Nền kinh tế sức mua thấp (kỳ 2): Nhiều ngành hàng chịu ảnh hưởng

Việc người dân cắt giảm chi tiêu tạo sức ép lớn đến các doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng. Để kích thích sức mua, tìm kiếm cơ hội phục hồi thì việc tái cấu trúc chiến lược được xem điều bắt buộc với doanh nghiệp.

Hoạt động bán lẻ kém sôi động trong năm 2023, nhiều mặt bằng bỏ trống, người tiêu dùng giảm chi tiêu. Ảnh: L.Vũ

Doanh nghiệp niêm yết chịu ảnh hưởng lớn

Doanh thu nhiều doanh nghiệp niêm yết năm 2023 đã suy giảm đáng kể, đặc biệt ở nhóm tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, chuỗi sản phẩm điện thoại, điện máy suy giảm 20-25% so với cùng kỳ, trong khi mức tiêu thụ trang sức giảm 10%.

Tại doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành Thế giới di động (MWG), doanh thu hợp nhất giảm hơn 11%. Cụ thể hơn, doanh thu chuỗi Điện Máy Xanh và TGDĐ giảm 20,1%, trong khi Bách Hóa Xanh tăng 17%. Các mặt hàng khác tăng hơn 30% (bao gồm chuỗi thuốc An Khang). Lợi nhuận của doanh nghiệp này còn giảm mạnh hơn, lên đến 96%.

Trong khi đó, FPT Retail (FRT), đối thủ của MWG, lại ghi nhận doanh thu hợp nhất lại tăng 5,5% trong năm 2023, (chủ yếu đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại ở mức âm 329 tỉ đồng (trong khi năm 2022 lãi 398 tỉ đồng).

Một doanh nghiệp phân phối lớn khác là Công ty cổ phần Digiworld (DWG) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 15% và gần 47% trong năm ngoái, lần lượt hoàn thành 94% và 89% kế hoạch.

Cùng bối cảnh này, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ – sản xuất tiêu dùng Masan ghi nhận doanh thu chỉ tăng nhẹ, dù lợi nhuận hợp nhất tăng mạnh.

Theo báo cáo đầu tháng 2, hệ thống siêu thị WinCommerce (WCM) của tập đoàn này ghi nhận doanh thu đạt 30.054 tỉ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ. Còn công ty sản xuất hàng tiêu dùng MCH ghi nhận doanh thu tăng 3,4%. Hệ thống trà và cà phê Phúc Long cũng giảm 2,8% doanh thu thuần.

Thực phẩm tươi sống vẫn là mặt hàng được tiêu thụ tốt tại các hệ thống siêu thị. Ảnh minh họa: DNCC.

Một trong những lý do khiến doanh số suy giảm là không chỉ vì ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế thu nhập, mà còn các điều kiện kinh tế khác khi lượng tín dụng tiêu dùng cũng suy giảm, đặc biệt là ở các công ty tài chính tiêu dùng.

Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2023 (chưa kiểm toán) của VPBank, công ty tài chính tiêu dùng đầu ngành FE Credit vẫn gặp khó ở phân khúc cho vay tiêu dùng khi phần lớn chi phí tập trung để xử lý nợ xấu trong năm ngoái. Nhưng ngược lại, ngân hàng mẹ vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mảng cho vay tiêu dùng thông qua thẻ tín dụng.

Theo Công ty chứng khoán SSI, tín dụng các công ty tài chính tiêu dùng tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2023 vì hoạt động thu hồi nợ chịu kiểm soát chặt, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh do tình trạng thất nghiệp tăng. Tuy nhiên, điểm tích cực là các công ty tài chính tiêu dùng vào nửa cuối năm đã có cơ sở hoạt động mạnh hơn sau quá trình tái cấu trúc.

Sự khó khăn của các tập đoàn bán lẻ, tiêu dùng cũng thấy rõ khi nhìn vào giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán, trong đó có không ít cổ phiếu bán lẻ vốn hóa lớn bị khối ngoại bán mạnh liên tiếp trong năm. Theo báo cáo của SSI, cổ phiếu bán lẻ năm 2023 tăng 10%, vẫn thấp hơn mức 12% của chỉ số VN-Index.

Trong khi đó, mặt bằng bán lẻ tại các quận trung tâm TPHCM vẫn bỏ trống khá nhiều. Ảnh chụp tại thời điểm tháng 2-2024: L.Vũ.

Tìm cơ hội phục hồi

Trong bối cảnh sức mua người tiêu dùng suy giảm, nhiều doanh nghiệp cũng đồng thời điều chỉnh chiến lược, trong đó tập trung vào câu chuyện sản phẩm và tái cấu trúc kênh phân phối.

