Những bức họa cũ 'hồi sinh' cùng thời cuộc

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm của các họa sĩ sáng tác từ hàng chục năm trước. Không ít bức tranh trong số này góp phần động viên, khích lệ toàn dân trong phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta hiện nay.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, những tác phẩm mỹ thuật giới thiệu đến người dân thời điểm này không chỉ phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn gắn bó chặt chẽ với hiện thực đời sống ở nước ta khi đang phải “chống giặc COVID-19”. Có những bức tranh lần đầu tiên công chúng được chiêm ngưỡng.

Một trong số đó là bức tranh lụa Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch do họa sĩ Trần Đông Lương (1925 - 1993) sáng tác năm 1958. Giới chuyên môn đánh giá, bức tranh này của họa sĩ Trần Đông Lương là tác phẩm để đời của ông, cho thấy khả năng bố cục và sự xuất sắc về hình họa của họa sĩ.

Bức tranh tái hiện khung cảnh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, với gương mặt hiền hậu, nụ cười ấm áp đang ân cần khám cho bệnh nhân. Xung quanh ông là các y, bác sĩ đang tập trung làm việc: người theo dõi, người ghi chép, người xử lý film chụp Xquang... Tác phẩm này ca ngợi tinh thần làm việc hăng say, hết lòng vì sức khỏe của người dân của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng các cộng sự nói riêng, của các y, bác sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận y tế nói chung. Thông qua bức tranh này, tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong thời chiến cũng như thời bình đã được thể hiện rõ nét, dù trong điều kiện và hoàn cảnh nào, những chiến sĩ áo trắng luôn sẵn sàng trên mặt trận chiến đấu chống lại dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng và cao quý là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. “Bảng màu hội họa Trần Đông Lương thăng bằng trong không gian cổ điển. Màu sắc vừa vặn trong khuôn hình mềm mại. Những đường lượn hiện lên trong tranh mịn màng, nõn nà, gợi cảm” - nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đánh giá.

Bức tranh lụa Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch do họa sĩ Trần Đông Lương sáng tác năm 1958.

Một tác phẩm khác cũng tạo được sự chú ý của công chúng, đó là bức tranh lụa Đọc báo cho thương binh của họa sĩ Trần Hữu Tê (1934 - 2002) hoàn thành năm 1975, khắc họa khung cảnh bên trong một lán cứu thương thời chiến. Những chiến sĩ như quên đi sự đau đớn của vết thương khi hướng sự chú ý lắng nghe về phía người nữ quân y đọc tin tức về các mặt trận. Bức tranh này được thể hiện trên chất liệu lụa, với kỹ thuật nhuộm từng lớp màu, rửa nhiều lần cho đến khi đạt yêu cầu mới dừng. Họa sĩ Trần Hữu Tê rất thành công trong việc sử dụng màu trắng, từ độ chuyển sắc và đậm nhạt tinh tế trong trẻo, đến tạo gam màu êm nhẹ, chiều sâu của không gian xa, gần cho bức tranh. Với góc nhìn tinh tế, tác giả ca ngợi những người chiến sĩ cho dù phải hy sinh, mất mát về thể xác, nhưng vẫn ngời sáng một ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, hướng tới một tương lai tươi đẹp cho dân tộc.

Không chỉ có những bức tranh về người chiến sĩ áo trắng, nhiều tác phẩm tranh cổ động khác ở những đề tài khác nhau, dù ra đời cách đây nhiều thập kỷ nhưng đến nay còn nguyên những ý nghĩa thời sự trong mùa dịch. Những bức tranh đại diện cho nội dung này là bức Trong mọi tình huống, công nhân bám máy lò sản xuất (vẽ năm 1967) của họa sĩ Nguyễn Văn Thiện, Hà Nội quyết đạt 80 tấn rau/ha (1967) của họa sĩ Trường Sinh, Chắc tay lái đưa hàng tới đích (1967) của tác giả Nguyễn Thụ, Vinh quang được là người chiến sĩ (1978) của họa sĩ Xuân Đông, Chung một ngọn cờ (1976) của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Theo bước Hai Bà Trưng quét sạch thù xâm lược (1978) của họa sĩ Phạm Văn Đôn, Lúa nhiều thắng lợi càng to của họa sĩ Bùi Trang Tòa...

Bộ tranh cổ động Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày trên trang điện tử của đơn vị này được công chúng đánh giá cao. Bởi các tác phẩm không chỉ phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, mà ý nghĩa của nó còn gắn bó chặt chẽ với thời cuộc, góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân ta trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, những tác phẩm của các họa sĩ đã phản ánh, dòng tranh cổ động luôn đi đầu phản ánh đời sống xã hội bằng ngôn ngữ đồ họa cô đọng, súc tích, tác động mạnh mẽ đến người xem. Những bức họa đã lấm bụi thời gian song đưa ra đặt vào bối cảnh hôm nay, trong lúc cả nước đang chung sức, đồng lòng chống đại dịch toàn cầu đã đem đến những ý nghĩa thời sự nhất định.

Mai Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-buc-hoa-cu-hoi-sinh-cung-thoi-cuoc-n172966.html