Nỗ lực khơi dậy tình yêu sách trong giới trẻ

Việc 'kéo' người trẻ lại gần với sách, yêu sách, đọc sách mỗi ngày là một vấn đề không dễ, cần có nhiều cách làm sáng tạo.

Trao giải cho cá nhân xuất sắc trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc.

Sức lan tỏa từ một cuộc thi

Em Phạm Thu Hà, học sinh lớp 12D, Trường THPT Yên Mô A là một trong 3 thí sinh đạt giải nhất của Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc Ninh Bình năm 2023. Thu Hà chia sẻ, đối với em, sách là người thầy, người bạn nuôi dưỡng tâm hồn, giúp em biết yêu thương, trân trọng cuộc sống. Sách đem đến cho em nhiều cơ hội mới. Nhờ sách, em quen được nhiều bạn bè, anh chị rất giỏi trong mọi lĩnh vực từ học tập, công việc đến đời sống, những người đã hoặc đang đồng hành cùng em trên những chặng đường khác nhau. Sách đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu của em.

Cũng chính vì lẽ đó mà khi được tham gia Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2023 do Thư viện tỉnh Ninh Bình phát động, Thu Hà rất hào hứng và xác định đây là dịp để thể hiện tình yêu đối với sách, cũng như góp phần lan tỏa tình yêu sách đến với nhiều người hơn nữa. Vì vậy, Thu Hà đã dành thời gian đọc thể lệ cuộc thi, sưu tầm tài liệu, hình ảnh và tập trung viết.

Vốn là một người có sự quan tâm đặc biệt với lịch sử dân tộc nên trong bài dự thi lần này, em đã lựa chọn chủ đề về lịch sử, cụ thể là Chiến dịch Điện Biên Phủ. "Viết về lịch sử vốn đã rất khó vì phải tìm hiểu thật kỹ và phải chuẩn chỉ mọi kiến thức. Nhưng với mong muốn mang lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ, em đã viết theo hướng truyện ngắn, đan cài những chi tiết hiện đại để tạo sự thú vị hơn"- Thu Hà nói.

Trong truyện ngắn đã viết, Thu Hà kể về Minh, một chàng trai trẻ thời hiện đại, vô tình xuyên không về những tháng năm lịch sử của quá khứ. Minh đã sống và chiến đấu hết mình như một người lính thực thụ và hy sinh. Sau khi trở về hiện đại, Minh đã tiếp tục hành trình đem lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ, đó cũng là sứ mệnh của chính chúng em đối với lịch sử hào hùng của Tổ quốc. Trước khi viết, em đã dành cả tháng để tìm đọc các tài liệu và các bộ phim về Điện Biên Phủ để hiểu, để cảm nhận và để có thể viết nên những trang truyện… Cuộc thi cũng là cơ hội để em lan tỏa tình yêu, sự trân trọng, niềm đam mê đọc sách đến với các bạn.

Đánh thức sự quan tâm, từ đó nhen nhóm tình yêu, rèn luyện thói quen đọc sách cho người trẻ là một trong những mục tiêu chính của Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc mà tỉnh ta chú trọng thực hiện từ năm 2020 đến nay. Thực tế cho thấy, mục tiêu này đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Qua mỗi năm, số học sinh quan tâm và đầu tư cho tác phẩm tham gia cuộc thi ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.

Tính riêng Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2023, chỉ qua 6 tháng phát động, sau khi tiến hành sơ tuyển ở các địa phương, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 1.060 bài dự thi (trong đó có 1.039 bài thi viết tay, 21 video clip) của cả 3 khối với 67 trường tham gia, trong đó: khối tiểu học có 30 trường với 445 bài dự thi, 3 video clip; khối THCS có 14 trường với 234 bài dự thi, 2 video clip; khối THPT có 23 trường với 360 bài dự thi, 16 video clip. Số lượng bài dự thi tăng gấp đôi so với cuộc thi năm 2022.

