Ngủ giữa đồng làm đường huyết mạch xứ Tây Đô

Đường tỉnh 922 kéo hai huyện Cờ Đỏ, Thới Lai gần hơn với bến Ninh Kiều, rộng đường phát triển xứ Tây Đô.

Ít ai biết, để có được con đường đó là cả một hành trình gian nan.

Bon bon trên đường mới

Đường tỉnh 922 (đoạn qua phường Trường Lạc, quận Ô Môn) kéo hai huyện Thới Lai, Cờ Đỏ gần hơn với bến Ninh Kiều.

4h chiều, chị Nguyễn Hoàng Yến Nhi (34 tuổi) bắt đầu xuất phát từ quận Ninh Kiều để về nhà ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. “Tôi làm việc ở trung tâm TP Cần Thơ, cuối tuần mới về nhà thăm cha mẹ. Bây giờ đi đường tỉnh 922, chạy về Cờ Đỏ tầm hơn 1 tiếng là tới”, chị Nhi cho biết.

Nắng chiều nhuộm vàng con đường nhựa khang trang, bon bon trên đường là những chiếc xe máy, ô tô xuôi ngược. Hai bên đường, rải rác mọc lên những điểm bán trái cây, rau củ nho nhỏ. Xa xa là những ruộng lúa, nấm rơm, vườn cây xanh mướt, ngút ngàn. Cuộc sống của người dân hai bên đường nhẹ nhàng, bình yên lúc cuối ngày…

Vừa gói xong mấy trái vú sữa cho khách, bà Lê Kim Quyến (ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn) - người bán hàng bên đường, kể: “Hướng này về Ba Se (hướng từ huyện Phong Điền về quận Ô Môn) là nhà tôi, còn đi thẳng hướng này về Ba Mít (xã Trường Thành, huyện Thới Lai). Gần lắm, chiều nào tôi cũng đi bộ ra đây bán hàng. Hồi trước ở đây là ruộng không, người ta xé ra làm đường ngon lành như vậy nè”.

Nhìn tuyến đường tỉnh 922 thẳng tắp chạy ngang nhà mình, ông Đặng Thanh Toàn, ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai kể: “Mấy năm trước, đường cũ xấu lắm, xe thì đông. Mỗi lần có chiếc xe tải chạy ngang là xe máy phải dạt hết vào lề. Đêm hôm đi đứng khó khăn, vất vả lắm, con trẻ trong nhà thì cha mẹ cấm tiệt ra đường. Giờ thì bà con ai cũng phấn khởi”.

Bốn năm thi công đường tỉnh 922, không chỉ người dân ở 4 quận, huyện tuyến đường đi qua mà cả Cần Thơ, ai cũng mong đợi ngày thông xe. Nhất là cánh tài xế thường xuyên phải đi các tuyến từ trung tâm Cần Thơ về các quận, huyện và cả về TP Long Xuyên (An Giang), TP Rạch Giá (Kiên Giang).

“Đường này mới mở, chưa có nhiều xe, anh em tài xế thường lựa chọn vì chạy nhanh mà gần nữa”, một tài xế xe tải dừng xe mua nước trên đường tỉnh 922 nói.

Những ngày không thể quên

Tuyến đường tỉnh 922 dài gần 30km đang đón mùa mưa thứ 2, kể từ khi thông xe hồi đầu năm 2022, sau gần 4 năm thi công.

Đường có chiều rộng nền đường 12m, với 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Tuyến đường này cùng với đường tỉnh 919 (đường Bốn Tổng Một Ngàn) hiện là hai tuyến đường tỉnh đẹp nhất Cần Thơ.

Ba nhà thầu trúng thầu dự án đường tỉnh 922 bao gồm: Liên doanh Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 319.2 và Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Ngọc Bảo.

Trong ký ức của những người mở đường, đó là những tháng ngày trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, tất cả công nhân phải ở lại công trường. Bếp ăn của nhà thầu đỏ lửa thường xuyên hơn.

“Bếp ăn nhà thầu được cung cấp thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho công nhân làm việc. Cái này thì không phải lo, nhưng anh em công nhân phải ở trong công trường suốt nhiều tháng liền, không được ra ngoài nên cũng bức bối lắm. Đây cũng là tình hình chung của mọi công trường thời điểm đó”, anh Lê Nhựt Thủ, Phó phòng kỹ thuật, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ - người gắn bó nhiều với dự án nhớ lại.

Anh kể, đường tỉnh 922 thời điểm mới thi công rất khó khăn, toàn ruộng vườn, kênh rạch chằng chịt. Vậy nên từ việc quản lý, thi công, giải phóng mặt bằng khâu nào cũng vất vả, nhất là vào mùa mưa.

“Khi đi kiểm tra công trình, tới bữa, chúng tôi đều phải ra thị trấn Thới Lai cách chục cây số mới có cơm ăn”, anh Thủ kể thêm.

Ông Nguyễn Bá Cường, chỉ huy công trình đường tỉnh 922 cho hay, cuối tháng 9/2021, dịch Covid-19 căng thẳng, một số anh em còn ở lại với công trình như lái xe, giám sát, thợ sửa xe, một vài anh em công nhân ở tỉnh xa không về nhà được...

Gần 50 công nhân khi đó ăn ở tại chỗ, được nhà thầu lo toàn bộ chi phí và đảm bảo đúng theo nguyên tắc 5K, 3 tại chỗ…

“Anh em thay phiên nhau đi chợ một tuần một lần. Rảnh rỗi nữa thì thay phiên nhau câu cá dưới sông để cải thiện bữa ăn và cũng coi như là được giải trí một chút. Trong hoàn cảnh đó, anh em công nhân coi nhau như người nhà. Mỗi bữa cơm chia sẻ từng miếng thức ăn, kể cho nhau nghe những câu chuyện gia đình. Chúng tôi đã vượt qua những ngày khó khăn như thế”, ông xúc động kể lại.

Vì lẽ đó, từng làm không biết bao nhiêu công trình, nhưng đối với đường tỉnh 922, ông Cường đã có những ký ức sâu đậm nhất: “Khi anh em biết phải ở lại công trường để phòng dịch, tôi tự động viên bản thân mình và anh em bình tĩnh vượt qua. Anh em lo lắm chứ, họ toàn ở xa, mãi Nghệ An, Thanh Hóa... vào miền Tây làm việc. Vừa lo mình bị bệnh vừa lo cho người thân ở quê nhà”.

Cũng theo ông Cường, chỗ ngủ của anh em công nhân thời điểm đó là những lán trại được quây dưới gầm cầu, đồng ruộng, ban đêm muỗi vây tứ bề, tối đi vệ sinh phải lo ngay ngáy vì sợ đạp nhầm rắn rết…

“Đầu tháng 10/2021, việc trải nhựa mặt đường lớp cuối cùng triển khai. Và cuối tháng 1/2022, chủ đầu tư đã cho thông xe trên toàn tuyến. Thành quả đó là sự nỗ lực suốt nhiều tháng trời trong một hoàn cảnh chưa từng có của anh em công nhân. Đối với những người dân sống hai bên đường, đó thực sự là niềm vui rất lớn”, ông Cường chia sẻ.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, đường tỉnh 922 là tuyến đường huyết mạch quan trọng kết nối huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Đây cũng là 1 trong 2 tuyến đường tỉnh (cùng với tuyến 919) được đưa vào quy hoạch, mặt đường rộng 11m, tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng. Sau khi nâng cấp, tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy giao thương trong vùng.

Nguyên Việt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngu-giua-dong-lam-duong-huyet-mach-xu-tay-do-d596902.html