Ngày chiến thắng trở về - Những ký ức không thể nào quên

Thực hiện Hiệp định Paris, 51 năm về trước, tại bờ Bắc sông Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị đã diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng, đó là cuộc trao trả tù binh - tù chính trị yêu nước về với cách mạng, về với quê hương. 51 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của những người tù chính trị yêu nước trở về năm ấy vẫn không thể nào quên những cảm xúc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Bởi đối với họ, ngày trở về năm ấy chính là ngày họ được hồi sinh.

Ông Lê Minh Đức, Khu phố 1, Phường 2, thị xã Quảng Trị - tù chính trị Côn Đảo, Phú Quốc chia sẻ những ký ức về ngày được trao trả trở về với quê hương -Ảnh: N.L

Nhắc lại những ký ức 51 năm về trước, ngày được trao trả về với cách mạng, với quê hương, gia đình, ông Lê Minh Đức, Khu phố 1, Phường 2, thị xã Quảng Trị từng là tù chính trị Côn Đảo, Phú Quốc vẫn không kìm nén được sự xúc động, bồi hồi. Ông Đức chia sẻ: “Tôi được trao trả về vào khoảng 9 giờ, ngày 19/2/1973. Địch chở tôi cùng các đồng chí, đồng đội từ Phú Quốc về sân bay Huế, rồi đưa chúng tôi lên xe ô tô chở đi.

Lúc đó, chúng tôi cũng không biết được chở đi đâu, tưởng đưa về Nam Bộ. Chỉ khi xe dừng lại bên này sông, nhìn qua bên kia sông thấy cờ Tổ quốc tung bay, thì lúc đó, chúng tôi mới vỡ òa vui sướng là biết mình được sống rồi, được về với Đảng, với Nhân dân rồi. Tôi cùng các đồng đội được cano chở qua bên kia sông.

Khi gần tới bờ bên kia, thấy bộ đội địa phương và Nhân dân đứng đợi đón chúng tôi rất đông, nhiều đồng đội của tôi không kìm nén được cảm xúc đã nhảy xuống sông, chạy ùa vào với quân, dân. Tôi thì sức khỏe yếu, nên được dìu xuống, đưa vào bờ. Lúc bên mình kêu tên để nhận người, chúng tôi không thể tả được cảm xúc của mình nữa...”.

5 năm bị giam ở nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, ông Nguyễn Thanh Minh trú ở Khu phố 4, Phường 2, thị xã Quảng Trị và phần lớn các đồng chí, đồng đội của ông không nghĩ sẽ có ngày được trở về với quê hương, với gia đình. C

hính vì vậy, “Ngày trở về” tại bờ Bắc sông Thạch Hãn năm 1973 là ngày không thể quên đối với ông Minh cũng như với mỗi người tù chính trị năm ấy.

Ông Nguyễn Thanh Minh chia sẻ: “Lúc chúng tôi được đưa lên máy bay để di chuyển đi thì tôi cũng như các đồng đội không nghĩ là được đi trao trả về đâu, vì sợ là bị đưa đi thủ tiêu. Chỉ khi ra tới bên này sông, nhìn sang bên kia sông thấy bộ đội và dân ta rất đông, thấy cờ Giải phóng tung bay, lúc đó chúng tôi mới xác định được sống, được trở về”.

Thực hiện Điều III, Nghị định thư về trao trả nhân viên quân sự và nhân viên dân sự của Hiệp định Paris, các cuộc trao trả tù binh - tù chính trị giữa ta và đối phương được triển khai từ tháng 2/1973, tại nhiều địa điểm khác nhau, trong đó hai địa điểm trao trả lớn nhất là sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) và sân bay Lộc Ninh (nay thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ, song song với chủ trương chống quân địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng, ta khẩn trương tổ chức lực lượng bảo đảm chuẩn bị địa điểm, cơ sở vật chất, hậu cần để trao trả tù binh địch và nhận lực lượng tù chính trị yêu nước của ta. Bờ Bắc sông Thạch Hãn là địa điểm được chọn trao trả nằm trong vùng giải phóng của ta, nên phía ta chuẩn bị lán trại làm việc cho cả 4 phái đoàn. Trung tá Lương Chí Hiền, nguyên chính trị viên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định cử làm Trưởng tiểu ban trao trả tù binh ngụy và đón nhận tù chính trị yêu nước của ta chiến thắng trở về. 51 năm đã trôi qua, dù đã tuổi cao sức yếu, nhưng ký ức về cuộc trao trả tù binh năm 1973 vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Lương Chí Hiền.

Ông Hiền xúc động nói: “Khi tôi được phân công nhiệm vụ làm Trưởng tiểu ban trao trả tù binh, chúng tôi đã tập hợp lại và tiến hành trao trả khoảng gần 5.000 tù binh địch. Quá trình trao trả diễn ra trong 3 tháng và đã thực hiện thành công tốt đẹp. Tù binh địch khi ta trao trả được trang bị quần áo mới, valy, mũ, túi xách và các loại quà lưu niệm, nên họ rất cảm kích và biết ơn cách mạng. Quá trình trao trả có tiến hành tổng kết để rút kinh nghiệm và được đánh giá tỉnh Quảng Trị làm tốt công tác trao trả tù binh”.

51 năm sau sự kiện trao trả tù binh - tù chính trị giữa ta và đối phương đã đi vào lịch sử quê hương, lịch sử của dân tộc như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, đất nước. Sự trở về của các cán bộ, chiến sĩ - những người tù chính trị trong ngày chiến thắng cách đây 51 năm là di sản tinh thần cách mạng của lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên trung, quả cảm và ý chí quyết thắng của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam, là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Ngọc Lan

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/ngay-chien-thang-tro-ve-nhung-ky-uc-khong-the-nao-quen/183079.htm