Những nét đặc biệt của ngôi đền thiêng nhất Nhật Bản

Những ngày này, Đền thờ Ise (Ise Jingu) hay còn gọi là Thần cung Ise được nhiều người biết đến hơn khi Mie trở thành địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh G7 thăm Đền Ise Grand - Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản

Ise Jingu được biết đến như điểm đến linh thiêng nhất của đạo Shinto, nằm ở tỉnh Mie, Nhật Bản. Khởi công từ thế kỉ thứ 5, Ise Jingu được xây dựng để tôn vinh Amaerasu - Omikami, nữ thần mà các gia đình hoàng tộc ở Nhật Bản tin rằng họ chính là con cháu của bà. Nơi đây được coi như ngôi nhà tinh thần của người Nhật.

Thần cung Ise có 125 đền bao quanh 2 ngồi đền chính là Naiku (Nội cung) và Geku (Ngoại cung). Quần thể này rộng hơn 5.500 ha và chiếm 1/5 diện tích thành phố Ise.

Ngôi đền nằm ở vị trí trung tâm Naiku, cũng là ngôi đền lớn nhất- Ise Grand- được cho là thờ Nữ thần Mặt trời Amaterasu và nhận được sự tôn kính lớn hơn so với các điện thờ bên ngoài. Lý do xuất phát từ tín ngưỡng của người Nhật Bản. Tại đây, nữ thần Mặt trời đã trao chiếc gương đồng (Yata no Kagami) – một trong 3 báu vật linh thiêng của Hoàng gia- cho vị Hoàng đế đầu tiên của đất nước, biến ngôi đền trở thành nơi quan trọng và thiêng liêng nhất của toàn dân tộc.

Cũng bởi thế, công chúng gần như không được tiếp cận Nội cung nằm ẩn sau các hàng rào gỗ cao. Đến năm 1945, Thần cung gần như tách khỏi thế giới bên ngoài bởi dòng sông Miyagawa, được coi như biên giới giữa vùng đất thường và đất thiêng.

Geku cách Naiku khoảng 6 km và là nơi thờ thần Toyouke - Omikami, vị thần nông nghiệp và công nghiệp.

Cứ mỗi 20 năm, người dân Nhật lại xây dựng lại Naiku nhằm duy trì và gìn giữ để ngôi đền trường tồn với thời gian. Điểm đặc biệt của ngôi đền này là không tu sửa mà được đập ra và xây mới lại hoàn. Đây cũng là cách thể hiện quan điểm của đạo Shinto về sự sống, cái chết và sự hồi sinh. Vật liệu xây dựng được làm từ gỗ của khu rừng xung quanh có tuổi đời hàng thế kỉ nên rất chắc chắn.

Sau khi hoàn thành xây dựng, người dân sẽ tổ chức buổi lễ kỷ niệm đặc biệt rước thánh thần về nhà mới. Gỗ của các tòa nhà cũ cũng không bị vứt bỏ mà sử dụng để sửa chữa cổng đền. Phần còn lại sẽ được chuyển tới các đền thờ khác trên khắp Nhật Bản để tái cấu trúc hoặc xây dựng. Đến nay, Naiku đã được tái tạo tới 62 lần.

Một điểm đặc biệt nữa là những người có trách nhiệm trông coi khu đền phải có xuất thân từ Hoàng gia Nhật Bản.

Hằng ngày, tại Ise Jingu đều cử hành các nghi lễ tôn giáo cầu nguyện mùa màng bội thu, quốc gia thịnh vượng và gửi lời cảm tạ tới thiên nhiên.

Ise Jingu được xem là nơi du lịch thiêng liêng nhất ở Nhật Bản. Mỗi ngày có rất nhiều du khách nước ngoài và người dân Nhật Bản đến viếng và cầu nguyện. Khách viếng đền không được vào trong mà chỉ được cầu nguyện ở cửa vào đền, sau những bức tường cao. Du khách muốn chụp hình cũng phải đứng ở một khoảng cách nhất định. Năm 2015, Ise Jingu đón 8,38 triệu khách trong và ngoài nước viếng thăm.

Thu An (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/nhung-net-dac-biet-cua-ngoi-den-thieng-nhat-nhat-ban/255022.vgp