PNJ lãi lớn từ đâu?

Trong khi mảng kinh doanh chính là bán lẻ trang sức đi ngang do sức mua giảm, thì mảng vàng miếng của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại tăng mạnh. Liệu PNJ có tận dụng được 'cơn sốt' giá vàng trong nước?

Vì sao về đích ngoạn mục?

Bối cảnh năm 2023 là một năm rất khó khăn với nhiều doanh nghiệp bán lẻ. Bởi lẽ lạm phát cao khiến các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, từ đó làm cho sức mua giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này PNJ đã về đích một cách ngoạn mục trong quý IV, với doanh thu thuần tăng 17,6%, lợi nhuận sau thuế tăng 35,5%. Lũy kế cả năm 2023, mặc dù doanh thu giảm nhẹ 2%, nhưng lợi nhuận sau thuế của PNJ tăng trưởng 9%, vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm.

Điều đáng nói là trước khi công bố kết quả kinh doanh quý IV-2023, ở 3 quý trước đó PNJ mới chỉ hoàn thành 69% kế hoạch lợi nhuận năm 2023. Với kết quả kém tích cực này, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã công bố các báo cáo phân tích theo hướng giảm kỳ vọng về lợi nhuận của PNJ.

Các rủi ro các CTCK nhắc đến là sự phục hồi của nền kinh tế chậm hơn kỳ vọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua hàng không thiết yếu; tốc độ tăng trưởng cửa hàng không đạt như kỳ vọng; doanh nghiệp phải chi nhiều hơn các chi phí quảng cáo, bán hàng dành cho hoạt động khuyến mãi nhằm kích cầu mua sắm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng.

Và tại thời điểm cuối quý III-2023, doanh thu từ mảng bán lẻ của PNJ giảm mạnh 11%. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại doanh thu vàng miếng lại tăng mạnh 29%, do giá vàng trong nước tăng khoảng 4%. Giá vàng trong nước tăng mạnh kể từ tháng 7-2023, đạt mức 69 triệu đồng/lượng tính đến cuối tháng 9-2023. Với lượng tồn kho lớn, PNJ đã hưởng lợi đáng kể nhờ giá vàng tăng trong quý IV-2023.

Lãi lớn từ đâu?

Theo báo cáo tài chính quý IV-2023, tại thời điểm cuối năm, tồn kho của PNJ lên đến 10.940 tỷ đồng, trong đó tồn kho thành phẩm đạt 7.079 tỷ đồng, tồn kho hàng hóa đạt 2.307 tỷ đồng, tồn kho nguyên vật liệu đạt 1.336 tỷ đồng, chi phí sản xuất dở dang ghi nhận 182 tỷ đồng. Đây là con số tồn kho cao kỷ lục của PNJ tính đến nay. Đáng chú ý, PNJ sử dụng 3.990 tỷ đồng giá trị tồn kho làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại.

Và với lượng hàng tồn kho khủng này, PNJ được dự báo sẽ lãi lớn trong năm 2024 khi giá vàng không ngừng tăng sốc. Báo cáo tài chính quý I -2024 được PNJ công bố gần đây, ghi nhận mức doanh thu thuần tiếp đà tăng trưởng 29% lên ngưỡng 12.594 tỷ đồng. Con số này đã xác lập mức doanh thu kỷ lục trong một quý của PNJ.

Xét về cơ cấu doanh thu trong 3 tháng đầu năm, trong khi trang sức bán lẻ và bán sỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 8-12%, thì mảng vàng 24K (vàng 9999) chứng kiến sự bứt phá khi doanh thu tăng 66,3% so với cùng kỳ. Theo đó, kênh bán vàng 9999 đã đem về gần 520 tỷ đồng doanh thu cho PNJ trong quý I, tương đương tỷ trọng 41%, cao hơn nhiều so với mức gần 32% của cùng kỳ năm 2023. Cũng dễ hiểu, trong quý I giá vàng miếng tăng hơn 14%, còn vàng nhẫn tăng gần 20%.

