Ngày hội của toàn dân

Ở vùng cao, 5/9 không chỉ là Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường, mà còn là ngày hội đặc biệt của học sinh, phụ huynh, bà con dân bản.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Vì vậy, các nhà trường đã lên kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức trò chơi, hoạt động trải nghiệm… để trò thêm háo hức khi đến lớp. Đó cũng là cách “tuyên truyền” đặc biệt để phụ huynh tin tưởng, yên tâm và cho con em đến trường.

Áo mới cho bàn ghế

Nhiều ngày qua, hàng chục giáo viên, phụ huynh huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) cùng chung tay góp kinh phí, vận chuyển và sửa chữa hơn 1.000 bộ bàn ghế chuẩn bị cho năm học mới.

Thầy Đoàn Văn Thoài - Hiệu trưởng Trường THCS Đắk Ruồng (huyện Kon Rẫy) - cho hay, sau nhiều năm sử dụng, hơn 100 bộ bàn ghế của nhà trường đã hư hỏng, xuống cấp, chỉ còn lại khung sắt. Nếu mua bàn ghế mới thì giá thành từ 1,3 - 2 triệu đồng nên tốn nhiều kinh phí.

“Việc góp kinh phí, công sức sửa chữa bàn ghế cũ rất thiết thực, ý nghĩa và giảm nhiều chi phí. Điều này cũng giúp học sinh vui vẻ, hứng thú đến trường trong năm học mới”, thầy Thoài nói.

Để hạn chế chi phí, đảm bảo bàn ghế cho học sinh trong năm học 2023 - 2024, thầy, cô giáo và phụ huynh nhà trường đã chung tay quyên góp, hỗ trợ kinh phí; Đồng thời, góp sức tháo bản lề, ván… ở bàn ghế cũ để vận chuyển đến nơi nhận gia công thay thế gỗ, sơn mới lại. Chỉ một thời gian ngắn, hơn 100 bộ bàn ghế cũ của nhà trường đã được khoác “tấm áo mới”.

Không chỉ sửa sang lại bàn ghế, Trường THCS Đắk Ruồng còn kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ SGK và xe đạp để khích lệ học sinh đến trường. Năm học 2023 - 2024, toàn trường có 460 học sinh, trong đó, trên 65% là người dân tộc thiểu số. Điều kiện khó khăn, nhiều em phải vượt chặng đường hơn 13km để đến lớp. 50 bộ SGK từ lớp 6 - 9 và 15 chiếc xe đạp được tặng cho học sinh khó khăn để đường đến trường bớt gập ghềnh.

Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Rẫy, chia sẻ, nhiều ngày qua, cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện đã tham gia sửa chữa 1.000 bộ bàn ghế phục vụ học tập cho 2.000 học sinh của 12 trường trên địa bàn. Số bàn ghế trên được sử dụng từ lâu nên phần lớn xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến quá trình học tập.

Theo ông Trí, mặc dù bàn ghế hư hỏng, nhưng khung sắt còn sử dụng được, do đó, phòng đã đề xuất UBND huyện đề án sửa chữa 1.000 bộ bàn ghế này bằng phương án xã hội hóa và được chấp thuận. Sau một thời gian, đã huy động được 500 triệu đồng để sửa chữa. Nhờ đó tiết kiệm được ngân sách để đầu tư vào các công trình giáo dục trọng điểm khác.

Giáo viên Trường Mầm non Vàng Anh đến từng nhà vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp. Ảnh: Nguyễn Dung

“Dụ” học sinh bằng bánh, kẹo

Từ tháng 8, các cô giáo Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã bận rộn với công tác chuẩn bị cho năm học mới. Các cô vừa tập huấn chuyên môn, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị. “Mỗi ngày một việc, chúng tôi phân công giáo viên phát quang, vệ sinh khuôn viên trường lớp. Người phụ trách lau rửa bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi trang trí lớp học. Có hôm thì tập trung gieo hạt trồng rau, trồng hoa.

Chúng tôi cũng vận động phụ huynh hỗ trợ giáo viên dựng thư viện thân thiện, khu hoạt động trải nghiệm vui chơi cho trẻ. Lớp học, sân vườn có bàn tay cô giáo và phụ huynh sửa soạn trở nên tươi vui, đẹp mắt chờ đón trẻ đến trường”, cô Lê Thị Hồng Quang – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Xá Lượng là xã miền núi cao, địa bàn rộng lớn, trẻ thuộc đa thành phần dân tộc gồm Thái, Mông và Khơ Mú. Tuy nhiên, đến ngày khai giảng, ở trường chính và các điểm lẻ đều khang trang, đẹp đẽ. Nhà trường còn kêu gọi các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm tặng bánh kẹo, sữa, đồ chơi để làm quà cho trò trong ngày khai giảng.