Tại Thế giới Di Động, doanh nghiệp điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của Bách Hóa Xanh bằng cách tăng sản phẩm tươi sống có thương hiệu, tăng lượng rau quả ở khu vực thành thị, nhập khẩu trái cây nhiều hơn ở khu vực nông thôn.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán MBS, chiến lược này đã giúp chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh lấy thêm doanh số đáng kể. Lượng mua hàng các sản phẩm mặt hàng tươi sống tăng 35-40% so với cùng kỳ, từ đó giúp doanh thu trên mỗi cửa hàng liên tục ghi nhận tăng trưởng dương.

Một điểm chung nhận thấy ở nhóm cổ phiếu bán lẻ là một số lĩnh vực “cứu” cho cả tập đoàn, thay vì cạnh tranh khốc liệt ở mảng hàng hóa không thiết yếu.

Chẳng hạn, ở MWG là trường hợp Bách Hóa Xanh, còn ở FRT là doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu (nhưng lợi nhuận giảm do mở nhanh hệ thống), hay DWG là nhờ sáp nhập một số mảng kinh doanh mới vào cuối năm (như sản phẩm bảo hộ thiết bị lao động, các loại nước giải khát).

Về việc tái cấu trúc kênh phân phối, thị trường ghi nhận nhiều chuỗi giảm tốc độ mở mới vì chi phí vốn tăng cao, nhưng cũng có những chuỗi lại được đẩy nhanh để giành thị phần, theo SSI.

Chẳng hạn, MWG tiếp tục đóng cửa 206 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh được cho là không hiệu quả, tính đến cuối năm 2023. Chuỗi Bách Hóa Xanh cũng được tái cấu trúc với số lượng giảm khoảng 30 cửa hàng so với cuối năm trước đó. Kế hoạch kỳ vọng năm 2024 sẽ là tiếp tục tăng quy mô số lượng ở mảng tiêu dùng thiết yếu, bao gồm cả thực phẩm và dược phẩm.

Tương tự, hệ sinh thái bán lẻ của Masan cũng tiếp tục có năm “bận rộn” với mô hình bán lẻ, vì “đi tìm” mô hình phù hợp cho người dùng ở khu vực nông thôn và thành thị.

Đại diện Masan cho biết trong năm ngoái, WCM mở mới 312 cửa hàng WinMart+, cải tạo 309 cửa hàng WIN và 1.100 cửa hàng ở khu vực nông thôn trong nửa cuối năm 2023 (đều vượt xa kế hoạch ban đầu). Kết quả năm 2023, WCM có tổng cộng 1.615 cửa hàng được nâng cấp, chiếm 46% mạng lưới cửa hàng tiện lợi.

WCM đặt kỳ vọng doanh thu thuần năm 2024 sẽ tăng trưởng khoảng 8-13%. Tương tự, là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Theo đó, mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc gia đình, cá nhân.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa thiết yếu nhiều hơn khi thu nhập hộ gia đình giảm mạnh. Ảnh minh họa: L.Vũ.

Ở mảng cho vay tiêu dùng, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi đầu tháng 2, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho biết FE Credit đã có sự chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm ngoái vì không còn lỗ nữa. Đây là kết quả sau khi doanh nghiệp tái cấu trúc, kiểm soát và lành mạnh hóa các khoản vay, công tác quản trị điều hành.

Theo đó, FE Credit dự kiến sẽ trở lại đẩy mạnh cho vay sau khoảng thời gian hạn chế vừa qua. “Khi thị trường hồi phục trở lại, FE Credit cũng kỳ vọng tăng trưởng trở lại và đóng góp tích cực vào hoạt động kinh doanh của tập đoàn”, bà Thảo cập nhật tình hình.

Theo SSI, sự hồi phục của cổ phiếu bán lẻ đang cho thấy tín hiệu lợi nhuận của ngành chạm đáy trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, quá trình phục hồi vẫn còn nhiều thách thức do thu nhập hộ gia đình yếu và quá trình “giải phóng” hàng tồn kho kéo dài hơn dự kiến.

Báo cáo kinh tế mới đây của Công ty quản lý quỹ VinaCapital kỳ vọng sự hồi phục kinh tế trên diện rộng (từ xuất khẩu, sản xuất và tiêu dùng) sẽ thúc đẩy lợi nhuận của các công ty bán lẻ niêm yết, từ mức giảm 33% trong năm 2023 lên mức tăng 50% trong 2024.

“Việc sử dụng lao động trong ngành sản xuất đã hồi phục sau đợt cắt giảm năm ngoái, vì vậy tiêu dùng sẽ có thể được thúc đẩy khi các nhà máy tuyển thêm nhân công trong những tháng tới”, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital bình luận.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nen-kinh-te-suc-mua-thap-ky-2-nhieu-nganh-hang-chiu-anh-huong/