Nỗ lực ứng phó với hạn hán ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Nhiều hồ thủy lợi cạn kiệt, trong khi nắng nóng kéo dài, mực nước ngầm suy giảm đã khiến tình trạng hạn hán càng trở nên nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Các địa phương này đang tìm mọi biện pháp để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán đối với sản xuất.

Nhiều hồ nước ở Tây Nguyên có mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm. Ảnh: Nguyễn Đức

Hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ở trạng thái nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao dẫn đến mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên cạn kiệt, gây hạn hán. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tình trạng khô hạn đã gây thiếu nước sinh hoạt và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới nếu thời tiết không có mưa tại 47 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết.

Tình trạng khô hạn làm ảnh hưởng đến đời sống của 33.116 hộ dân/99.543 nhân khẩu. Trong đó, 12.517 hộ/42.277 nhân khẩu đã bị thiếu nước; hơn 20. 500 hộ/ 57.266 nhân khẩu có nguy cơ bị ảnh hưởng và 961ha cây trồng vụ Đông Xuân năm 2023-2024 bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, có 1.175ha cây thanh long tại huyện Hàm Tân và thị xã La Gi có nguy cơ bị thiếu nước tưới từ thời điểm từ cuối tháng 4/2024 nếu thời tiết không mưa.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, tình trạng khô hạn cũng đang đe dọa tới sức khỏe và sản xuất nông nghiệp của người dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 48 hồ chứa với tổng dung tích hơn 117 triệu m3, 118 đập dâng và 157 trạm bơm. Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đảm bảo nước tưới khoảng hơn 28.000ha cây trồng đạt 55% so với thiết kế. Tuy nhiên, trong điều kiện nắng nóng liên tục kéo dài và nguồn nước ngầm suy giảm nên nhu cầu nước để bổ sung cho sản xuất, sinh hoạt và cây trồng cạn tăng rất cao.

Theo dự báo, trong thời gian tới, nắng nóng mở rộng và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn tỉnh Phú Yên. Dự kiến, có 5/19 công trình bị ảnh hưởng bởi hạn hán không đảm bảo nguồn nước trong vụ Hè Thu, tổng diện tích không đảm bảo nguồn nước khoảng 1.500ha; khoảng 6.456 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến tình trạng hạn hán gia tăng ở các tỉnh Tây Nguyên. Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị thiếu hụt (lượng mưa trung bình toàn tỉnh đến nay đạt 21,3mm, bằng 1,2% so với trung bình nhiều năm và 36,1% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ). Lượng mưa ít khiến mực nước trên các sông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phổ biến duy trì mức thấp, lượng dòng chảy phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20-40% (riêng trên sông Krông Ana tại trạm thủy văn Giang Sơn thấp hơn từ 160-190%).

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 44/619 hồ cạn nước; 139/619 hồ có dung tích hiện tại dưới 50%. Trong thời gian tới, nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2024 với xác suất 75-80%; nắng nóng vẫn tiếp tục xảy ra. UBND tỉnh Đắk Lắk dự báo tình trạng khô hạn trên toàn tỉnh tiếp tục diễn biến khốc liệt hơn trong thời gian tới.

Khẩn trương triển khai các biện pháp chống hạn

Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, các địa phương nói trên đang triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động các hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Khoảng hơn 1.100ha cây thanh long tại tỉnh Bình Thuận có nguy cơ bị thiếu nước tưới nếu thời tiết không mưa. Ảnh: Trung Thành

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp. Chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước.

Để đảm bảo sử dụng nguồn nước hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi do địa phương quản lý; tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa thủy lợi điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất.

Cùng với đó, triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước, ngăn mặn; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến để bơm tưới chống hạn; trường hợp cấp thiết có phương án vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước. Chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi, vùng ven biển thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt.

Ứng phó với tình trạng hạn hán, ngày 26/4, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo thời tiết, khí tượng, thủy văn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước tại các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, tổ chức vận hành tối ưu, khai thác hiệu quả các hệ thống thủy lợi để điều phối nguồn nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho các đối tượng sử dụng nước theo khả năng nguồn nước hiện có, chống để thất thoát, lãng phí.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt dài hạn; tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt; thực hiện công tác khắc phục hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư dự án thủy lợi và công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác, cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.

Ngọc Lan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/no-luc-ung-pho-voi-han-han-o-cac-tinh-mien-trung-va-tay-nguyen-post475420.html