng nhưng hãy cho chúng tôi đi học vì việc ngăn cấm đồng nghĩa với việc chôn sống chúng tôi…”.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nu-gioi-afghanistan-va-mot-tuong-lai-khong-co-truong-hoc-i649554/