Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 30)

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập (tháng 6/1975), Đồn CANDVT Ia Kla (lúc đầu mang phiên hiệu 23, sau đổi thành 649), CANDVT Gia Lai (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai ngày nay) đã đương đầu với những khó khăn, thử thách. Vừa chiến đấu bảo vệ biên giới, vừa đấu tranh với các phần tử phản động, bảo vệ an ninh chính trị địa bàn. Vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn CANDVT Ia Kla càng chiến đấu càng trưởng thành và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài 30: Ia Kla- Lời thề giữ đất

Mưu trí, dũng cảm xử lý các tình huống xảy ra trên biên giới

Bia tưởng niệm liệt sĩ khu vực Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nằm ngay gần khu cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh ngày nay, sát bên trục đường 14C, nối liền huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) với huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Ngay cổng ra vào khu vực bia tưởng niệm có đặt một tấm bia đá, rộng chừng 6m2. Trên đó là tóm tắt chiến công vẻ vang của đơn vị, tiêu biểu là 9 ngày đêm anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới (từ ngày 18 đến ngày 27/6/1978).

Tấm bia đá ghi chiến công chiến đấu bảo vệ biên giới của Đồn 649 - Đồn CANDVT Ia Kla. Ảnh: Đăng Bảy

Theo Trung tá Trần Mạnh Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh: Nơi đặt bia tưởng niệm ngày nay, trước kia là vị trí đóng quân của Đồn CANDVT Ia Kla (tạm gọi là Đồn 649), thuộc địa giới hành chính xã Ia Kla (nay đổi thành xã Ia Dom, huyện Đức Cơ). Cách thành phố Pleiku hơn 50km, đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số. Trước kia, khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, địa hình nhiều đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Lúc đầu, quân số của đơn vị gồm 23 CB, CS, do đồng chí Rơ Lan Nok làm Đồn trưởng; Đồn phó Chính trị là đồng chí Đinh Hồng Thu.

Ngay những ngày đầu mới thành lập, Đồn 649 đã gặp phải các hành động khiêu khích của quân Pol Pot. Liên tiếp trong các ngày 22/8, 24/9 và 9/11/1975, chúng ngang nhiên đưa quân sang “yêu cầu” Đồn 649 phải dời đi nơi khác. Lý do được chúng đưa ra là: "Cấp trên nói đất Campuchia kéo dài đến tận Đức Cơ". Đáp lại hành động hung hăng, trơ trẽn ấy, Đồn trưởng Rơ Lan Nok và CB, CS trong đơn vị vẫn bình tĩnh giải thích, đưa ra những chứng cứ thuyết phục, lời lẽ sắc bén để khẳng định Đồn 649 đang đóng quân trên đất của Việt Nam. Trước lập luận có lý, có tình của ta, chúng đã phải từ bỏ yêu sách ngang ngược và quay về Campuchia.

Nhưng với bản chất hiếu chiến, bất chấp, quân Pol Pot vẫn liên tục tổ chức lực lượng dò la, nắm tình hình ta. Chúng cũng đã nhiều lần tập kích bằng hỏa lực, cho quân vây hãm, gài mìn, cắm chông xung quanh khu vực của Đồn 649. Chỉ tính 4 tháng đầu năm1978, đơn vị đã phát hiện và làm thất bại 40 lần trinh sát, cắm chông, gài mìn của địch; tháo gỡ 96 quả mìn PK2, 17 lựu đạn, 2 mìn chống tăng.

Ông Rơ Lan Din, chiến sĩ bắn B40 Đồn 649 (hiện cư trú tại làng Nú, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) kể: "Sáng ngày 19/5/1978, đội tuần tra của Đồn 649, gồm 7 đồng chí, phát hiện một toán 5 tên Pol Pot đang đào công sự trên đường biên giới, cách đơn vị khoảng 700m về hướng Tây Nam. Tôi dùng B40 bắn thẳng vào đội hình địch, tiêu diệt tại chỗ 1 tên, thu 1 súng AK. Sau khi tháo chạy sang biên kia biên giới, đến khoảng hơn 10 giờ trưa cùng ngày, chúng đánh phản công sang ta. Đội tuần tra đã bình tĩnh, khéo léo câu nhử chúng vào bãi mìn ta cài sẵn, diệt thêm 2 tên, thu 2 súng AK".