“Niềm vui của trẻ thơ đơn giản nhưng cũng rất quan trọng. Ấn tượng trong ngày đầu tới trường sau kỳ nghỉ hè được gặp cô giáo, nhận món quà nhỏ, vui chơi trong khuôn viên đẹp đẽ là cách để trẻ yêu trường lớp, thích đi học”, cô Hồng Quang nói thêm.

Tương tự, nhiều ngày qua, cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Vàng Anh (xã Kroong, TP Kon Tum) đã dọn dẹp, trang trí lại trường lớp theo chủ đề “Trường học hạnh phúc - an toàn”. Với những vật liệu gần gũi… được giáo viên cắt, vẽ cẩn thận giúp trẻ khi đến trường học tập có thể vừa học, vừa chơi và trải nghiệm.

Năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non Vàng Anh có 332 trẻ, trong đó hơn 200 em là người dân tộc thiểu số. Mặc dù ở thành phố, nhưng điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, phụ huynh cũng chưa chú trọng nhiều về việc học của con em mình. Chính vì vậy, trước khi bước vào năm học mới, nhà trường nhờ thôn trưởng, già làng thông báo đến người dân lịch tựu trường. Cùng với đó, giáo viên cũng đến từng nhà động viên gia đình đưa con em ra lớp.

Giờ hát múa tập thể của học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Cô Đoàn Thị Kim Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh - tâm sự, để trường học trở thành điểm đến thân thiện, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ, giáo viên trang trí lớp học mang bản sắc dân tộc. Tại góc địa phương, nhà trường bố trí hàng chục bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc, cùng với đó là cồng chiêng, đàn bầu.

Ngoài ra, nhiều vật dụng như gùi, nia, bầu, nơm… cũng được sử dụng để trang trí trường lớp giúp trò hiểu thêm về công dụng lại gần gũi với đời sống hằng ngày. “Với trẻ mầm non, chúng tôi ưu tiên trang trí trường lớp gần gũi, đơn giản để các em cảm nhận đến trường cũng như ở nhà. Từ đó, các em sẽ thích thú, háo hức học tập, tìm hiểu mọi điều xung quanh”, cô Oanh nói.

Trước ngày khai giảng 3 tuần, cô Y Dung vượt hơn trăm km từ xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) để vào điểm trường thôn Ia Đơr (Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) dọn dẹp trường lớp.

Ở huyện biên giới Ia H’Drai, mặc dù tất bật với công việc hằng ngày nhưng phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con em. Do đó, đầu năm học, giáo viên đỡ vất vả trong công tác vận động, đưa học sinh ra lớp. Thế nhưng để giữ được trò ở trường, đặc biệt giúp học sinh lớp 1 thích thú khi ra lớp, cô Y Dung tranh thủ đến sớm để trang trí trường, lớp học.

Những lớp học sạch sẽ với tranh ảnh màu sắc sẽ giúp các em cảm thấy gần gũi, hào hứng hơn khi bước vào năm học mới. Cô Y Dung còn không quên chuẩn bị những phần quà, bánh kẹo… và một số trò chơi, hoạt động tập thể để các em háo hức đến lớp.

Giáo viên Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) cũng tất bật dọn dẹp, trang trí trường - lớp chuẩn bị đón học sinh. Đồng thời vào các thôn, làng nhắc nhở, vận động phụ huynh đưa con ra lớp đúng lịch tựu trường.

Thầy Nguyễn Đình Tịnh – giáo viên của trường còn mua thêm ít cây xanh điểm tô thêm màu sắc cho phòng học. Trải qua thời gian dài gắn bó với vùng khó, thầy Tịnh cũng quen với việc cắt, dán… hình ảnh, con vật trang trí khắp phòng để trò hào hứng khi trở lại trường. Những phần quà, gồm bánh, kẹo và đồ dùng học tập cũng được thầy Tịnh chuẩn bị sẵn để tặng cho học sinh vào đầu năm học mới.

