Nhiều 'vùng cấm – nhạy cảm' đã được tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm

Sáng 8/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo 'Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc'.

Công tác PCTN tại Việt Nam được đánh giá cao

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Văn – Viện trưởng viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính Phủ) cho biết, hưởng ứng ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng (PCTN, ngày 9/12), Viện Chiến lược và khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”.

Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể.

PCTN là một trong những yếu tố tiên quyết để có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đến nay, công tác PCTN, tiêu cực của Việt Nam đã có những bước chuyển biến, đột phá mạnh mẽ.

TS. Nguyễn Quốc Văn – Viện trưởng viện Chiến lược và Khoa học thanh tra phát biểu.

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm – nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong năm 2023 đã tiếp tục phát huy vai trò tham mưu các bộ, ngành, Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung về PCTN, tiêu cực trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật; chủ động xác minh, nắm tình hình, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhiều vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng.

Hội thảo hi vọng nhận được nhiều tham luận, ý kiến đánh giá đa chiều về các vấn đề quan trọng như: Bối cảnh công tác PCTN của Việt Nam; những thuận lợi, khó khăn và cơ hội; những dự báo trong thời gian tới; đề xuất các quan điểm, giải pháp, sáng kiến về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc PCTN…

Phát biểu tại Hội thảo, bà Carolyn Dubrovsky - Phó Tham tán Chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác PCTN của Việt Nam. Công tác PCTN luôn được Việt Nam trú trọng và đã được thể hiện rõ nét qua nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Bà Carolyn Dubrovsky đánh giá cao những kết quả trong công tác PCTN tại Việt Nam.

Bà Carolyn Dubrovsky nhấn mạnh, công tác PCTN là vấn đề quan tâm của cả Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua Cục Phòng chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ). Việc chung tay trong công tác đấu tranh PCTN sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đã được nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ với Việt Nam hồi tháng 9/2023. Mối quan hệ hợp tác toàn diện sẽ tiếp tục được hai bên đẩy mạnh, quan tâm trong thời gian tới.

Tiếp tục đẩy mạnh xử lý tham nhũng

TS Nguyễn Cảnh Lam – Vụ trưởng Vụ 5, Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong năm 2023, các cơ quan điều tra đã thụ lý 1.103 vụ án với 2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can.

Ngày 12/01/2023, Ban Chỉ đạo đã họp Phiên thứ 23 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2022, xác định chương trình công tác năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải xây dựng được nhiều cơ chế, thể chế, chính sách, quy chế để không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tránh bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm. Trong xử lý tham nhũng, vừa phải nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng phải “phù hợp với lương tâm, tình cảm, chứ không phải cứ xử nặng mới là tốt”.

TS Nguyễn Cảnh Lam – Vụ trưởng Vụ 5, Ban Nội chính Trung ương phát biểu.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã chủ động phát hiện, đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vi phạm có tổ chức, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.

Thực hiện chủ trương của Trung ương trong Nghị quyết Đại hội XIII, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách; khuyến khích cán bộ từ chức, xin thôi chức vụ, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Trong năm 2023, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận và xử lý về thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2023, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý.

Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện dấu hiệu tội phạm tham nhũng qua thanh tra, kiểm toán, các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến các cơ quan điều tra.

Riêng Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 76 tổ chức đảng liên quan các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC...Những kết quả trên đã thể hiện quyết tâm trong công cuộc PCTN của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

Chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng đùn đẩy, né tránh

Đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương quyết tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt tinh thần trên trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và PCTN.

"Kết quả nghiên cứu cho thấy, công tác PCTN đang được Trung ương, Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo đi vào chiều sâu, căn cơ, bài bản hơn. Công tác hoàn thiện cơ chế để “không thể tham nhũng” được tăng cường. Cùng với phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc, vấn đề kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế đã được chú trọng hơn", TS. Nguyễn Cảnh Lam đánh giá.

Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.

Đáng chú ý là, Bộ Chính trị đã ban hành 3 Quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC; Ban Chỉ đạo đang tổ chức 03 đoàn kiểm tra về công tác thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước tại 06 cấp ủy, tổ chức đảng; từ việc giải quyết các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Quốc hội tổ chức giám sát việc ban hành thể chế, phát hiện sơ hở, bất cập để khắc phục, kiến nghị xử lý sai phạm, trách nhiệm; Chiến lược quốc gia về PCTNTC của Chính phủ cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể về xây dựng pháp luật và lộ trình thực hiện cho cá bộ, ngành.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhieu-vung-cam-nhay-cam-da-duoc-tap-trung-chi-dao-xu-ly-dut-diem-a639701.html