Nỗ lực đẩy lùi tín dụng đen. Bài 3: Cần sự vào cuộc quyết liệt

Nhận thức rõ mặt trái và những hệ lụy mà tín dụng đen gây ra, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh đã nỗ lực vào cuộc, phòng ngừa, đấu tranh với những giải pháp, cách làm cụ thể. Tuy nhiên, đẩy lùi tín dụng đen luôn là nhiệm vụ khó, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Mấu chốt là ở công tác tuyên truyền

Nhận thức sâu sắc tín dụng đen sẽ vẫn còn tồn tại nếu có sự tiếp tay một cách vô tình hoặc cố ý của người dân, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền. Đây được xác định là điểm mấu chốt để đẩy lùi tín dụng đen. Với sự nỗ lực vượt bậc, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong tỉnh đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để vào cuộc. Hoạt động tuyên truyền được tiến hành thường xuyên với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực.

Cán bộ công đoàn tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tránh xa tín dụng đen - Ảnh: Q.H

Trở về từ buổi tuyên truyền phòng, chống tín dụng đen cho đoàn viên, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn thường là mục tiêu mà các đối tượng xấu nhắm đến.

Vì vậy, LĐLĐ tỉnh đã tập trung thông tin, tuyên truyền, giúp đoàn viên, người lao động hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn hoạt động và tác hại của tín dụng đen. Thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, trong năm qua, các công đoàn cấp huyện đã tổ chức 11 lớp tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tín dụng đen cho hơn 1.000 đoàn viên, người lao động.

Ngoài hình thức trực tiếp, việc tuyên truyền, phòng, chống tín dụng đen trên mạng xã hội được các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng. LĐLĐ tỉnh cũng đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình phúc lợi đoàn viên.

“Chúng tôi luôn nỗ lực chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Các chính sách hỗ trợ công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần giúp hạn chế tình trạng người lao động tiếp tay hoặc tìm đến tín dụng đen để vay vốn”, bà Hà khẳng định.

Chung tay nỗ lực đẩy lùi tín dụng đen, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết, thời gian qua, lãnh đạo đơn vị đã tập trung chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong thực thi nhiệm vụ, không tiếp tay hoặc tham gia hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Cùng với đó, ngân hàng đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền về những tín hiệu vui liên quan đến việc huy động vốn; đa dạng các sản phẩm, loại hình về huy động tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn trong Nhân dân nhằm hạn chế việc hình thành đường dây hụi, họ.

Các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng sửa đổi, bổ sung các quy trình về huy động vốn, cho vay, đặc biệt là lĩnh vực cho vay sản xuất, kinh doanh hộ gia đình và tiêu dùng cá nhân theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay, thời gian thẩm định, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng một cách nhanh nhất, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh…

“Hiện nay, nguồn vốn huy động trên địa bàn rất dồi dào, ngày càng tăng. Nguồn vốn huy động năm 2023 đã đạt 1.500 tỉ đồng. Đặc biệt, các ngân hàng hiện đang có nhiều chính sách tín dụng ưu đãi rất đa dạng phục vụ khách hàng”, ông Đồng thông tin.

Ngoài LĐLĐ tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Trị, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã và đang được triển khai trên địa bàn, mang lại kết quả tích cực như: phát động phong trào tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen; tổ chức bóc gỡ các tờ rơi liên quan đến hoạt động tín dụng đen; chiếu phim lưu động lồng ghép tuyên truyền phòng, chống hoạt động tín dụng đen; lập hòm thư tố giác tội phạm tín dụng đen… Từ đây, việc phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen đã trở thành phong trào rộng khắp.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Gần đây, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn đã và đang được kiềm chế. Các vụ việc, vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen được giảm thiểu đáng kể. Hoạt động của các nhóm đối tượng từ tỉnh khác đến Quảng Trị và các công ty tài chính liên quan đến tín dụng đen đỡ phức tạp hơn. Vì nhiều lý do, một số nhóm đối tượng, công ty tài chính chuyển sang hoạt động cầm chừng hoặc ngừng cho vay để thu hồi nợ.

