Nhiều trường đại học sẽ rút khỏi các bảng xếp hạng

Sau ĐH Harvard và Yale, nhiều đại học khác lần lượt tuyên bố sẽ rút khỏi bảng xếp hạng của US News. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các trường cũng như chính bảng xếp hạng.

Sau trường Luật của ĐH Harvard và ĐH Yale, 4 trường đại học khác cũng tuyên bố rút khỏi bảng xếp hạng các trường luật của US News. Ảnh: Harvard Law Today.

Trường Luật của ĐH Harvard và ĐH Yale tuyên bố rút khỏi bảng xếp hạng các trường luật của US News với lý do không đầy đủ phương pháp dùng cho bảng xếp hạng. Tiếp sau Harvard và Yale, ĐH California tại Berkeley, Stanford, Georgetown và Columbia cũng tuyên bố sẽ rút khỏi bảng xếp hạng nói trên.

Điều này báo hiệu sẽ còn thêm nhiều trường nữa rút khỏi bảng xếp hạng. Sự rút khỏi của Harvard và Yale rõ ràng đang khiến mọi trường luật hàng đầu phải xem xét lại về những lợi ích và rủi ro của việc duy trì vị trí trong bảng xếp hạng.

Đối với những trường quyết định ở lại, lợi ích giảm đi và rủi ro tăng lên, vì họ có thể bị đánh giá không phải bởi thứ hạng của họ mà bởi nhóm các trường rút khỏi bảng xếp hạng.

Theo ông Sheldon H. Jacobson, Giáo sư Khoa học máy tính tại ĐH Illinois Urbana-Champaign viết cho Hill, sự phân nhánh của quyết định đi hay ở ngày càng lan rộng, không chỉ đối với các trường luật, mà còn đối với tất cả các bảng xếp hạng học thuật.

Bảng xếp hạng chưa chắc đã chính xác

Việc được xếp hạng cao như một giải thưởng đối với một tổ chức. Thứ hạng càng cao, trường càng có giá trị về mặt tiếp thị. Những sinh viên tương lai sẽ dựa vào bảng xếp hạng để quyết định trường nộp hồ sơ và chấp nhận thư mời. Các cựu sinh viên cũng lấy bảng xếp hạng như một huy hiệu danh dự cho công việc tương lai. Nhiều người cũng mong muốn có một kho lưu trữ thông tin duy nhất và đáng tin cậy để so sánh các trường đại học và học viện.

Việc có mặt trong bảng xếp hạng sẽ nâng cao giá trị nhà trường trong mắt ứng viên, cựu sinh viên và xã hội. Ảnh minh họa: Unsplash.

Tuy nhiên, tất cả các hệ thống xếp hạng, bao gồm cả hệ thống xếp hạng học thuật vốn đã có sai sót. Một ví dụ cho trường hợp này là điểm xếp hạng có biên sai số. Điều này có nghĩa là các trường có thể không phân biệt được về mặt thống kê các giá trị điểm khác nhau. Cách tính điểm trung bình dựa trên các điểm thành phần có thể làm đảo lộn giá trị tốt nhất của một ngôi trường hoặc giấu đi sự thiếu sót rõ ràng của một ngôi trường khác.

Đây là thách thức khi cố gắng kết hợp nhiều số liệu thành một điểm số duy nhất. Để điểm số và xếp hạng có ý nghĩa, các thành phần số liệu đóng góp vào phải có nhiều thông tin và có ý nghĩa.

Tuy nhiên, theo ĐH Harvard và ĐH Yale, bảng xếp hạng của US News không đáp ứng được điều này.

Giá trị của bảng xếp hạng

Không phải tất cả các trường đều cần điểm xếp hạng để chỉ ra giá trị của họ.

Các trường luật như của Harvard và Yale, với lịch sử, danh tiếng và tầm vóc của mình, không bao giờ cần một cơ quan bên ngoài đánh giá và xếp hạng mình cũng như các trường cùng ngành.

Những trường thuộc Ivy League có danh tiếng không phụ thuộc vào thứ hạng. Các trường khác như Stanford, Georgetown và Đại học Chicago cũng tương tự.

Giá trị của thứ hạng, giống như bất kỳ giải thưởng nào, được xác định bởi sự cạnh tranh. Chất lượng cuộc thi quyết định giá trị của giải thưởng. Nếu các tổ chức uy tín nhất quyết định không tham gia xếp hạng quốc gia, thì cuộc cạnh tranh sẽ thay đổi. Điều này sẽ làm giảm giá trị của bảng xếp hạng, khiến chúng giảm giá trị đối với các tổ chức tham gia, sinh viên tương lai cũng như cộng đồng.

Mỗi tổ chức giáo dục đại học đều có những giá trị riêng. Họ cũng có những nhược điểm ít được nói đến. Tuy nhiên, khi các trường điều chỉnh sứ mệnh và hoạt động của mình chỉ để được có mặt trong bảng xếp hạng, họ có thể bỏ qua điểm nội trội của mình.

Giờ đây, có nhiều trường chấp nhận đánh đổi để được tăng vài bậc trong bảng xếp hạng với hy vọng thu hút thêm sinh viên nói chung và sinh viên giỏi nói riêng.

GS Jacobson cho rằng đây là con đường đi ngược điểm mạnh từng trường và chắc chắn sẽ dẫn đến sự tầm thường. Nếu tổ chức xếp hạng thay đổi thang đo thì các trường còn ở lại bảng xếp hạng sẽ thất bại.

Ông cho rằng một ngôi trường vừa có thể cung cấp một nền giáo dục chất lượng cho sinh viên, vừa tạo ra thương hiệu giá trị trên thị trường, có thể không cần các bảng xếp hạng. Quyết định của Trường Luật của ĐH Harvard và ĐH Yale không nên là sự kết thúc mà là sự khởi đầu của cuộc rút lui khỏi bảng xếp hạng.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-truong-dai-hoc-se-rut-khoi-cac-bang-xep-hang-post1377903.html