Nga có quá phiêu lưu khi phát triển máy bay đánh chặn vệ tinh?

Với tốc độ tới Mach 5, máy bay chiến đấu đánh chặn thế hệ mới MiG-41 của Nga có thể đánh chặn vệ tinh và cả tên lửa đạn đạo.

Tờ Eurasian Times của Ấn Độ có bài viết cho rằng, MiG-41 của Nga là máy bay chiến đấu tiên tiến, có thể bay ở ranh giới khí quyển và tốc độ tới Mach 5. Đồng thời, MiG-41 còn có chế độ không người lái và có thể mang theo vũ khí siêu thanh, vũ khí chống vệ tinh.

MiG-41 là máy bay chiến đấu được Nga thiết kế và sản xuất nhằm thay thế MiG-31 và MiG-25 sắp hết thời hạn phục vụ. Ngay từ năm 2021, Nga đã tuyên bố MiG-41 sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023. Nhưng vào ngày hôm nay, khi năm 2023 đã trôi qua và truyền thông Ấn Độ cho rằng, Nga không thể hoàn thành việc nghiên cứu và sản xuất MiG-41.

Đánh giá từ góc độ nhiệm vụ của MiG-41, chiếc tiêm kích này rất kỳ lạ. Đó là kế hoạch PAK-DP (Hệ thống đánh chặn tầm xa trong tương lai) do Công ty Mikoyan đề xuất và được sử dụng để thay thế các máy bay chiến đấu cũ MiG-31 và MiG-25.

Bắt đầu từ máy bay chiến đấu thế hệ 4, tất cả các nước trên thế giới đều không còn phát triển máy bay đánh chặn chuyên dùng (ngoại trừ Liên Xô). Nói cách khác, MiG-31 đã là máy bay đánh chặn tiên tiến nhất thế giới và nhiệm vụ chính của nó là đánh chặn máy bay ném bom và máy bay trinh sát tầm cao cỡ lớn của Mỹ.

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ quân sự, phương thức ném bom chính của máy bay ném bom, đã thay đổi từ ném bom rải thảm, sang phóng tên lửa hành trình tầm xa từ ngoài khu vực phòng thủ. Còn máy bay trinh sát tầm cao cỡ lớn, cũng được thay thế bằng vệ tinh trinh sát.

Hiện tại, hầu hết các máy bay MiG-31 trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đều đảm nhiệm nhiệm vụ trinh sát chiến thuật, một mặt là do bản thân Nga thiếu các phương tiện trinh sát chiến thuật, mặt khác MiG-31 có tốc độ nhanh và bay cao.

Bắt đầu từ thế hệ máy bay chiến đấu thứ 4, các nước đã bắt đầu phát triển theo hướng máy bay chiến đấu đa chức năng. Máy bay chiến đấu đa nhiệm đã đảm nhận một số chức năng của máy bay đánh chặn ở một mức độ nhất định.

Cùng với đó là các chức năng khác của máy bay đánh chặn đã được thay thế bằng hệ thống phòng không mặt đất tầm xa, hoặc đã có những thay đổi lớn về mục tiêu chiến đấu mà không cần máy bay chiến đấu. Vì vậy, phi đội của nhiều cường quốc hàng không, không có chỗ cho máy bay đánh chặn ở giữa.

Trên thực tế, không phải Nga không biết rằng máy bay chiến đấu đa năng có thể đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn, bởi tiêm kích Su-27 nổi tiếng từng là máy bay đánh chặn khi dự án mới được thành lập; nhưng sau đó Su-27 đã dần phát triển thành máy bay chiến đấu đa năng. Nhưng vẫn không hiểu tại sao Nga vẫn cần máy bay đánh chặn.

Trong lý luận quân sự của Nga, MiG-41 là "siêu chiến đấu cơ" có thể bay trong không gian gần ở độ cao trên 40.000 m, có tốc độ bay Mach 4-5 và tốc độ bay tối đa Mach 6. Nga cũng có kế hoạch trang bị cho MiG-41 vũ khí laser và tên lửa chống vệ tinh để mang lại khả năng chống vệ tinh.

Có thể thấy, Nga đã thiết kế MiG-41 với khả năng đánh chặn vệ tinh và trang bị cho nó những vũ khí chống vệ tinh. Có thể những lo ngại về hệ thống vệ tinh của phương Tây khiến Nga có thể phát triển tên lửa đánh chặn cũng như máy bay đánh chặn vệ tinh.

Như đã đề cập ở trên, nhiệm vụ của máy bay đánh chặn là máy bay ném bom lớn và máy bay trinh sát tầm cao. Ngày nay, nhiệm vụ này được đảm nhận bởi các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tầm xa trên mặt đất. Còn máy bay trinh sát tầm cao cũng đã được thay thế bằng vệ tinh, nên chống vệ tinh là lý do duy nhất để MiG-41 tồn tại.

Tuy nhiên, xét theo sự phát triển của các cường quốc quân sự khác trên thế giới, việc sử dụng máy bay cho các nhiệm vụ chống vệ tinh không phải là hướng phát triển chính, mà nhiệm vụ của nó có thể thay thế bằng tên lửa đánh chặn.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tên lửa, công nghệ radar và máy tính điện tử công suất lớn, ngày nay việc sử dụng tên lửa tấn công vệ tinh về mặt kỹ thuật đơn giản và hiệu quả hơn. Nga cũng là quốc gia có khả năng đánh chặn vệ tinh hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, xét từ sức mạnh quốc gia hiện tại và hệ thống công nghiệp quốc phòng của Nga, Nga thực sự không thể hoàn thành việc sản xuất loại chiến đấu cơ phức tạp như vậy. Kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, Nga mới chỉ hoàn thành việc phát triển Su-57.

Mặc dù vậy, Su-57 đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào năm 2010, nhưng vào năm 2021, mẫu sản xuất hàng loạt đầu tiên mới được bàn giao và tiến độ của nó được mô tả là rất chậm. Điều này cũng phản ánh sự tụt hậu rất lớn của ngành công nghiệp hàng không Nga hiện nay.

Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, ngành hàng không Nga vẫn chưa phát triển thành công loại máy bay chiến đấu có khả năng tàng hình và hành trình siêu âm. Ngày nay, việc trực tiếp chế tạo một siêu máy bay chiến đấu Mach 5-6 có thể bay trong không gian thực sự là quá khả năng thực tiễn.

Loại máy bay chiến đấu có độ cao và tốc độ cao vượt quá lẽ thường này cần phải vượt qua rất nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, ví dụ như khi máy bay bay ở độ cao với tốc độ cao, thân máy bị biến dạng do áp suất khí quyển, lực ma sát giữa máy bay và không khí. Đây rõ ràng là thách thức đối với ngành hàng không Nga ngày nay.

Theo các nhà phân tích quốc tế, Nga không nên theo đuổi dự án MiG-41, bất kể nhiệm vụ mà nó đảm nhận hay tính khả thi về mặt kỹ thuật của nó. Đánh giá khách quan, dự án này thậm chí không thể vượt qua được nghiên cứu khả thi.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-co-qua-phieu-luu-khi-phat-trien-may-bay-danh-chan-ve-tinh-1938663.html