Nhộn nhịp thị trường hoa Tết

Những ngày này, người dân đang vào vụ hoa, cây cảnh Tết với mong muốn cung ứng ra thị trường những loại hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất chào đón một mùa Xuân mới đang đến rất gần.

Nông dân Chợ Lách chuẩn bị vụ hoa Tết Giáp Thìn. Ảnh: Đoàn Xá.

Sôi động thị trường online

Chị Nguyễn Thị Hòa, 41 tuổi, ngụ ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, khoảng 1 tháng gần đây chị thường xuyên sử dụng mạng xã hội facebook cá nhân để giới thiệu, quảng bá bán hoa cây kiểng trong vườn nhà. “Gia đình tôi trồng hoa kiểng nhiều năm rồi, Tết là vụ chính trong năm nên rất kỳ vọng có nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên năm nay nhiều người dự báo sẽ khó bán hoa kiểng nên vợ chồng tôi bàn cách giới thiệu hoa kiểng trên mạng xã hội. Cách bán hàng cũng khá đơn giản, chỉ quay những đoạn clip về các loại cây hoa kiểng, giá bán rồi gửi cho khách hàng thôi” – chị Hòa nói và cho biết, nhờ sự trợ giúp của cô con gái đưa vào các nhóm buôn bán hoa kiểng trên mạng xã hội nên có nhiều đơn hàng hơn. Hiện giờ có nhiều khách ở tận Bình Phước, Đắk Nông cũng liên hệ để đặt hoa kiểng. “Dù còn cả tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng hiện tôi đã bán được hơn 400 chậu cúc mâm xôi và gần một trăm chậu hoa giấy, mai giảo. Tôi thấy bán hoa cây kiểng trên mạng cũng tiện lợi lắm mà lại không mất nhiều chi phí. Khách hàng họ bỏ tiền ra cũng an tâm vì nhìn thấy hoa cây kiểng tận mắt luôn” - chị Hòa nói.

Cũng sử dụng hình thức bán hàng online, quay clip ngắn, giới thiệu đầy đủ về các loại mai của gia đình rồi đưa lên mạng xã hội facebook, zalo và một số hội nhóm bán hoa kiểng, anh Trần Văn Quân ở xã Sơn Định (huyện Chợ Lách) cho biết: “Tôi mới xuất lô hơn 70 chậu mai cho bạn hàng ở trên Tri Tôn (An Giang), đều là loại mai từ 1 tới 4 năm tuổi. Năm nay mai bán chậm hơn mấy năm trước nên tôi quyết định giảm giá để chốt sớm. Khác với mấy loại bông hoa ngắn ngày, mai là cây kiểng có thể mua sớm, trưng sớm trước tết nếu biết cách căn đúng thời điểm. Nhà tôi hiện có hơn 12.000 chậu mai nữa nhưng phần lớn là mai mới ra chậu còn nhỏ. Nếu được giá thì tôi mới bán tiếp còn không mình giữ lại chăm sóc để sang năm cũng không sao. Mai để càng lâu năm càng có giá” - anh Quân nói. Cũng theo anh Quân, từ ngày tiếp cận phương cách bán hàng trên mạng xã hội, chi phí bán cây kiểng của anh giảm nhiều và tiếp cận được với khách hàng ở xã dễ dàng hơn. Khi có khách chốt đơn, thỏa thuận hoàn tất thì anh sẽ thuê xe tải để vận chuyển đưa đi. Với những khách hàng lần đầu giao dịch, ở các tỉnh xa thì các quá trình này đều được quay clip trực tiếp để khách hàng an tâm giao dịch.

Việc những người nông dân chân lấm tay bùn, thậm chí nhiều người không rành về công nghệ nhưng cũng có thể dễ dàng tiếp cận, buôn bán các sản phẩm của gia đình trên những nền tảng mạng xã hội không mới nhưng nó giúp nhiều nông dân có thêm thu nhập. Đặc biệt nhờ tận dụng các ứng dụng trên mạng người nông dân không phải phụ thuộc vào thương lái, không phải tìm kiếm thị trường truyền thống như thuê mặt bằng nên giảm được chi phí lớn.

Được mùa quất Tết. Ảnh: Tấn Thành.

Quất cảnh nhộn nhịp vào vụ

Những ngày này, dọc các tuyến đường dẫn vào làng quất Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi chứng kiến cảnh nhà vườn trồng quất tất bật tỉa lá, cắt cành chăm bón cho các chậu quất đang xanh tốt, quả nặng trĩu cành để cung ứng cho thị trường Tết.

Người trồng quất ở phường Cẩm Hà cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên gần như không gây thiệt hại cho các nhà vườn. Do đó, cây quất phát triển tốt, quả đẹp, lá xanh mướt. Nhờ vậy mà các thương lái cũng trả giá cao hơn. Nếu như năm ngoái giá quất từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng/chậu, cây cao hơn 2 mét cũng chỉ có giá khoảng 1,5 triệu đồng/chậu, thì năm nay quất có giá từ 1,5 triệu đồng - 2 triệu đồng, cây thấp nhất cũng có giá hơn 1,4 triệu đồng, còn những cây đẹp cao trên 2 mét có giá từ 3 - 4 triệu đồng/chậu.

