Người đưa thổ cẩm Pà Thẻn vươn xa

Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn (Tân Trịnh, Quang Bình, Hà Giang) từng đứng trước nguy cơ bị mai một, nhưng với sự say mê với những sắc màu rực rỡ của những sản phẩm thổ cẩm, nghệ nhân Ván Thị Chi, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi đã phát triển nghề truyền thống, giúp nhiều người có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Nghề dệt thổ cẩm vốn là một nét văn hóa phản ánh đậm nét đời sống tinh thần và cũng là niềm tự hào người dân tộc Pà Thẻn. Với nghệ nhân Ván Thị Chi, việc được gắn bó với những đường kim mũi chỉ của nghề dệt Pà Thẻn là một niềm vui vô tận. Bởi dệt không chỉ giúp bà thư thái, thỏa niềm đam mê, mà dệt còn giúp bà gắn kết được với nhiều người.

Người thầy trên cao nguyên đá

Cũng giống như bao cô gái Pà Thẻn khác, nghệ nhân Ván Thị Chi đã thấm nhuần nghề dệt từ khi còn nhỏ. “Ngay những năm lên 10, nghe lời mẹ, tôi đã sớm được tiếp xúc với nghề dệt thổ cẩm. Nhưng để thành thạo tay nghề như ngày hôm nay, tôi đã phải học hỏi rất nhiều”, bà Chi chia sẻ.

Khiêm tốn là vậy nhưng theo nhiều người địa phương, khi 15, 16 tuổi tuổi, bà Chi đã nổi tiếng vì thành thạo trong thêu dệt các loại hoa văn khó. Dệt thổ cẩm mất nhiều thời gian và dễ gây mệt mỏi nhưng bà cũng có thể ngồi cả ngày mà vẫn dệt đều tay, thêu những hoa văn chính xác.

Càng làm, bà càng thấy yêu và đam mê với những hoa văn trên những bộ trang phục của dân tộc mình. Nhưng cuộc sống càng phát triển, nhiều bạn trẻ càng xa dần nghề dệt nên nguy cơ mai một ngày càng rõ.

Người dân Pà Thẻn cũng chỉ duy trì cách làm thổ cẩm cũ kỹ, đơn lẻ khiến cho giá thành sản xuất và giá sản phẩm bán ra cao, chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Chính vì vậy, dù có vất vả gùi vải, quần áo làm từ thổ cẩm xuống chợ phiên bán thì người dân cũng chẳng lãi lời bao nhiêu. Những người gắn bó với nghề dệt chỉ coi đó là phần của cuộc sống vì nếu bỏ thì không có việc gì làm.

Trước thực trạng trên, bà đã tích cực cùng một số phụ nữ trong vùng mở các lớp đào tạo nhằm phát triển nghề dệt. Nhiều người Pà Thẻn cũng đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ Ván Thị Chi đứng nhiều lớp dạy nghề, chăm chỉ dạy các bạn trẻ cách sơ chế, cách nhuộm và cách dệt vải sao cho mịn và hài hòa màu sắc.

Tuy nhiên, theo người nghệ nhân này, nếu chỉ đào tạo nghề thì những sản phẩm thổ cẩm làm ra biết bán đi đâu, làm sao người Pà Thẻn có thể nâng cao thu nhập, nâng cao cuộc sống được?

Giữa những suy nghĩ đó, năm 2020, ý tưởng phát triển nghề dệt của bà đã nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước về nguồn vốn. Từ đây, bà mạnh dạn thành lập HTX Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi vừa truyền dạy nghề dệt cho chị em trong thôn, vừa tạo sản phẩm bán ra thị trường.

Khẳng định giá trị của người phụ nữ

Thời gian đầu, để vận hành được HTX, bà Chi phải vận động các gia đình sử dụng các khung cửi cũ, ngoài ra là đầu tư vốn mua thêm vải, chỉ với số lượng lớn để các thành viên cùng làm.

Tuy nhiên, khi đến làm tại HTX, không ít phụ nữ Pà Thẻn bị chồng đến tận nơi kéo về nhà bằng được và không cho đi làm. Điều này, theo bà Chi xuất phát từ quan niệm của họ là phụ nữ phải ở nhà phục vụ chồng, chăn nuôi, lo cơm nước. Phụ nữ bước chân ra khỏi gia đình, đi làm ở xưởng cả ngày là một điều gì đó rất ghê gớm và không đúng với thuần phong mỹ tục của đồng bào địa phương.

