Nguồn gốc tên gọi 'ca trù'

Chúng ta đã nghe rất nhiều về ca trù, một trong những disản phi vật thể của dân tộc, nhưng không nhiều người hiểu rõ về nó.

Cái tên “ca trù” [...] trong đó ca nghĩa là hát, còn trù là tấm thẻ tre. Khi ca nương hát một đoạn hay, quan khách sẽ tặng cô một tấm thẻ thay cho lời khen tặng. Hết bài hát, người nào được càng nhiều thẻ thì càng được ái mộ. Bởi lối “bỏ thẻ” như vậy nên gọi là “ca trù”.

Tranh sơn mài Bài ca sông núi của họa sĩ Bùi Trọng Dư. Ảnh: Mỹ thuật Hải Phòng.

Ca trù là một thể loại diễn xướng, thường trong một gian phòng (kiểu như phòng trà ngày nay). Một nhóm hát gọi là một chầu hát thường có ba thành phần chính:

- Một nữ ca sĩ (gọi là “đào” hay “ca nương”) sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp.

- Một nhạc công nam giới (gọi là “kép”) chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát. Người nhạc công này có lúc cũng vừa đàn vừa hát.

- Người thưởng ngoạn (gọi là “quan viên”, thường là tác giả bài hát) đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống.

Các nhạc sĩ bây giờ có người sáng tác giỏi nhưng hát không tốt, phải tìm những người ca hay mà kết hợp. Văn nhân thời xưa cũng vậy. Nhiều người làm thơ rất hay, muốn tìm người ngâm giỏi, vì vậy tìm đến các cô đào để nghe diễn xướng, còn mình thì đánh trống chầu. Ca trù ra đời cũng là từ đó. Vì được sáng tác bởi thi nhân nên điệu ca trù thường nghe rất thâm trầm, thấm đẫm mùi đời.

Lê Trọng Nghĩa (chủ biên)/Thái Hà và NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguon-goc-ten-goi-ca-tru-post1465201.html