Cuộc chiến 9 ngày đêm bảo vệ đơn vị

Đầu tháng 6/1978, khi 2 tiểu đoàn quân chủ lực của ta đóng gần khu vực cửa khẩu 19 chuyển đi làm nhiệm vụ ở nơi khác, Pot Pol liên tục đánh phá, tấn công các trụ sở đóng trên biên giới. Điển hình như, từ chiều tối ngày 18 đến ngày 27/6/1978, chúng dùng pháo 105 ly, cối 82 ly, cối 60 ly và các loại súng đại liên, M79... từ các hướng đồng loạt bắn vào Đồn 649 và trụ sở các cơ quan đứng chân trên khu vực. Sau khi pháo chuyển làn, chúng xua quân hò hét xông lên đột nhập, đánh phá hòng chiếm đồn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia tuần tra biên giới. Ảnh: Phương Vy

Cùng với đó là cho nhiều toán trinh sát luồn sâu phía sau cài mìn phục kích ngăn chặn đường tiếp viện của ta cho tuyến trước. Trước diễn biến phức tạp đó, CANDVT Gia Lai đã thành lập Ban chỉ huy tiền phương, đóng cách đồn 3km, do đích thân đồng chí Hà Văn Choóng, Chỉ huy trưởng CANDVT Gia Lai phụ trách. Đồng thời, đơn vị cũng đã điều 35 CB, CS của Đại đội 3 cơ động lên chi viện cho Đồn 649.

Năm nay ngoài 60 tuổi, cựu chiến binh Đoàn Khánh Tân - nguyên chiến sĩ hỏa lực B40 Đồn 649 (hiện đang cư ngụ tại thành phố Pleiku) nhớ lại: "Chỉ trong 3 ngày, từ ngày 19 đến ngày 21/6/1978, đơn vị đã phải hứng chịu hàng ngàn quả pháo cối các loại. Khuôn viên doanh trại của đơn vị gần như bị băm nát dưới đạn pháo quân thù. Mặc dù phải sống, chiến đấu, sinh hoạt dưới lòng đất, nhưng CB, CS ta vẫn bình tĩnh dựa vào hệ thống hầm hào, công sự chiến đấu, bẻ gãy các đợt tấn công của địch".

Khoảng 17 giờ, ngày 26/6/1978, địch tiếp tục dùng các loại súng, pháo từ các hướng tập kích vào Đồn 649. Trận “mưa đạn” này kéo dài đến hơn 40 phút, nhưng do ta làm tốt công tác chuẩn bị về hầm hào, công sự, vật cản nên hạn chế được thương vong.

Biên giới lúc này luôn rền vang tiếng súng, ta càng đánh tinh thần càng lên, địch càng tấn công càng phải đón nhận tổn thất to lớn. Với “lời thề giữ đất”, CB, CS Đồn 649 vẫn luôn kiên cường bám trụ, sẵn sàng hy sinh, quyết không để cho địch tiến công đánh chiếm trận địa. Đúng 6 giờ sáng ngày 27/6/1978, theo kế hoạch đã hợp đồng, CB, CS Đồn 649 đã cùng với Đại đội 3 cơ động và lực lượng chi viện tiến hành phản kích, đồng loạt đánh địch ở tất cả các khu vực. Quân địch bị tổn thất nặng nề, buộc phải tháo chạy sang bên kia biên giới, để lại nhiều xác chết. Như vậy là ròng rã 9 ngày đêm chiến đấu bám trụ kiên cường dưới những trận “mưa đạn” của quân thù, CB, CS Đồn 649 và Đại đội 3 cơ động vẫn giữ vững trận địa phòng ngự, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch...

Để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, máu, nước mắt và cả những nụ cười chiến thắng của CB, CS Đồn 649 đã thấm đẫm bên chiến hào, bên rừng cây, con suối, khắc ghi nên trang sử vẻ vang của đơn vị. Minh chứng cho “lời thề giữ đất”, đã có 11 CB, CS của Đồn 649 mãi mãi ra đi không bao giờ trở về. Máu đào của các anh đã đổ xuống để góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của đơn vị. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, bảo vệ biên giới, ngày 20/12/1979, Đồn 649 - Đồn CANDVT Ia Kla vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài 31: Vừa bảo vệ đơn vị, vừa cơ động đánh địch

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-30-post466275.html