Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 1/1 - 6/1

Trung Quốc giành lại vị trí nước nhập khẩu LNG số 1; lượng nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ giảm trong những tuần gần đây... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng tuần qua.

1. Tồn kho khí đốt của châu Âu sắp kết thúc mùa đông 2023-2024 ở mức gần kỷ lục, do nhiệt độ ôn hòa trên toàn khu vực không làm giảm được lượng khí đốt khổng lồ dư thừa từ mùa đông 2022-2023.

Theo dữ liệu do Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) tổng hợp, lượng tồn kho trên khắp Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh lên tới 996 terawatt giờ (TWh) vào ngày 31/12/2023 - một kỷ lục so với năm trước.

2. Xuất khẩu dầu của Venezuela đã tăng 12% trong năm ngoái lên gần 700.000 thùng mỗi ngày, nhờ Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt được áp đặt kể từ năm 2019 đối với ngành năng lượng của quốc gia OPEC này, theo tài liệu mà Reuters có được.

Sự gia tăng này cho thấy tác động của việc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Venezuela, và mức độ tăng thêm có thể vẫn bị hạn chế do nhu cầu về chính sách và vốn ổn định, để xây dựng lại sản lượng dầu thô.

3. Công ty dầu mỏ nhà nước Pemex của Mexico cho biết, nhà máy lọc dầu mới nhất của họ với công suất 340.000 thùng/ngày, sẽ xử lý 243.000 thùng/ngày trong năm nay trước khi đạt công suất tối đa vào năm 2025.

Nhà máy lọc dầu mới nhất của Mexico đã được ca ngợi là một trong những thành tựu quan trọng của Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador trong nỗ lực cắt đứt ách thống trị của nhiên liệu nhập khẩu mà phần lớn trong số đó đến từ Mỹ.

4. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết việc Ấn Độ nhập khẩu dầu thô Nga giảm trong những tuần gần đây là do giá chiết khấu không đủ hấp dẫn, không liên quan đến vấn đề thanh toán trong bối cảnh các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ đối với xuất khẩu của Nga.

Dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg tổng hợp cho thấy việc thực thi chặt chẽ hơn các lệnh trừng phạt của G7 và các vấn đề thanh toán liên quan đã cản trở việc Ấn Độ mua một số lô dầu thô của Nga, trong đó các tàu chở dầu trước đây hướng đến Ấn Độ giờ quay trở lại phía đông.

5. Trung Quốc đã lấy lại danh hiệu nước mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, khi lượng giao hàng đến nước này phục hồi mạnh.

Theo dữ liệu theo dõi tàu biển do Bloomberg tổng hợp, các chuyến hàng LNG đến Trung Quốc đã tăng 12% trong năm ngoái lên gần 71 triệu tấn. Giá cao và các hạn chế do đại dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể nhu cầu của nước này vào năm 2022.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nhung-su-kien-noi-bat-tren-thi-truong-nang-luong-quoc-te-tuan-tu-11-61-703359.html