Nhiều chính sách hỗ trợ người không rút BHXH 1 lần

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra nhiều chính sách giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH để hưởng chế độ hưu trí xã hội và nhiều hỗ trợ từ Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Xã hội của Quốc hội đang thực hiện chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến lần hai tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

Đề xuất chính sách hạn chế rút BHXH một lần

Theo dự thảo Luật BHXH chỉnh lý mới đây, cơ quan soạn thảo tiếp tục đề xuất bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện với mức 2 triệu đồng cho một con khi sinh. Cạnh đó, lao động nữ có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, khi sinh con, ngoài mức hưởng 2 triệu đồng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Người dân đang làm thủ tục tại BHXH TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Với chế độ trợ cấp hưu trí, cơ quan soạn thảo đề xuất tuổi nhận chế độ hưu trí xã hội là 75 tuổi, giảm năm tuổi so với quy định hiện hành là 80 tuổi. Song song đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ” - cơ quan soạn thảo chỉnh lý trong dự luật.

Trong lần chỉnh lý này, Bộ LĐ-TB&XH không quy định vào dự thảo luật việc cấm xuất cảnh đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Thay vào đó, chỉnh lý theo hướng: Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng thực hiện theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cùng các biện pháp xử lý vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất người lao động (NLĐ) đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian tham gia BHXH thì được rút BHXH một lần hoặc chọn ở lại hệ thống để nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Thời gian hưởng, mức trợ cấp hằng tháng tùy thuộc vào thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH của NLĐ.

Trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp hằng tháng mà Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội cao hơn mức trợ cấp hằng tháng, NLĐ sẽ được điều chỉnh hưởng mức trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Nếu người đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết, thân nhân của họ được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa được nhận, đồng thời được hưởng trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện theo quy định.

Đáng chú ý, người đang trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng BHYT.

Tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ giữ nguyên

Về mức lương hưu, lao động nữ tham gia BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu với tỉ lệ 54% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Với lao động nam, phải đóng 20 năm mới được hưởng tỉ lệ 54% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH; nếu đóng 15 năm chỉ được hưởng 33,75% và cần đóng 35 năm để được mức tối đa 75%.

Quy định rút xuống 15 năm đóng BHXH nêu trên chỉ áp dụng với NLĐ về hưu trong điều kiện làm việc bình thường. Người làm công việc nặng nhọc, độc hại, suy giảm khả năng lao động được về hưu sớm so với tuổi quy định song vẫn phải đóng đủ 20 năm. Sau đó, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì bị trừ 2%. Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi có thời gian lẻ trước sáu tháng không bị trừ tỉ lệ hưởng, trên sáu tháng mức giảm tính 1%.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng tỉ lệ hưởng của nhóm này đã thấp, nếu giảm năm đóng BHXH sẽ khiến tỉ lệ hưởng lương hưu không đủ sống khi về già. Đơn cử, lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn năm tuổi (tức bị trừ 10%) thì chỉ còn 23,75%.

Về các đề xuất trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp và ban hành thông báo kết luận về dự thảo Luật BHXH này. Theo đó, cơ quan này cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật BHXH được các cơ quan báo cáo, kiến nghị tiếp thu, chỉnh lý, nhất là sự cần thiết phải bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc về bảo hiểm hưu trí bổ sung; bổ sung quy định liên quan đến việc tổ chức thực hiện BHXH trên môi trường điện tử.

Để dự thảo Luật BHXH có chất lượng cao nhất, được đa số đồng thuận trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan báo cáo Thủ tướng có ý kiến với những nội dung lớn của luật. Cạnh đó, cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của người dân và các đại biểu Quốc hội chuyên trách…

Người tham gia BHXH thấp gây khó khăn cho quỹ trong dài hạn

Theo đánh giá mới đây của một tổ chức quốc tế, chương trình hưu trí của BHXH Việt Nam có phạm vi tham gia đóng góp thấp, ở mức khoảng 23% dân số trong độ tuổi lao động hiện nay. Tỉ lệ này thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bình quân ở mức 51% dân số trong độ tuổi lao động.

Phạm vi bao phủ BHXH thấp sẽ hạn chế tăng tích lũy quỹ và nâng cao dự trữ. Theo ước tính, với kịch bản tỉ lệ tham gia đóng góp không thay đổi, BHXH trong nước được dự báo sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt về dòng tiền - nghĩa là phúc lợi hưu trí chi trả ra cao hơn số thu qua đóng góp vào năm 2030.

PHÚ PHONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-chinh-sach-ho-tro-nguoi-khong-rut-bhxh-1-lan-post783683.html