Ngày 22-12 và chuyện về những cái tên trong gia đình người lính...

Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân 22-12 năm nay có vẻ như lẫn trong không khí của ngày lễ Noel. Trong khí lạnh của Hà Nội những ngày cuối năm là mẩu chuyện về những cái tên trong gia đình người lính...

Tác giả Nguyễn Phước Thắng lúc còn nhỏ, với người cha có tên là Nguyễn Thắng

Người con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh vào đầu thập niên 50 của thế kỷ 20 được Đại tướng đặt tên là Hòa Bình. Đó là khát vọng của ông và của cả dân tộc Việt Nam khi ấy. Hòa Bình là quý giá nhất, không ai lựa chọn chiến tranh, đổ máu và hy sinh... Các con sau của Đại tướng lần lượt tên là Điện Biên, Hạnh Phúc...

Thập niên 50 của thế kỷ 20 ở miền Bắc có nhiều cô chú tên là Nhất. Vâng, Nhất ở đây không phải là số 1, không phải là đỉnh cao hay gì cả. Thầy giáo dạy toán của chúng tôi thời cấp 3 tên cũng mang một cái tên như thế: Lê Thống Nhất.

Nhất ở đây viết đầy đủ là Thống Nhất, đó là biểu hiện khát vọng thống nhất của cả dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Khát vọng mà phải đi mất 21 năm từ khi những cô chú tên là Thống Nhất ra đời, cho đến 1975 khi con của các cô chú ra đời, đất nước mới thật sự Thống Nhất.

Gia đình tôi là một gia đình bộ đội. Khi khai lý lịch, tôi đã khai thành phần gia đình là bộ đội. Ông nội, ông ngoại, bố đẻ, mẹ đẻ và a chị e ruột của bố mẹ tôi đa số đều là bộ đội. Và vì là con nhà lính nên mang những cái tên rất lính, đó là Chiến, Thắng, Quang, Vinh...

Và khi tôi ra đời, bản thân tôi cũng mang tên của một gia đình người lính: Thắng. Và có lẽ trên đất nước Việt Nam này, đa số những người mang tên là Thắng đều là con của một gia đình bộ đội.

Có những câu chuyện về bạn của tôi, năm nào vào dịp này tôi cũng kể. Đó là người bạn thân của tôi, khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới nổ ra hết sức ác liệt, mẹ bạn tôi mang thai. Thời kỳ đó chưa có công nghệ siêu âm hiện đại như bây giờ, bố mẹ bạn tôi chỉ biết là đang mang thai...

Ông Quách Đại Hải (thứ 2 từ trái sang) và vợ (người cầm nón) đặt tên con là Quách Biên Cương

Người chồng là bộ đội chia tay người vợ là giáo viên lên biên giới đánh giặc. Trước khi đi chỉ dặn lại một câu, anh ra đi có thể hy sinh mà chưa biết mặt con, em ở nhà nếu đẻ con trai thì đặt tên là Biên Cương, đẻ con gái đặt tên là Biên Thùy.

Thế là tôi có một người bạn tên là Biên Cương. Tên đầy đủ là Quách Biên Cương.

Một người bạn thân nữa của tôi cũng có bố là bộ đội chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Và mẹ bạn tôi thời điểm đó cũng mang thai, rồi sinh nở khi không có chồng bên cạnh. Nỗi nhớ người chồng - người chiến sỹ đã được mẹ bạn tôi đặt vào tên con mình, Hoài Anh, có nghĩa là nhớ về anh.

Đó là những cái tên tiêu biểu mà tôi biết, tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử, một giai đoạn mà chúng ta sẽ mãi mãi không quên.

Người cha Quách Đại Hải trong 1 lần từ chiến trường biên giới về phép thăm con trai Quách Biên Cương

Thế hệ con của chúng tôi sinh ra và đi học với những cái tên rất đẹp, dài đến 4 chữ, có khi 5, 6 chữ. Các con tên là Bảo Khánh, Ngọc Bảo, Bảo Ngọc, Đức Minh, Quỳnh Anh, Minh Khuê... cùng nhiều cái tên rất đẹp khác. Những cái tên của hòa bình, của cuộc sống ấm no, tươi đẹp, của khát vọng đổi đời, "tên đẹp gắn liền với số mệnh đẹp"...

Cô gái được mẹ đặt tên là Hoài Anh, với ý nghĩa nhớ về anh trong bài viết. Hiện nay Hoài Anh là Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Hàng không Việt Nam

Lớp của con chúng tôi hầu như không có những cái tên như Điện Biên, Biên Cương, Thống Nhất... Cũng hầu như ít ai còn đặt cho con mình tên là Thắng. Còn cái tên Hoài Anh thì là do đôi lứa thương nhớ nhau những buổi chiều đi xem phim, đi ăn kem Hồ Tây hay đi du lịch Đà Lạt chứ không phải là thương nhớ chồng đi chiến trường xa nữa.

Những cái tên thế hệ cha chú chúng tôi và chúng tôi đang mang tuy không màu mè, văn vẻ, nhưng chúng tôi tự hào được mang cái tên của gia đình người lính, do cha mẹ lính của mình đặt cho và luôn nỗ lực sống xứng đáng với cái tên ấy...

Nguyễn Phước Thắng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/ngay-2212-va-chuyen-ve-nhung-cai-ten-trong-gia-dinh-nguoi-linh/752209.antd