Nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả

Xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả là một trong những nhiệm vụ chính của ngành Khuyến nông. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm ở xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba mang lại hiệu quả cao, được nhân rộng ra nhiều xã khác trên địa bàn.

Cách đây gần chục năm, anh Cù Xuân Thu ở khu Gò Tràm, xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê đến nhà một người bạn ở tỉnh Hưng Yên chơi và bị thu hút bởi mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao mà bạn anh thực hiện. Học hỏi kinh nghiệm, anh trở về quê mày mò xây bể nuôi ốc nhồi bởi đây là loại vật nuôi có giá trị cao, vốn đầu tư ban đầu thấp, không cần diện tích lớn, chi phí thức ăn đơn giản và dễ tiêu thụ. Được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ con giống và kỹ thuật, từ 1 ao nuôi ban đầu, đến nay gia đình anh đã xây dựng 13 ao nuôi ốc thịt và ốc giống. Trung bình mỗi năm gia đình anh xuất bán khoảng 1,5 tấn ốc thịt, trên 1 triệu con ốc nhồi giống, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Anh Thu chia sẻ: Nuôi ốc nhồi dễ, thức ăn của ốc chủ yếu là bèo tấm, bèo tay và một số phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, ốc nhồi rất mẫn cảm với nước bẩn và thời tiết thay đổi nên trong quá trình nuôi thả, người nuôi cần nắm rõ kỹ thuật, theo dõi sát sao sự sinh trưởng, phát triển của ốc; thường xuyên vệ sinh ao nuôi sạch sẽ, mật độ nuôi phù hợp, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để ốc miệng đầy, mình béo, đạt năng suất cao. Đặc biệt, về mùa Đông, ốc nhồi “ngủ Đông”, dường như không hoạt động, lúc này người nuôi cần dành thời gian để cải tạo ao hồ và dưỡng ốc cho các vụ tiếp theo.

Từ mô hình của anh Thu, nhiều hộ trong xã, trong huyện đã tìm đến học tập để triển khai mô hình. Anh Thu vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp con giống bảo đảm chất lượng cho các hộ có nhu cầu. Đến nay, mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm đã có trên 40 hộ ở Cẩm Khê thực hiện, góp phần không nhỏ trong giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Gia đình bà Lê Thị Vân ở khu 7, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1.000 con gà giống để xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP, liên kết HTX theo chuỗi giá trị. Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh của cán bộ khuyến nông, đàn gà của gia đình bà phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ gà sống đạt khoảng 93%, trọng lượng bình quân khoảng 2,2-2,5kg/con sau hơn 3 tháng nuôi. Với giá bán bình quân 85.000 đồng/kg, gia đình bà đã thu về trên 75 triệu đồng sau 3 tháng. Hiện nay, gia đình bà và một số hộ khác tham gia mô hình đang tiến hành nuôi 3 lứa/năm với quy mô từ 2.000 con/hộ trở lên, cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm/hộ.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả đang được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Theo ông Đặng Ngọc Nga - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con triển khai, nhân rộng một số mô hình đã khẳng định hiệu quả cao như: Sản xuất chè an toàn; nuôi gà đồi, ốc nhồi, lươn, cá tầm thương phẩm; trồng thanh long ruột đỏ, trồng mạch môn dưới tán rừng; chăn nuôi lợn sử dụng thức ăn thảo mộc, xử lý chất thải trong chăn nuôi gà, lợn... Cùng với đó, nghiên cứu áp dụng mô hình khuyến nông hàng hóa, theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh tư vấn, dịch vụ khuyến nông trong cung cấp vật tư, thiết bị đầu vào và giải quyết đầu ra cho sản phẩm; gắn kết các hoạt động khuyến nông với phong trào xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Phan Cường

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhan-rong-cac-mo-hinh-khuyen-nong-hieu-qua-211563.htm