Bàn ghế mới tại Trường THCS Đắk Ruồng để chuẩn bị đón trò ra lớp. Ảnh: Nguyễn Dung

Ngày lễ đặc biệt của nhà trường, bản làng

Nhiều năm nay, ngày khai giảng năm học mới đối với bà con người dân tộc Mông ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cũng trở thành ngày hội đặc biệt. Vào ngày này, phụ huynh đưa con tới trường với bộ trang phục truyền thống cầu kỳ, đẹp nhất. Cả sân trường rực rỡ sắc màu với nhiều hoạt động được chờ đợi ở cả phần lễ lẫn phần hội.

Thầy Lô Khăm Phu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống - chia sẻ, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn, lễ khai giảng của các trường trên địa bàn được đồng loạt tổ chức vào ngày 5/9.

Tại Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống, phần lễ được tổ chức đầy đủ, trang nghiêm nhưng ngắn gọn. Mục đích để học sinh cảm nhận được thời khắc ý nghĩa, quan trọng khi năm học mới chính thức bắt đầu, với sự có mặt đầy đủ của thầy, cô giáo, lãnh đạo chính quyền địa phương và cả phụ huynh.

“Chúng tôi hướng đến học sinh, phụ huynh, với mong muốn các em cùng với thầy, cô giáo nỗ lực cho năm học mới đảm bảo sĩ số, dạy tốt, học tốt. Sau phần lễ, nhà trường sẽ dành nhiều thời gian tổ chức phần hội cho học sinh như chơi trò chơi dân gian, múa hát truyền thống, thi đấu thể dục thể thao giữa các lớp. Mục đích tạo không khí vui tươi, náo nức để khởi đầu năm học mới đầy hứng khởi” – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống nói.

Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống có 100% học sinh là người Mông, nhiều em ở bản xa phải về trường bán trú, nhưng phần lớn đều chăm chỉ, có ý thức học tập. Trong đó, có nhiều em thông minh, là nguồn học sinh giỏi của huyện. Điều lo ngại nhất là một số em chịu ảnh hưởng, tập tục bắt vợ ở bản làng, nên nguy cơ “mất” trò luôn hiện hữu.

Vì thế, không chỉ chờ đến mùa lễ hội hay Tết Nguyên đán, mà ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Ngày khai giảng là lễ hội lớn của nhà trường và cũng là của dân bản.

Đây cũng là dịp để phụ huynh được chứng kiến nơi học tập, sinh hoạt, các hoạt động của con em mình, được thầy cô bảo ban, dạy dỗ, nuôi dưỡng. Tạo sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh cũng là cách tuyên truyền tốt nhất để thay đổi nhận thức của bố mẹ, cho con em mình được đến trường, học tập, không bỏ học sớm đi làm hay lấy chồng, lấy vợ…

Trường Tiểu học và THCS Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong, Nghệ An cũng đón nhận nhiều niềm vui ngay trước thềm năm học mới. Đây là ngôi trường có 2 cấp học với 5 điểm trường, gồm trường chính và 4 điểm bản lẻ. Năm học 2023 - 2024 trường có 21 lớp với 438 học sinh, chủ yếu là con em hộ nghèo, gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trường vẫn chưa có phòng học chức năng, khu nhà ở bán trú chỉ đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu của học sinh. Còn lại các em đang phải ở phòng tạm hoặc bố trí ở trong phòng xuống cấp và phòng làm việc của khu vực trường mầm non trên địa bàn xã. Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thời gian qua ngành Giáo dục Nghệ An đã kêu gọi được 1,7 tỷ đồng, hỗ trợ Trường Tiểu học và THCS Nậm Nhoóng xây nhà ở bán trú cho học sinh.

Trao quà hỗ trợ cho trường, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - bày tỏ sự cảm ơn tới 300 trung tâm trên địa bàn đã chung tay, góp sức với ngành hỗ trợ công trình bán trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Đây là món quà có ý nghĩa thiết thực, giúp các em ở trường sớm có điều kiện được học tập và sinh hoạt thuận lợi.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng mong các địa phương, đơn vị, đoàn thể xã hội, nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, đồng hành với ngành để chăm lo cho các trường, học sinh vùng cao, đặc biệt khó khăn trong năm học 2023 - 2024.

“Cận kề ngày khai giảng, giáo viên sẽ đến từng thôn, làng để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Thế nhưng những món quà hỗ trợ đầu năm học hay một số hoạt động ngoại khóa, văn nghệ sẽ thu hút học sinh đến trường hơn”, thầy Đoàn Văn Thoài - Hiệu trưởng Trường THCS Đắk Ruồng (huyện Kon Rẫy) tâm sự.

Nguyễn Dung - Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngay-hoi-cua-toan-dan-post652964.html