Người đương thời lại bàn về việc 'đọc' Hàn Mặc Tử

Sáng 22/9, tại Viện Văn học đã diễn ra tọa đàm Một số cách đọc khác về thơ Hàn Mặc Tử với sự tham gia của một số diễn giả, nhà nghiên cứu như: Hoàng Tố Mai, Phùng Ngọc Kiên...

Sáng 22/9, tại Viện Văn học đã diễn ra tọa đàm Một số cách đọc khác về thơ Hàn Mặc Tử với sự tham gia của một số diễn giả, nhà nghiên cứu như: Hoàng Tố Mai, Phùng Ngọc Kiên...

Từ trước tới nay, việc đọc thơ Hàn Mặc Tử, ngợi ca và tán tụng thơ ông từ những điểm nhìn mang tính “ngoài văn học”, “phi văn học” vốn chẳng xa lạ, đặc biệt là những tranh luận về sự thật mối tình Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc ở Huế gần đây.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, với những kiến giải nhất định về nghệ thuật, việc đọc thơ Hàn cho đến nay phần nhiều vẫn nằm bên trong cuộc tranh luận về tính xác thực xung quanh cuộc đời bi kịch của thi nhân.

Cái tên Hàn Mặc Tử bởi thế mà không ngừng được bao bọc trong những tầng lớp huyền thoại, trong nỗ lực xây dựng những huyền thoại mới. Vấn đề bệnh tật và cái chết cũng xuất hiện trở đi trở lại trong những phê bình thơ Hàn Mặc Tử gần đây.

Quang cảnh tọa đàm

Ông là một trường hợp sáng tác khá đặc biệt, hai mảng khác biệt: thoát tục và dị cảm. Thơ thoát tục có thể kể đến Đây thôn vĩ dạ, Mùa xuân chín, Chơi giữa mùa trăng, Trăng vàng, trăng ngọc… Thơ dị cảm có Trăng tự tử, Huyền ảo, Cô liêu, Ước ao… Chúng thường nghiêng về trạng thái tuyệt vọng, đôi khi đạt ngưỡng cực đỉnh và được trút xả trong những câu thơ đầy nổi loạn, điên cuồng.

Những thi phẩm này thanh khiết và vẻ đẹp tinh tế đã chạm tới sự thuần khiết của thượng giới, chính vì vậy nó khiến người đọc thăng hoa, nhưng ít nhiều mang lại cảm giác bất lực. Vẻ đẹp hoàn mỹ cũng như trạng thái tinh thần đầy phức tạp khiến cho những thi phẩm của Hàn Mặc Tử đến giờ vẫn được người đương thời ngưỡng mộ.

An Như

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa/nguoi-duong-thoi-lai-ban-ve-viec-doc-han-mac-tu-n20160923081129108.htm