Ông Lê Viết Kỷ, ở phường Cẩm Hà nói: “Năm nay gia đình tôi trồng được 350 chậu quất. Từ đầu tháng 11/2023 đến nay có rất đông thương lái ở TP Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên đến tận vườn quất để xem, đặt cọc với giá từ 1,6 đến 2 triệu đồng/cây, cây thấp nhất cũng có giá hơn 1,4 triệu đồng. Dự kiến năm nay, sau khi trừ hết tiền vật tư phân bón và nhân công chăm sóc, tôi thu về chắc được hơn 200 triệu đồng”.

Còn ông Nguyễn Thành Trung, cũng ở phường Cẩm Hà là người có hơn 10 năm trong nghề trồng quất cảnh cho biết, năm nay gia đình ông trồng 400 cây quất, tiền giống mua vào 500 nghìn đồng/cây, chi phí đầu tư tiền công và phân bón cũng tốn cả trăm triệu đồng. Hiện nay thương lái đã đặt cọc mua 300 cây với giá 600 nghìn đến 1,3 triệu đồng/cây. Khoảng 20 tháng Chạp thương lái sẽ vận chuyển quất cảnh của gia đình ông đi tiêu thụ.

“Năm nay quất đẹp, được giá, không uổng công mình chăm bón, còn thương lái rất thích nên việc trao đổi bán mua diễn ra nhanh chóng thuận lợi. Tôi bán hết vườn quất này, doanh thu đem lại cho tôi khoảng 800 triệu đồng, sau khi trừ đi các khoản đầu tư chắc chắn tôi còn lãi hơn 200 triệu đồng” - ông Trung chia sẻ.

Ông Mai Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Hà cho biết: Năm ngoái doanh thu từ quất cảnh của địa phương khoảng 55 tỷ đồng. Năm nay toàn xã có 365 hộ dân trồng khoảng 65 nghìn chậu quất cảnh. Hiện nay thương lái đã đặt cọc thu mua hơn 70% số quất cảnh, giá cả tạm ổn định. Chính quyền địa phương dự định ngày 12 tháng Chạp tới sẽ tổ chức Ngày hội quất cảnh và đón nhận Bằng nghề truyền thống của tỉnh.

Làng hoa Sa Đéc. Ảnh: D.L.

Trong khi đó tại tỉnh Quảng Ngãi, các nhà vườn trồng hoa cúc ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa đang khẩn trương chăm sóc hoa để bán cho thương lái. Nhiều người cho biết, thời tiết năm nay thuận lợi hơn so với năm ngoái, không có lũ lụt, ít sâu bệnh nên hoa cúc phát triển rất tốt. Hiện bà con đang tất bật vào giai đoạn cuối của quá trình chăm sóc hoa trước khi xuất bán ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Ông Lê Văn Nông, ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp cho hay: “Năm nay gia đình tôi trồng hơn 1.500 nghìn chậu hoa các loại, trong đó có hoa cúc khoảng 1.000 chậu, còn lại là dạ yến thảo, hoa hồng. Hiện nay 1.000 hoa cúc đã được thương lái đến đặt mua. Tuy nhiên so với năm 2022 thì giá hoa năm nay cũng không cao hơn mấy nhưng đầu ra ổn định”.

Bà Võ Hồng Thịnh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết, toàn xã có hơn 500 hộ trồng hoa, năm nay số lượng hoa tăng khoảng 7-10% so với năm trước, dự tính cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2024 hơn 300 trăm nghìn chậu hoa các loại, trong đó hoa cúc là chủ yếu.

Theo bà Thịnh, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu “Hoa Nghĩa Hiệp” và trở thành sản phẩm đạt OCOP 3 sao, thương hiệu hoa Nghĩa Hiệp từ đó được biết đến rộng rãi hơn. Để nâng tầm sản phẩm đặc trưng của địa phương, chính quyền xã đang tập trung đưa hoa lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ. Bên cạnh đó, triển khai thử nghiệm các loại hoa để làm trà. Hiện trà hoa cúc đã có sản phẩm và dự kiến sẽ triển khai rộng, cung cấp cho thị trường.

Trong chuỗi sự kiện “Ngày hội mua sắm trực tuyến TPHCM - Ấn tượng Thủ Thiêm”, UBND TPHCM đã đưa nhiều Tiktoker có lượng người theo dõi đông trên nền tảng mạng xã hội này tới phát trực tiếp chương trình “chợ miền Tây” tại nhiều vườn cây hoa kiểng, cây ăn trái ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) cũng như một số nhà vườn khác của tỉnh Tiền Giang để giúp người tiêu dùng có thể liên hệ mua trực tiếp sản phẩm hoa cây kiểng, trái cây của nông dân tại vườn. Chương trình này sẽ kéo dài từ ngày 9/1 tới ngày 28/1 với kỳ vọng tăng thêm kênh bán hàng cho nông dân.

Đ.Xá - T.Thành - C.Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhon-nhip-thi-truong-hoa-tet-10271046.html