Nhân sự ngành F&B của Việt Nam cần thay đổi

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc nâng cao chất lượng phục vụ là một cách để quảng bá và tạo dấu ấn cho nền ẩm thực Việt Nam.

Các đầu bếp nổi tiếng có thể hỗ trợ việc đào tạo nhân sự chất lượng cao cho ngành F&B. Ảnh: Chí Hùng.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm do Sở Du lịch TP.HCM chủ trì phối hợp với Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM (FBA) tổ chức sáng 15/6, đại diện nhiều nhà hàng, quán ăn cho biết một trong những khó khăn mà họ đang gặp phải là đào tạo và quản lý nhân sự.

Để quảng bá du lịch thông qua ẩm thực, việc sở hữu nguồn nhân sự chất lượng cao đóng vai trò quan trọng.

Dịch vụ tốt nhưng thiếu kỹ năng

Chia sẻ với phóng viên, ông Lưu Nhật Tuấn, Phó Chủ tịch FBA, nhận định: "Nhân sự làm việc trong ngành du lịch nói chung và F&B (dịch vụ thực phẩm) nói riêng chưa xác định đây là nghề mà chỉ xem như một công việc tạm thời để có thêm thu nhập".

Khi không có ý định gắn bó lâu dài, những nhân sự này không có nhu cầu học tập và phát triển bản thân để có thêm kỹ năng phục vụ cho công việc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhân sự chung của toàn ngành.

Tương tự những ngành nghề khác, ngành ẩm thực chủ yếu kinh doanh theo quy mô nhỏ, lẻ. Theo ông Tuấn, những đơn vị này không phải ai cũng đủ kinh nghiệm và nghiệp vụ để đào tạo nhân sự của mình.

Tuy nhiên, với du khách, họ không chỉ tìm đến những nhà hàng hạng sang mà còn lựa chọn các đơn vị nhỏ, lẻ.

Để quảng bá ẩm thực Việt Nam và níu chân khách du lịch, Phó Chủ tịch FBA cho rằng ngành F&B cần giải được bài toán là cùng phát triển, làm sao cho mặt bằng chung nhân sự của thành phố ít nhất phải đạt mức ổn so với tiêu chuẩn ở các nhà hàng cao cấp.

Nhân sự ngành F&B của Việt Nam ghi điểm nhờ sự niềm nở, hiếu khách. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên cạnh kỹ năng phục vụ và sự chuyên nghiệp, ông Tuấn chia sẻ thêm nhân sự ngành F&B còn cần tạo ấn tượng với du khách bằng thái độ.

Lấy ví dụ về ẩm thực đường phố Thái Lan, vị này cho biết: "Họ không có kỹ năng phục vụ quá tốt nhưng thái độ vui vẻ, niềm nở khiến du khách dễ dàng chấp nhận và bỏ qua những thiếu sót".

Nhận xét về thái độ phục vụ của nhân sự ngành F&B tại TP.HCM, ông Tuấn đánh giá ở mức ổn. Theo ông, độ cạnh tranh trong ngành cao, cộng với việc hội nhập và thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài giúp người làm dịch vụ ở thành phố hình thành thói quen phục vụ.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thanh Hoa, đồng sáng lập Bếp Mẹ Ỉn, đánh giá mức độ chuyên nghiệp khi phục vụ của nhân sự ngành F&B ở Việt Nam không cao nhưng cách giao tiếp với khách hàng lại rất tốt, hiếm có quốc gia nào làm được điều này.

"Tâm lý của khách du lịch là đi để trải nghiệm và tận hưởng. Chính vì vậy, sự hiếu khách và nồng hậu trong cách phục vụ của con người Việt Nam là một điểm cộng trong mắt du khách", bà Hoa bày tỏ.

Khó giữ chân nhân sự

Chia sẻ thêm với phóng viên, đại diện Bếp Mẹ Ỉn cho biết một trong những nguyên nhân khiến nhân sự ngành F&B không muốn gắn bó lâu dài là vì định vị của ngành trên thị trường chưa cao.

"Nhiều người vẫn nhìn nhận làm việc trong ngành dịch vụ là công việc tay chân và chưa tự hào về nghề nghiệp của mình. Từ đó, họ không hiểu được giá trị công việc hay muốn phát triển để gắn bó lâu dài", bà Hoa nói.

Điều này khiến cả việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự gặp khó. Bà Hoa cho biết với những đơn vị kinh doanh nhỏ như mình chỉ có thể tìm được nhân sự ở mức trung. Những người có nghiệp vụ tốt sẽ lựa chọn môi trường làm việc cao cấp hơn.

Song, các hàng quán quy mô nhỏ, lẻ cũng không có nhiều chi phí cho việc đào tạo nhân sự chuyên nghiệp. Chủ quán buộc phải thay đổi bằng cách tạo được phong cách phục vụ riêng và thể hiện sự hiếu khách để giữ chân khách hàng.

Các hàng quán quy mô nhỏ gặp khó trong việc tìm kiếm và giữ chân nhân sự. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên cạnh đó, tại buổi tọa đàm, một số chủ quán và quản lý nhà hàng nhận xét ở Việt Nam, việc đào tạo nhân sự cho ngành dịch vụ còn nặng lý thuyết và thiếu tính thực tiễn.

Đại diện TRE Dining đề xuất các sở, ban, ngành cần có thêm các buổi đào tạo hoặc lớp học ngắn hạn cho nhân sự F&B.

Người đứng lớp có thể là các đầu bếp nổi tiếng, giàu kinh nghiệm thực tế bởi những người này sẽ cho người học cái nhìn thực tế và cách xử lý tình huống cụ thể, các kiến thức không có trong sách vở.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết hiện, thành phố đã mở một số chương trình đào tạo ngắn hạn cho nhân sự ngành dịch vụ. Trong tương lai, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và mở rộng thêm các lớp học này.

Vị lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM cũng ghi nhận ý kiến cần đa dạng hơn nguồn giáo viên giảng dạy, có thể là các đầu bếp nổi tiếng hoặc nằm trong danh sách Michelin bình chọn. Nội dung trong chương trình đào tạo cũng cần hướng tới tiệm cận chuẩn quốc tế.

Vân Khanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/nhan-su-nganh-f-b-cua-viet-nam-can-thay-doi-post1440110.html