Những người viết câu chuyện kỳ diệu về 'giấc mơ Mỹ'

Từ lâu khái niệm về " giấc mơ Mỹ" không còn quá xa lạ với nhiều người. Thế nhưng, đối với những người dân nhập cư ở Mỹ, để đạt được "giấc mơ" ấy không phải là chuyện có thể " nói là làm ngay được".

Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã làm được điều đó và xóa đi những định kiến về dân nhập cư từ lâu đã hằn sâu vào tiềm thức người dân Mỹ bản địa.

Thomas Peterffy là người sáng lập, đồng thời là CEO của công ty chứng khoán Interactive Group với tổng tài sản ước tính lên tới 12,6 tỷ USD. Tuy nhiên ít ai biết rằng vị tỷ phú gốc Hungary này từng nhập cư trái phép ở Mỹ để lập nghiệp.

Sinh ra trong tầng hầm tối tăm của một bệnh viện ở Budapest, Hungary năm 1944, tuổi thơ ông gắn liền với tiếng đạn bom chết chóc của chiến tranh. Gia đình ông gần như mất hết tất cả và phải sống cuộc sống nghèo khổ tù đầy. Cũng chính bởi hoàn cảnh đó đã thôi thúc chàng trai 20 tuổi quyết định sang Mỹ để tìm kiếm sự tự do và cuộc sống sung túc.

Thời điểm đó, người dân Hungary được phép cấp visa ngắn hạn sang Tây Đức để thăm gia đình. Thomas Peterffy nắm bắt cơ hội này để cùng hàng triệu người khác di cư bất hợp sang Mỹ khi visa ở Đức hết hạn.

Ông đặt chân lên "miền đất hứa" New York với 2 bàn tay trắng không tiền, không biết một chút tiếng Anh. Hành lý của ông chỉ vỏn vẹn một chiếc va -li với một vài vật dụng cá nhân như quần áo, quyển sổ khảo sát và...di ảnh tổ tiên.

Tỷ phú Thomas Peterffy

Peterffy chuyển đến phố Spanish Harlem, gần thành phố New York. Tại đây, ông gặp được rất nhiều người dân Hungary nhập cư nghèo khổ khác phải sống trong những căn hộ ẩm thấp bẩn thỉu. Tuy vậy, ông vẫn cảm thấy hạnh phúc khi sống ở đây vì ít nhất những người dân sống quanh khu vực này đều là những người Hungary và ông có thể giao tiếp với họ.

Điều mà ông lo lắng nhất chính là vấn đề về rào cản ngôn ngữ và văn hóa bởi ông không biết một chút tiếng Anh hay một chút kiến thức căn bản nào về văn hóa nước Mỹ. Thế nhưng ông vẫn quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất đầy cơ hội này. " Tôi tin rằng, sự cố gắng của mình sẽ được đền đáp. Đây cũng chính là tiêu chuẩn đánh giá một người đàn ông thực thụ với niềm quyết tâm đạt được thành công. Nước Mỹ chính là miền đất hứa".

Niềm tin và sự cố gắng của ông cuối cùng cũng được đền đáp khi ông được nhận làm nhân viên thiết kế kiến trúc tại một công ty khảo sát. Một thời gian sau, công ty mua chiếc máy tính đầu tiên nhưng không một ai biết lập trình và thế là ông tình nguyện làm công việc này. Kể từ đó, ông trở thành một lập trình viên và được một công ty tư vấn nhỏ ở phố Wall mời về làm việc. Cũng tại đây ông đã xây dựng cho mình một mô hình kinh doanh mới.

Cuối những năm 70, với số tiền tiết kiệm khoảng 200.000 USD ông sáng lập công ty chứng khoán điện tử đầu tiên trên thế giới. Đến những năm 1990 ông bắt đầu tập trung mảng bán hàng và tiếp tục thành lập tập đoàn Interactive Brokers.

Tính đến thời điểm hiện tại giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn Interactive Brokers lên tới 14 tỷ USD và tổng tài sản của ông ước tính khoảng 12,6 tỷ USD.

Thomas Peterffy là đại diện tiêu biểu trong số rất nhiều tỷ phủ đô la khác cũng là người nhập cư đạt được "giấc mơ Mỹ" như người sáng lập eBay Pierre Omidyar, người sáng lập Google Sergey Brin, hay Elon Musk CEO của SpaceX...Trong danh sách 400 người giàu có nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes bình chọn thì có 42 người là dân nhập cư, chiếm 10.5% trong danh sách.

Tỷ phú gốc Việt Hoàng Kiều nằm trong Top 400 người giàu nhất nước Mỹ

Nhiều người, thậm chí có cả một số nhà chính trị gia có cái nhìn không mấy thiện cảm về dân nhập cư. Họ cho rằng, những người này chính là căn nguyên của mất an ninh xã hội và làm suy thoái kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại so với những gì họ nghĩ. Tỷ lệ những người nhập cư trở nên thành công và giàu có ngày càng nhiều ở nước Mỹ.

Trở lại 20 năm về trước số tỷ phú là dân nhập cư trong danh sách top 400 người giàu nhất nước Mỹ mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn là 26 người. Tuy nhiên, 10 năm sau, con số ấy đã nâng lên 35 và giờ là 42. Tổng tài sản của những vị tỷ phú này trong danh sách top 400 của tạp chí Forbes gộp lại lên tới 248 tỷ USD- một con số đủ sức thuyết phục bất kỳ ai vẫn còn đang có những suy nghĩ lệch lạc về dân nhập cư ở Mỹ.

Theo tổ chức Kauffman Foundation, khả năng người nhập cư thành lập công ty cao gấp 2 lần so với người Mỹ bản địa. Năm 2011, số lượng công ty được thành lập bởi những người nhập cư chiếm 28% trong tổng số các công ty ở Mỹ và tạo việc làm cho 1/10 dân số của quốc gia này, thu về lợi nhuận lên tới 775 tỷ USD.

Những người nhập cư đến với Mỹ vì họ muốn giải thoát khỏi điều này hay điều khác. Với Sergey Brin, người đồng sáng lập Google, đến với nước Mỹ vì ông muốn thoát khỏi nạn phân biệt đối xử người Do Thái sâu sắc ở Nga. George Soros ông chủ của quỹ đầu tư Soros Quantum Fund thì rời Hungary vì không muốn chứng kiến cảnh giết chóc của phát xít Đức....

Tất cả những gì họ làm là chấp nhận mạo hiểm để đổi lại sự thành công mà theo chuyên gia Peterffy đã từng nhận định "Họ bỏ lại sau lưng tất cả và lên máy bay. Họ chấp nhận và thích nghi với những thay đổi, rủi ro và họ muốn khẳng định bản thân mình". Có lẽ họ là những minh chứng cụ thể nhất cho "giấc mơ Mỹ" là hoàn toàn có thật nếu con người biết phấn đấu để đạt được giấc mơ của riêng mình.

>> Tỷ phú gốc Việt đứng thứ 214 trong Top 400 người giàu nhất nước Mỹ

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nhung-nguoi-viet-len-cau-chuyen-ky-dieu-ve-giac-mo-my--20161010092723383p5c128.news