Lộc Trời nợ tiền mua lúa của nông dân

Lộc Trời cho biết tính đến ngày 1/5 chỉ còn nợ nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long 472 tỷ đồng, tương ứng khoảng 19% tổng giá trị lúa mua trong vụ Đông Xuân năm nay.

Theo báo cáo mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, Tập đoàn Lộc Trời còn nợ 245 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2023-2024.

Chia sẻ với Tri thức - Znews chiều 8/5, đại diện CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) cho biết trong vụ Đông Xuân năm nay, doanh nghiệp đã thu mua lúa của nông dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng giá trị trên 2.500 tỷ đồng, trong đó riêng An Giang là 440 tỷ đồng.

Đến thời điểm ngày 1/5, doanh nghiệp đã trả phần lớn tiền mua lúa của nông dân An Giang, còn nợ 176 tỷ đồng. Với toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Lộc Trời đã thanh toán tổng cộng hơn 2.000 tỷ đồng, hiện số nợ còn lại 472 tỷ đồng, tương ứng khoảng 19% tổng giá trị thu mua vụ vừa qua.

Lý giải về tình trạng nợ này, Lộc Trời cho hay công ty chưa thu xếp kịp dòng tiền từ vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, các khách hàng quốc tế cũng chậm thanh toán do hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng khi giá gạo biến động mạnh.

"Lỗi của chúng tôi là không tính trước các phương án nguồn tiền khác. Hiện chúng tôi đang làm việc với một số ngân hàng, đồng thời đẩy mạnh đơn hàng và tích cực trao đổi với các đối tác để thu hồi thanh toán sớm, cố gắng trả bớt qua mỗi tuần cho nông dân", đại diện Lộc Trời nói.

Cụ thể, doanh nghiệp đang tích cực bán lúa, gạo trong kho, chấp nhận bán giá thấp để có tiền thanh toán sớm cho nông dân. Thậm chí, doanh nghiệp cũng sẵn sàng bán lúa khô lại cho nông dân hoặc hoàn trả lúa đã sấy khô cho nông dân không tính chi phí lưu kho.

Đồng thời, Lộc Trời đang đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo, đặc biệt hoàn thành sớm hợp đồng xuất khẩu cho thị trường Indonesia và Philippines. Tính đến ngày 25/4, doanh nghiệp đã xuất gần 88.000 tấn, trị giá trên 57 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) và đang có kế hoạch giao tiếp gần 70.000 tấn trong tháng 5 và tháng 6.

Đối với các ngân hàng, tập đoàn nông nghiệp này cho hay đang đẩy nhanh tiến độ vay vốn, trong đó hoàn tất các bước cuối cùng để ký hợp đồng với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO) để giải ngân vào cuối quý II với khoản vay trị giá 90 triệu USD, tương đương 2.200 tỷ đồng.

Cùng với đó, Lộc Trời cũng cho biết đang thuyết phục các ngân hàng hợp tác đảm bảo dòng tiền thanh toán cho nông dân. "Lộc Trời thu xếp nhận nợ hoặc bảo lãnh cho các khoản vay của nông dân, hợp tác xã để ngân hàng chấp nhận giãn tiến độ thanh toán cho nông dân, hợp tác xã", doanh nghiệp chia sẻ.

Doanh nghiệp này cũng cam kết trả lãi suất 0,8%/tháng (tức 9,6%/năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở về sau và mỗi tuần trả một phần nợ để dứt điểm đến ngày 20/5. Trong trường hợp nông dân, hợp tác xã có nguyện vọng muốn trao đổi trực tiếp, doanh nghiệp sẽ bố trí nhân viên tiếp tại các nhà máy, trụ sở, văn phòng của tập đoàn.

Về hoạt động kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm nay, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh 57% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 3.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng hơn 65%, chiếm hơn 3.600 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt 245 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng hơn 28%, với phần lớn là chi phí lãi vay cùng khoản lỗ tỷ giá hối đoái đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn.

Kết quả, Lộc Trời lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng so với khoản lỗ 81 tỷ ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản Lộc Trời đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 78% về còn hơn 105 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 43%, đạt hơn 2.800 tỷ đồng.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/loc-troi-no-tien-mua-lua-cua-nong-dan-post1474363.html