Đằng sau cuộc đua tăng vốn của công ty chứng khoán

Tăng vốn đang là nhu cầu cấp thiết của các công ty chứng khoán để đáp ứng nhu cầu cho vay giao dịch ký quỹ (margin), kinh doanh nguồn, đồng thời đón đầu 'cuộc chơi lớn' mang tên KRX và nâng hạng thị trường.

Nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào giúp các công ty chứng khoán cải thiện biên lợi nhuận mảng cho vay ký quỹ

Đa đạng hình thức tăng vốn

Mùa đại hội cổ đông năm 2024, một loạt công ty chứng khoán trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng nhiều phương thức như phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP).

Cụ thể, đại hội đồng cổ đông Công ty Chứng khoán SSI (SSI) đã thông qua phương án phát hành 453,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu (tối đa 302,2 triệu cổ phiếu) và chào bán cho cổ đông hiện hữu (tối đa 151,1 triệu cổ phiếu). Sau phát hành, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng từ hơn 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng.

Số tiền dự kiến thu được từ chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu khoảng 2.267 tỷ đồng sẽ được SSI dùng một nửa để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư chứng chỉ tiền gửi, một nửa bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ.

Đại hội đồng cổ đông Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã chứng khoán VDS) đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ gần 54,3%, lên 3.240 tỷ đồng. Theo đó, VDSC sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức với tỷ lệ 11,5%; phát hành 8,85 triệu cổ phiếu ESOP (tương đương tỷ lệ 4,21% vốn điều lệ) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; chào bán riêng lẻ tối đa 81 triệu cổ phiếu cho đối tượng là nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhằm nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh.

Tương tự, đại hội đồng cổ đông Công ty Chứng khoán Vietcap (Vietcap, mã chứng khoán VCI) đã thông qua 3 phương án tăng vốn điều lệ, từ 4.375 tỷ đồng lên gần 7.200 tỷ đồng. Một là, phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng thu về gần 53 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và giảm nợ vay. Hai là, phát hành 132,57 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 30%. Ba là, chào bán riêng lẻ gần 144 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS, mã chứng khoán FTS) sẽ phát hành hơn 85,8 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 858 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu và phát hành hơn 5,5 triệu cổ phiếu ESOP (hơn 55 tỷ đồng) để gia tăng nguồn vốn cho vay ký quỹ. Nếu thành công, vốn điều lệ Công ty sẽ tăng từ hơn 2.145 tỷ đồng lên 3.059 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) sẽ phát hành quyền mua hơn 109,4 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 1.094 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ hơn 28,7 triệu cổ phiếu (theo giá thỏa thuận, nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách) cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.

Công ty Chứng khoán Nhất Việt (mã chứng khoán VFS) sẽ triển khai phương án phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được đại hội đồng cổ đông năm 2023 thông qua. Trong số 1.200 tỷ đồng vốn dự kiến thu về từ đợt phát hành, Công ty sẽ dùng 600 tỷ đồng dùng để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh, còn lại bổ sung hoạt động cho vay ký quỹ.

Công ty Chứng khoán Thiên Việt (mã chứng khoán TVS) vừa thông qua phương án phát hành 500.000 cổ phiếu ESOP, tương đương 0,33% vốn điều lệ, với giá 12.300 đồng/cổ phiếu để bổ sung cho nguồn vốn hoạt động tự doanh.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đã nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, lên 7.000 tỷ đồng.

Chuẩn bị cho cuộc chơi lớn

Đa số công ty chứng khoán có kế hoạch tăng vốn được đánh giá là bước chuẩn bị cho cuộc chơi lớn sau khi hệ thống giao dịch KRX đi vào vận hành và thị trường chứng khoán được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Huy động vốn được đánh giá là yếu tố quyết định đến khả năng tăng biên lợi nhuận mảng cho vay ký quỹ, vốn là động lực tăng trưởng quan trọng của các công ty chứng khoán, đồng thời là một trong những yếu tố chính quyết định tăng trưởng của hoạt động tự doanh, mảng quan trọng thứ hai trong mô hình kinh doanh của nhóm này.

