Những chiếc 'cần câu' sinh kế

Giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo là mục tiêu mà các địa phương trong huyện Châu Thành, tỉnh Long An luôn hướng tới. Bên cạnh việc quan tâm tặng quà, hỗ trợ giải quyết khó khăn về nhà ở, các địa phương còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giúp các hộ nghèo, cận nghèo có nguồn vốn, kiến thức để phát triển sản xuất. Đó chính là những chiếc 'cần câu' sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.

Những nguồn vốn kịp thời

Vườn bí đao của ông Nguyễn Xuân Bình (ấp 1, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) đang cho trái, đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho gia đình trong thời gian chờ thanh long cho thu hoạch. Vợ chồng ông Bình đều sống bằng nghề nông nghiệp, con của ông đang độ tuổi tới trường.

Nhiều năm trước, do thiếu vốn và kỹ thuật, việc sản xuất của vợ chồng ông gặp nhiều khó khăn, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Là hội viên Hội Nông dân xã, ông được tham gia tổ góp vốn xoay vòng trong chi hội. Mỗi thành viên đóng góp 500.000 đồng/tháng. Hàng tháng, số tiền đóng góp được trao cho 1 thành viên trong tổ làm vốn phát triển sản xuất. Ông Bình kể: “Với nguồn vốn xoay vòng gần 15 triệu đồng, khi được nhận, tôi đầu tư trồng lại 1 vụ hoa màu hoặc mua phân bón, thuốc chăm sóc vườn thanh long.

Các thành viên khác thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên thường ưu tiên cho tôi nhận vốn trước để bắt đầu đợt gieo trồng mới. Tổ góp vốn không tính lãi, như một cách để dành, tôi cũng “nhẹ lo” phần trả lãi. Nhiều lợi ích như vậy nên tôi tham gia tổ góp vốn cũng được mấy năm rồi”. Chí thú làm ăn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn góp xoay vòng, kinh tế gia đình ông Bình dần phát triển. Hiện gia đình ông đã thoát diện cận nghèo.

Với nguồn vốn góp xoay vòng, ông Nguyễn Xuân Bình (ấp 1, xã Hiệp Thạnh) đầu tư trồng hoa màu và chăm sóc cho vườn thanh long

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh - Nguyễn Ngọc Hạnh, mô hình góp vốn xoay vòng trong chi hội nông dân được duy trì từ nhiều năm và ngày càng phát triển. Hiện tại, cả 7 chi hội thuộc 7 ấp đều có tổ góp vốn xoay vòng với số lượng thành viên tham gia từ 30-40 người, mang lại hiệu quả tích cực. Bà Hạnh cho biết: “Mô hình góp vốn xoay vòng tại các chi hội giúp hỗ trợ nguồn vốn kịp thời cho hội viên, đặc biệt là hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi tiếp tục vận động nhân rộng mô hình, hướng tới mỗi chi hội có 2-3 tổ góp vốn”.

Việc hỗ trợ nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất là cách làm hiệu quả, được nhiều địa phương thực hiện. Nguồn vốn hỗ trợ có thể không quá lớn nhưng sẽ là nền tảng để các gia đình bắt đầu hoặc mở rộng việc sản xuất, góp phần tăng thu nhập, từng bước cải thiện kinh tế.

Tháng 6 vừa qua, UBMTTQ Việt Nam xã An Lục Long tổ chức trao tiền hỗ trợ cho 4 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã với tổng kinh phí 35 triệu đồng. Nguồn vốn được trích từ Quỹ Vì người nghèo của địa phương. Thông tin từ UBND xã An Lục Long, trước khi tổ chức trao nguồn vốn hỗ trợ, địa phương tiến hành tiếp cận, khảo sát nhu cầu về vốn của các hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Nắm được có 3 hộ dân mong muốn có vốn nuôi dê và 1 hộ cần vốn trồng hoa màu, UBMTTQ Việt Nam xã trao kinh phí hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế. Theo đánh giá của địa phương, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất là việc làm thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo, cận nghèo, tạo động lực cho các hộ dân vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong khi các nguồn vốn hỗ trợ từ xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất nhỏ thì nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn hơn với lãi suất ưu đãi. Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành giải ngân gần 20 tỉ đồng để người dân duy trì và trồng mới thanh long. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH theo định hướng của Đảng bộ huyện, thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Hộ nghèo toàn huyện vào cuối năm 2022 là 0,53%.

Trao kiến thức và cơ hội

Ngoài hỗ trợ vốn, huyện Châu Thành còn chú trọng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo bằng nhiều biện pháp khác. Dự án Chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2020-2023 đã trao cơ hội cho 1 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo ở xã Vĩnh Công và Thuận Mỹ. Theo đó, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí 15 triệu đồng, hộ cận nghèo được hỗ trợ 10 triệu đồng làm vốn chăn nuôi bò thịt, góp phần cải thiện đời sống.

Là một trong những hộ dân được hỗ trợ kinh phí trong dự án chăn nuôi bò thịt, anh Huỳnh Tuấn Kiệt (ấp 6, xã Vĩnh Công) chia sẻ: “Nhận được 15 triệu đồng tiền vốn nuôi bò, tôi vui lắm! Nuôi bò ít tốn chi phí, chủ yếu lấy công làm lời. Nếu bò bán được giá thì gia đình tôi sẽ có lời”.

Theo đánh giá của UBND huyện, dự án chăn nuôi bò thịt góp phần giúp người dân hiểu rõ đường lối, chủ trương về chương trình giảm nghèo bền vững; đồng thời, động viên các hộ nghèo, cận nghèo xóa dần mặc cảm hoặc ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng.

UBMTTQ Việt Nam xã An Lục Long trao vốn hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo (Ảnh: địa phương cung cấp)

Bên cạnh đó, địa phương còn nỗ lực giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận khoa học - kỹ thuật, cách thức sản xuất hiệu quả thông qua các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với phát triển KT-XH được các xã, thị trấn đặc biệt chú trọng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp các xã, thị trấn tổ chức mở 10 lớp đào tạo nghề cho 290 lao động nông thôn, trong đó, nghề phi nông nghiệp 2 lớp với 50 học viên, nghề nông nghiệp 8 lớp với 240 học viên tham gia. Các lớp dạy nghề chủ yếu là kỹ thuật trồng thanh long, chăm sóc cây cảnh, trồng rau mầm, trồng nấm,...

Thông qua việc triển khai nhiều chương trình, hoạt động, huyện Châu Thành trao cho hộ nghèo, cận nghèo động lực để phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-chiec-can-cau-sinh-ke-a163135.html