'Ngôi nhà' thứ hai của trẻ chậm nói

Những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục trẻ em Ngày Mới (quận Đống Đa), đã chắp cánh cho các trẻ em mắc chứng chậm nói ở Thủ đô, vượt qua khó khăn, hòa nhập bình thường cùng các bạn đồng trang lứa.

Khi chúng tôi đến Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục trẻ em Ngày Mới, thoạt nhìn là khung cảnh giáo viên, học sinh học tập, chơi đùa như bất cứ một cơ sở giáo dục nào khác. Nhưng để ý kỹ mới thấy rằng, học sinh ở đây rất đặc biệt. Khi giáo viên tương tác, học sinh phản xạ chậm chạp, khó khăn trong giao tiếp. Các em dường như “thờ ơ” với âm thanh xung quanh. Thầy, cô giáo dường như đã quen với điều này. Họ vẫn dịu dàng, điềm đạm theo sát từng thay đổi nhỏ của học sinh để đưa sự tập trung của các em trở lại với âm thanh, cử chỉ của giáo viên, qua đó kích phát tiềm năng phản xạ trong giao tiếp tới các em.

Chị Nguyễn Thị Hà thường xuyên giao lưu với các em học sinh để nắm bắt sát sao quá trình giảng dạy.

Chị Nguyễn Thị Hà, quản lý chuyên môn tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục trẻ em Ngày Mới cho biết: “Trẻ em chậm nói tại Trung tâm được đánh giá sàng lọc chuyên sâu, tham vấn giáo dục, xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân, rồi mới thực hiện một số phương pháp và kỹ thuật dạy trẻ chậm nói như phương pháp âm ngữ trị liệu, sử dụng câu chuyện xã hội, giao tiếp trao đổi bằng hình ảnh, trị liệu bằng trò chơi... Ngoài ra, các em nhỏ còn được học 1 kèm 1 với giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Phát hiện con gái yêu Phạm Ngọc Minh Thư bị chậm nói khi mới 21 tháng tuổi, ban đầu chị Nguyễn Thị Oanh (quận Đống Đa) rất hoang mang. Nhưng rồi khi đến Trung tâm Hỗ trợ giáo dục trẻ em Ngày Mới, những tia hy vọng dần được nhen nhóm trở lại. Sau một thời gian điều trị, Minh Thư đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Chị Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: “Gia đình tôi rất biết ơn Trung tâm Hỗ trợ giáo dục trẻ em Ngày Mới. Được sự động viên và tận tình giúp đỡ, điều trị của các thầy, cô giáo tại Trung tâm, con đã có nhiều tiến bộ. Trước kia con không biết nói, gọi không quay đầu. Bây giờ con biết gọi bà, gọi mẹ, những người thân trong gia đình, biết yêu cầu ăn bánh, uống sữa khi đói. Con biết thực hiện các công việc khi mẹ đưa ra. Tôi cảm thấy thật đúng đắn khi đưa con đi can thiệp ngôn ngữ tại đây”.

Theo anh Nguyễn Văn Trung, Khoa Tâm lý học lâm sàng, Học viện Quản lý giáo dục, không phải con trẻ nào cũng được cha mẹ phát hiện kịp thời các dấu hiệu chứng chậm nói, để đưa con đi điều trị. “Nhiều năm làm công việc này, tôi cảm thấy xót xa. Với sự phổ biến của internet hiện nay, trẻ rất dễ “nghiện” thiết bị điện tử từ sớm, khiến trẻ chậm phát triển. Việc phát hiện trẻ mắc “chứng nghiện” này sớm rất quan trọng. Vì thế, ngay khi trẻ mới 9 tháng tuổi, nếu phụ huynh quan sát trẻ vẫn chưa có khả năng giao tiếp bằng mắt, gọi con không quay lại, không có tín hiệu về ngôn ngữ thì phụ huynh phải tìm đến ngay các trung tâm hỗ trợ trẻ em để được can thiệp kịp thời. Đặc biệt khi trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi, là thời gian vàng để điều trị cho trẻ”.

Ngoài ra, chị Nguyễn Thị Hà cho hay: “Hiện nay, có những giáo viên tự mở lớp điều trị cho trẻ em chậm nói mà không trực thuộc cơ quan quản lý nào. Nhiều giáo viên không có chuyên môn, thậm chí có trường hợp lừa đảo khiến phụ huynh mất tiền mà con em mình lại bị bạo hành. Vì vậy, các vị phụ huynh không chỉ trang bị kiến thức để phát hiện con chậm nói, còn cần tìm hiểu kỹ lưỡng đơn vị hỗ trợ có uy tín, nhằm tránh tiền mất mà con vẫn không được điều trị trong điều kiện tốt nhất”.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngoi-nha-thu-hai-cua-tre-cham-noi-731549