Đoàn viên, thanh niên bóc gỡ các tờ rơi quảng cáo liên quan đến tín dụng đen -Ảnh: Q.H

Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đã góp phần làm nên kết quả đáng mừng kể trên. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Trị, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh… đã phát huy vai trò, vị trí. UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm chỉ đạo các bộ phận chức năng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; siết chặt việc cấp phép kinh doanh cho các cơ sở dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen; nâng cao trách nhiệm, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm ngăn ngừa việc tiếp tay hoặc để các đối tượng hoạt động tín dụng đen lợi dụng…

Là lực lượng nòng cốt tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, hạn chế, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, thời gian qua, Công an tỉnh đã vào cuộc với trách nhiệm cao.

Các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tập trung theo dõi, quản lý các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm tội phạm có liên quan đến tín dụng đen… Tổ chức, cá nhân còn duy trì hoạt động đòi nợ trên địa bàn được lực lượng chức năng rà soát, có kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn, xử lý cụ thể. Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh đã tăng cường quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự; đối tượng hình sự hoạt động lưu động; đối tượng lưu manh, côn đồ; đối tượng nghiện ma túy… nhằm kịp thời phát hiện những hành vi, biểu hiện tham gia hoạt động đòi nợ, cho vay nặng lãi. Công an tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở cầm đồ, công ty tài chính nghi vấn núp bóng để hoạt động tín dụng đen.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 11 vụ với 19 đối tượng hoạt động tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Kết quả, đã khởi tố 4 vụ với 6 bị can; xử phạt hành chính 7 vụ với 13 đối tượng về các hành vi không đăng ký ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỉ lệ lãi suất theo quy định của Bộ Luật Dân sự, phát tán tờ rơi quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay tiền trái pháp luật…

Tập trung các giải pháp làm hạn chế, tiến đến triệt tiêu tín dụng đen

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam khẳng định, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh đã và đang được kiềm chế hiệu quả. Một trong những lý do làm nên kết quả bước đầu này là do tỉnh đã triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

“Trong 4 năm qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen nói riêng. Chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tín dụng đen được nâng cao hơn so với trước”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cho biết.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, để đẩy lùi tín dụng đen cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và người dân. Trước tiên, nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cần tích cực tham mưu UBND tỉnh các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động tín dụng đen trên địa bàn…

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai, thực hiện chỉ thị; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, phòng ngừa tín dụng đen ngay trong nội bộ; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen…

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, để tín dụng đen không còn là nỗi lo, sự ám ảnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân và doanh nghiệp nói không với hình thức vay vốn bất hợp pháp.

Cùng với đó, các cấp, sở, ngành, đơn vị liên quan cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để kìm hãm sự lan rộng của tín dụng đen. Đẩy mạnh đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

Trong đó, lực lượng công an cần phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức rà soát, lên danh sách quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen trên địa bàn; tập trung thu thập thông tin đấu tranh, triệt xóa ngay, không để các công ty tài chính núp bóng để hoạt động tín dụng đen, không để hình thành các băng nhóm hoạt động tín dụng đen; xử lý nghiêm các đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê…

Về lâu dài, nhiệm vụ quan trọng là tập trung các giải pháp làm hạn chế, tiến đến triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

Muốn vậy, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần triển khai hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với đặc điểm của từng vùng; tạo việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân; kịp thời nắm bắt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân để có biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ vay vốn, hạn chế đến mức thấp nhất số người dân tìm đến tín dụng đen để vay nợ…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị cần chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong hệ thống tăng cường công tác tuyên truyền, đơn giản hóa các thủ tục để tạo thuận lợi cho người dân vay vốn. Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, tổ chức chính trị - xã hội và người dân, tín dụng đen sẽ bị đẩy lùi.

Trương Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ban-doc-phap-luat/no-luc-day-lui-tin-dung-den-bai-3-can-su-vao-cuoc-quyet-liet/178318.htm