Thống kê cho thấy, tính đến cuối quý I/2024, tổng dư nợ margin toàn thị trường ước tính quay về vùng đỉnh của năm 2021, khi đạt xấp xỉ 200.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cuối năm 2023, nhưng vẫn còn nhiều dư địa tăng.

Tại đại hội cổ đông 2024, ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VDSC cho biết, Công ty có kế hoạch gia tăng quy mô vốn để tăng năng lực tài chính, bổ sung vốn cho vay margin, ứng trước, tự doanh, bảo lãnh phát hành, kinh doanh nguồn vốn và đầu tư hệ thống công nghệ.

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã chứng khoán HCM) chia sẻ, việc không có đủ vốn, kế hoạch tăng vốn bị chậm, trong bối cảnh ngân hàng cắt hạn mức tín dụng là lý do khiến thị phần môi giới khách hàng cá nhân của HSC trong những năm qua suy giảm.

Đặc biệt, việc đa số công ty chứng khoán có kế hoạch tăng vốn được đánh giá là bước chuẩn bị cho cuộc chơi lớn sau khi hệ thống giao dịch KRX đi vào vận hành và thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi (dự kiến năm 2025).

Theo đó, hệ thống KRX (dự kiến sẽ cho phép giao dịch T+0, bán chứng khoán chờ về…) đòi hỏi các công ty chứng khoán phải gia tăng nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, sản phẩm mới, nâng cao trải nghiệm người dùng; còn thị trường được nâng hạng đồng nghĩa với việc dòng vốn ngoại sẽ đổ vào ồ ạt, tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với các công ty chứng khoán. Ngân hàng Thế giới ước tính, nếu nâng hạng thành công, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2030.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ SSI cho rằng, cả ngắn hạn hay dài hạn đều đang tạo áp lực về vốn cho các công ty chứng khoán để đáp ứng việc nâng cấp hệ thống, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư.

“Đa số các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho cuộc chơi lớn này”, ông Nguyễn Khắc Hải nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích và phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thời gian qua, việc tăng vốn của công ty chứng khoán phần lớn đến từ những công ty không có ngân hàng đứng sau, do không có hậu thuẫn về vốn.

Mặt khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấm các công ty chứng khoán huy động tiền từ khách hàng, nên các công ty cần tìm kiếm “nguồn vốn thị trường” để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, nhiều công ty chứng khoán định hình mô hình hoạt động trong tương lai là ngân hàng đầu tư (Investment Banking), chứ không chỉ kinh doanh chứng khoán để hưởng phí giao dịch, nên cần chuẩn bị nguồn lực ngay từ bây giờ.

Liên quan đến “sóng” KRX và nâng hạng thị trường, ông Nguyễn Thế Minh nhận định, sắp tới, thị trường cho phép giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, nới quy định ký quỹ với nhà đầu tư nước ngoài (pre-funding)…, các công ty chứng khoán sẽ trở thành nhân tố quan trọng đảm bảo giảm thiểu rủi ro nên cần đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu theo yêu cầu.

“Đặc biệt, nghiệp vụ pre-funding đòi hỏi vốn rất lớn, vì mỗi giao dịch của khối ngoại có thể lên đến vài trăm tỷ đồng, thậm chí vài nghìn tỷ đồng”, ông Nguyễn Thế Minh nói.

“Thực tế, một số công ty chứng khoán tăng vốn do trước đó đã đầu tư nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp, hoặc có cam kết mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Việc công ty tăng vốn có thể cho thấy họ đánh giá trái phiếu có rủi ro khó thu hồi, nhà đầu tư cần ‘soi’ kỹ danh mục tự doanh của những công ty này”, vị chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam lưu ý.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dang-sau-cuoc-dua-tang-von-cua-cong-ty-chung-khoan-post344583.html