Nghệ nhân Ván Thị Chi đang góp phần phát triển nghề truyền thống, thúc đẩy giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Tuy nhiên nhờ thấu hiểu tâm lý, sự hỗ trợ của những người có uy tín tại địa phương cùng sự cố gắng không ngừng nghỉ trong quá trình làm việc, bà đã chứng minh cho nhiều người, trong đó có những người đàn ông Pà Thẻn thấy rằng, tham gia HTX, sản xuất thổ cẩm không phải là việc sai trái mà đó là việc làm, là thu nhập và cao hơn nữa là góp phần gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Đến nay, các sản phẩm của HTX ngày càng đa dạng phong phú, với khăn đội, trang phục dân tộc, mặt gối... Giá trung bình của mỗi bộ trang phục dân tộc Pà Thẻn từ 2 - 4 triệu đồng giúp nâng cao nguồn thu nhập cho người làm. Đến nay, nguồn thu của các thành viên là từ 4 - 9 triệu đồng/tháng tùy theo tay nghề và năng suất, khoảng 70% khách hàng của họ là người nước ngoài, khách du lịch.

Đi làm tại HTX, những phụ nữ nghèo, các thanh niên lại có thu nhập và giúp họ tự tin hơn, không bị lép vế trong gia đình. Từ đó, càng nhiều người đến với HTX để làm việc và tham gia làm thành viên liên kết.

Tự hào về nghề

Không chỉ nhận phụ nữ yêu nghề, nghệ nhân Ván Thị Chi còn tạo cơ hội cho những phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Xưởng của HTX còn có nhiều phụ nữ có hoàn cảnh rất khó khăn, đáng thương. Tuy nhiên, bà Chi đã nhận những đứa trẻ, thanh thiếu niên và cả những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn này đến xưởng để đào tạo nghề. Vào ngày nghỉ học, các em lại đến xưởng vừa học nghề vừa làm. Làm được bao nhiêu sản phẩm, cuối ngày sẽ được bà thanh toán tiền công đầy đủ.

“Học nghề dệt có một điểm lợi là nếu các em không đủ điều kiện để học cao thì sau này vẫn có nghề để nuôi bản thân”, Giám đốc Ván Thị Chi tâm sự.

Ngoài ra, HTX còn là điểm đến của các cụ già đến làm việc, là nơi của những người có tay nghề cao đến hỗ trợ HTX phát triển sản xuất, kinh doanh. Tùy sức khỏe, tay nghề, bà Chi lại sắp xếp cho họ công việc phù hợp để tranh thủ thời gian rỗi rãi.

Theo người nghệ nhân này, dệt thổ cẩm là một nghề không mang lại sự giàu có nhưng nó giúp cho những phụ nữ Pà Thẻn có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và thoát được nghèo, đói.

Đặc biệt, nhờ thực hiện các chính dân tộc, trong đó có Nghị Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế các dân tộc thiểu số, HTX Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi đã có thêm điều kiện nâng cấp cơ sở sản xuất, từ đó khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của nghề dệt thổ cẩm để tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Hiện, HTX không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho người dân xã Tân Trịnh mà còn giúp nhiều đồng bào Pà Thẻn ở xã Tân Bắc có việc làm, giảm nghèo từ nghề dệt.

Theo đánh giá của phòng Dân tộc huyện Quang Bình, sự phát triển của nghề dệt với công sức đóng góp của nghệ nhân Ván Thị Chi là đòn bẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 15,08%, giảm 4,67% so với cuối năm 2021, đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Đặc biệt, với tình yêu nghề, nghệ nhân Ván Thị Chi đã tích cực bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm và những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Pà Thẻn. Bà chính là một trong những người phụ nữ điển hình để chị em phụ nữ Pà Thẻn học theo.

Tuy nhiên, sau quá trình phát triển nghề dệt và HTX, nghệ nhân Ván Thị Chi cho rằng, đầu ra vẫn là khó khăn cho sản phẩm thổ cẩm. Chính vì vậy, bà mong các cấp chính quyền sẽ hỗ trợ bà và HTX trong việc phát triển du lịch kết hợp xúc tiến thương mại để đầu ra được rộng mở. Từ đó thu nhập và cuộc sống của người dân cũng sẽ tốt hơn.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nguoi-dua-tho-cam-pa-then-vuon-xa-1094002.html