NHIỀU ĐỔI MỚI THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ TRONG LẬP VÀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024, các đại biểu ghi nhận những đổi mới thiết thực, hiệu quả trong công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua với số lượng lớn luật, nghị quyết được thông qua bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Pháp luật

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết thời gian qua, Chính phủ yêu cầu các bộ tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm theo tinh thần "đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển". Đổi mới phương thức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhất là các dự án luật có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.

Đặc biệt trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thất về thể chế, tạo động lực cho phát triển bền vững, các bộ, cơ quan đã tập trung thực hiện quyết liệt, khẩn trương và kịp thời các chỉ đạo, kết luận, nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện thể chế. Công tác xây dựng pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả, công tác xây dựng pháp luật năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, tiến độ, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của đất nước. Các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết được các cơ quan chuẩn bị chủ động, chất lượng hơn, bám sát yêu cầu tại Kết luận của Bộ Chính trị, các nhiệm vụ lập pháp được định hướng trong nhiệm kỳ. Một số bộ đã chủ động nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật để đề xuất đưa vào Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024

Tại phiên họp thẩm tra, qua rà soát của Ủy ban Pháp luật cho thấy trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 18 nghị quyết và cho ý kiến đối với 08 dự án luật khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 01 pháp lệnh, 07 nghị quyết.

Đây là khối lượng công việc rất lớn đã được hoàn thành, có ý nghĩa rất quan trọng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, góp phần phát triển đất nước bền vững trong giai đoạn mới. Đặc biệt, với việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu "gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW, tháng 9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, là hoạt động chưa có tiền lệ, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị, qua đó phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết, sớm đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua vào cuộc sống.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì, điều hành phiên họp

Qua thẩm tra cho thấy, trong bối cảnh tình hình năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 có một số yếu tố đặc thù tác động đến công tác lập và thực hiện Chương trình. Đó là, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi và lấy lại đã phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh cũng như tác động bởi diễn biến phức tạp, khó lường của tỉnh hình thế giới, khu vực; năm 2023 cũng là năm trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, năm đầu triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW; bên cạnh đó, nhiều yêu cầu thực tiễn phát sinh đòi hỏi cần kịp thời giải quyết dẫn đến số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải xem xét, thông qua tăng lên nhiều, trong đó có những dự án lớn, phức tạp, tác động sâu rộng, nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội và chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước, thu hút sự quan tâm của dư luận, cử tri và Nhân dân.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị đã tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả, kinh nghiệm đã tích lũy, không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực để khắc phục khó khăn để bảo đảm hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp đã được để ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng, thực hiện có hiệu quả Chương trình lập pháp đã đề ra, bên cạnh 02 kỳ họp thường lệ, Quốc hội đã tổ chức thêm một số kỳ họp bất thường để kịp thời xem xét, thông qua các luật, nghị quyết. Đối với các dự án luật khó, phức tạp, cần xem xét thận trọng, kỹ lưỡng như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Quốc hội đã quyết định chưa thông qua ngay tại kỳ họp dự kiến để có thêm thời gian cho các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu và tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, thông qua, bảo đảm chất lượng, đồng thời vẫn bảo đảm sớm ban hành luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, với tinh thần vào cuộc "từ sớm, từ xa" đã dành nhiều thời gian, chỉ đạo sát sao, trực tiếp chủ trị nhiều cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến về những định hướng lớn, xử lý những vấn đề còn ý kiến khác nhau, đặt ra các yêu cầu, nội dung phải đạt được đối với từng dự án.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tại phiên họp

Bên cạnh các phiên họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các phiên họp chuyên đề pháp luật, tổ chức các phiên họp trong kỳ họp Quốc hội để xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng, nhiều lần đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đồng thời, tiếp tục tăng cường chỉ đạo hoạt động lập pháp theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn; tất cả các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên quán triệt, yêu cầu các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xem xét đưa các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết vào Chương trình và tiếp thu, chỉnh lý phải rà soát kỹ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những quy định thiếu thống nhất, không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo.

Những đổi mới thiết thực, hiệu quả trên đã giúp Quốc hội thông qua được số lượng lớn luật, nghị quyết nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, cơ bản không phải tăng thêm thời gian của mỗi kỳ họp Quốc hội.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tại phiên họp

Cùng với đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, chủ động thu thập thông tin, tiếp cận sớm hồ sơ dự án ngay từ khâu lập đề nghị, tiến hành giám sát công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực có liên quan; tham gia tổng kết, khảo sát thực tiễn với cơ quan chủ trì soạn thảo; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của văn bản, nắm bắt các vấn đề thực tiễn để phục vụ công tác thẩm tra, chỉnh lý dự án, dự thảo.

Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và các chủ thể khác trong quy trình lập pháp đề cao trách nhiệm, tăng cường năng lực triển khai thực hiện; quyết liệt chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, kịp thời đề xuất bổ sung vào Chương trình các dự án nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phúc đáp yêu cầu thực tiễn. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh hoạt động phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện các dự án luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tại phiên họp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập tồn tại qua nhiều năm chưa được khắc phục triệt để, như hồ sơ một số đề nghị xây dựng luật chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu, chưa đầy đủ theo đúng quy định. Việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; tính gối đầu của Chương trình cho năm tiếp theo thấp dẫn đến việc phải nhiều lần bổ sung nhiều dự án vào Chương trình. Một số dự án trình bổ sung sát với kỳ họp Quốc hội gây không ít khó khăn, bị động cho công tác nghiên cứu, thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện chưa tốt. Do đó các đại biểu đề nghị cần đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86213