Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel khi nào có hiệu lực

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký tháng 7/2023, đã được Việt Nam phê chuẩn xong trong tháng 1 năm nay, hiện chỉ còn chờ thủ tục phê chuẩn trong nước của Israel.

Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt VIFTA, còn Israel đang tiến hành thủ tục phê chuẩn trong nước.

Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt VIFTA, còn Israel đang tiến hành thủ tục phê chuẩn trong nước.

Thông tin về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), Bộ Công thương cho hay, VIFTA được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Israel của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vào tháng 7 năm ngoái.

Việc ký kết VIFTA đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán.

Sau khi Hiệp định này được ký kết, Việt Nam đã nỗ lực trong việc hoàn thiện các thủ tục nội bộ. Ngày 05/01/2024, Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt VIFTA tại Nghị quyết số 08/NQ-CP về việc phê duyệt Hiệp định thương mại tự do giữa Chính phủ nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Israel.

Việt Nam cũng đã chính thức có thông báo qua kênh ngoại giao tại Công hàm số 45/BNG-LPQT của Bộ Ngoại giao ngày 10/01/2024.

Hiện nay, Israel đang tiến hành thủ tục phê chuẩn trong nước đối với FTA này.

Hiệp định VIFTA gồm 15 Chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý - thể chế.

Israel hiện là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Tây Á.

Cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam và Israel có tính bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có sự bổ sung cho nhau.

Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai Bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hóa tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế.

Hai Bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới. Không chỉ góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa chiều, VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…

Ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.

Ở chiều ngược lại, bên cạnh thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam, hàng hóa và công nghệ của Israel có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Trong tương lai gần, trên cơ sở thế mạnh đặc biệt của Israel về công nghệ và tài chính khi kết hợp với thế mạnh của Việt Nam về môi trường đầu tư, quy mô thị trường và mạng lưới các FTA mà nước ta đã tham gia, VIFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp Israel vào Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm trong một bộ phận người lao động ở các lĩnh vực mà Israel quan tâm và đầu tư.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam---israel-khi-nao-co-hieu-luc-d215559.html