Nhiều nỗ lực đưa sách về cơ sở

Là người được nuôi dưỡng tình yêu với sách từ nhỏ, em Thu Hà, học sinh lớp 12D, Trường THPT Yên Mô A khẳng định: Sự quan tâm, tạo điều kiện của bố mẹ, thầy cô là yếu tố rất quan trọng để mang sách lại gần hơn với người trẻ. Khi lên cấp 2, Thu Hà có nhu cầu đọc nhiều sách hơn để phục vụ cho việc học và thỏa mãn sự tò mò, khám phá của bản thân. Tuy nhiên, điều kiện gia đình không cho phép, em lại chưa kiếm ra tiền nên việc có sách để đọc trở nên khó khăn hơn. May mắn là khi đó, ở huyện Yên Mô có thầy giáo Bùi Văn Đông mở tủ sách gia đình cho mượn miễn phí. Con đường đến với sách của em lại tiếp tục được chắp nối.

Để "kéo" được người trẻ đến với thế giới nhiều màu sắc của sách thì rất cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân thông qua các hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh ta đều có phòng thư viện. Những năm qua, các trường học cũng đã chủ động đầu tư, hình thành không gian đọc hấp dẫn, các hoạt động thư viện được tổ chức ngày càng linh hoạt, sáng tạo. Nhiều trường học luôn chú trọng xây dựng không gian văn hóa đọc gần gũi, thân thiện. Đồng thời bổ sung đầu sách mới từ nguồn xã hội hóa nhằm thu hút học sinh tham gia…

Cùng với đó, hàng năm Thư viện tỉnh cũng đã bổ sung đầu sách theo nhu cầu của bạn đọc, nhất là nhu cầu của đối tượng là thanh, thiếu niên, nhi đồng, góp phần làm phong phú thêm tủ sách thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của giới trẻ. Nhằm tạo điều kiện cho giới trẻ đọc sách dễ dàng hơn, thư viện bố trí phòng đọc riêng được trang bị đầy đủ ánh sáng, bàn ghế sạch sẽ, thoáng mát… phục vụ các em đến đọc sách, tra cứu thông tin. Hiện nay, kho sách của Phòng đọc sách thiếu nhi đa dạng với nhiều thể loại được thiếu nhi quan tâm như: truyện tranh, truyện cổ tích, sách về những nhân vật lịch sử, các nhà bác học tài năng trong và ngoài nước…

Học sinh trường Tiểu học Khánh An hào hứng đọc sách tại ""Thư viện lưu động".

Đặc biệt, để đưa sách về với trẻ em vùng xa, Thư viện tỉnh đã tổ chức đưa xe thư viện lưu động về các huyện nhằm tạo điều kiện cho trẻ ở vùng xa được tiếp cận với nguồn sách, báo phong phú. Từ đó, góp phần khơi dậy văn hóa đọc sách trong cộng đồng nói chung, đối tượng thanh, thiếu niên, nhi đồng nói riêng. Mỗi năm, trung bình Thư viện tỉnh phục vụ khoảng 250 nghìn lượt bạn đọc.

Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho giới trẻ rất cần có sự vào cuộc và làm gương từ người lớn. Chị Lại Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ: Muốn hình thành thói quen đọc sách cho người trẻ thì bản thân bố mẹ phải làm gương. Bố mẹ hãy dành thời gian để cùng con đọc sách, trò chuyện về sách, cùng con đi đến các buổi ra mắt sách hay cùng con đi mua sách… Con trẻ sẽ dần tìm thấy một thế giới kì diệu qua trang sách, sẽ mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn và hoàn thiện nhân cách từ việc đọc sách. Ở thời đại 4.0, việc lôi cuốn trẻ vào đọc sách gặp nhiều thách thức hơn so với trước đây. Nhưng chúng ta hãy kiên trì từng chút một. Rèn luyện một thói quen cho trẻ không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng một tấm gương thực sự.

Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/no-luc-khoi-day-tinh-yeu-sach-trong-gioi-tre/d20231213150813384.htm