Như vậy, sau khi trừ chi phí hoạt động kinh doanh, PNJ ghi nhận 738 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I, tăng hơn 17% so với quý liền trước. Năm 2024, PNJ đặt mục tiêu doanh thu ở mức 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.089 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 6% so với mức thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 3 tháng, PNJ đã hoàn thành 34% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Thực tế, PNJ chắc chắn sẽ về đích, thậm chí vượt chỉ tiêu năm 2024 sau quý III, khi giá vàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và hàng tồn kho của doanh nghiệp rất lớn. Tại thời điểm cuối tháng 3, tổng tài sản của PNJ đạt 12.969 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho là khoản mục chiếm tỷ trọng cao nhất với 73% tổng cơ cấu, đạt 9.511 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kết quả trên, PNJ sẽ thiết lập mức lợi nhuận cao kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động.

Lãi khủng vẫn than khó

Không chỉ từ năm 2023, doanh thu kinh doanh vàng miếng của PNJ bắt đầu tăng đột biến từ năm 2022. Đơn cử giai đoạn 2017-2021, con số này chỉ tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ, trong khi năm 2022 tăng hơn 70%. Thời điểm đó, thị trường ghi nhận giá vàng tăng nhanh hơn trước, từng bước cán mốc 60 triệu rồi 70 triệu đồng/lượng.

Từ số liệu thống kê này, có thể thấy việc PNJ hưởng lợi nhờ giá vàng là rất rõ ràng và gần như ai cũng có thể nhận ra. Đây cũng là một trong những lý do ban lãnh đạo PNJ dù đưa ra nhận định thận trọng về sức mua, nhưng vẫn lên kế hoạch lợi nhuận ở mức kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng cho năm 2024.

Dù doanh thu vàng miếng tăng trưởng mạnh, nhưng HĐQT PNJ nhiều lần khẳng định biên lợi nhuận của mảng này thấp, ảnh hưởng đến biên lãi gộp toàn công ty. Theo giải thích của doanh nghiệp, vàng miếng thường chỉ chiếm tỷ trọng trên dưới 1% trong lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

Mới đây, tại ĐHCĐ thường niên 2024 được tổ chức ngày 16-4, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, cho rằng giá vàng tăng cũng gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu chiếm tỷ trọng lên đến 50%. Theo bà Dung, việc giá vàng tăng nóng thời gian qua là vấn đề "cân não", bởi doanh nghiệp phải tính toán để bảo toàn tài sản và nguồn nguyên liệu đầu vào. Thậm chí, đã có lúc PNJ phải giảm nhịp độ sản xuất khi giá vàng biến động mạnh theo giờ.

Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia tài chính, PNJ lãi lớn có thể xuất phát từ hoạt động “lướt sóng” vàng. Đơn cử là hàng tồn kho quý I giảm 1.430 tỷ đồng so với thời điểm quý IV-2023.

Con số trên cho thấy khả năng PNJ đã bán bớt lượng vàng đang cất giữ trong kho khi nhận thấy giá vàng tăng trong quý I, và hạch toán vào kết quả kinh doanh kỷ lục trong quý I. Một yếu tố nữa liên quan đến hàng tồn kho là trong quý IV-2023, PNJ đã sử dụng 3.990 tỷ đồng giá trị tồn kho làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn.

Có điểm hết sức bất thường là sau khi giảm hàng tồn kho trong quý I vừa qua, PNJ cũng đồng thời tất toán khoản nợ vay ngắn hạn hơn 2.020 tỷ đồng. Theo vị chuyên gia này, nhiều khả năng trong quý IV-2023, PNJ đã cầm cố số vàng trong tài khoản để vay tiền mua vàng, sau đó bán chốt lời và trả nợ ngân hàng.

Chuyên gia này làm phép tính, PNJ bán lượng hàng tồn kho 1.430 tỷ đồng nhưng lại có hơn 2.020 tỷ đồng trả ngân hàng. Nhiều khả năng PNJ lãi gần 600 tỷ đồng. Hiệu suất đầu tư bằng hình thức này là cực kỳ hấp dẫn, bởi PNJ là doanh nghiệp sản xuất, được hưởng khoản vay ưu đãi từ ngân hàng.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, lãi suất vay của PNJ nhiều năm nay chỉ quanh mức 3-4%/năm, kể cả với hình thức đảm bảo bằng tín chấp hay hàng tồn kho, mức rất thấp nếu so với lãi suất cho vay bình quân chung.

KIM GIANG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/pnj-lai-lon-tu-dau-post114146.html