Nắng nóng, khô hạn, Tây Nguyên đang quá 'khát' những cơn mưa

Tây Nguyên đang trong giai đoạn mùa khô năm 2024 nên thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài làm cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ, lẫn nguồn nước tưới cho cây trồng đang diễn ra, gây hạn hán xảy ra trên diện rộng. Người dân nơi đây cần lắm những cơn mưa để chống lại cái nắng nóng, hạn hán.

Vườn cà phê đang héo vì thiếu nước tưới.

Thiếu nước vì nắng nóng kéo dài

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 858 công trình thủy lợi trong đó có 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm, số liệu của Chi cục Thủy lợi tổng hợp có 445/619 hồ chứa, đến nay có 44 hồ đã cạn nước; 139 hồ có dung tích hiện tại dưới 50%; 135 hồ có dung tích hiện tại còn từ 50% đến dưới 70%;

127 hồ có dung tích hiện tại còn trên 70%, theo báo cáo của 9/15 huyện, thị xã thành phố, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 2.000 héc ta cây trồng có khả năng bị hạn, trong đó lúa 638,7 héc ta, cà phê 1.317,5 héc ta, còn lại các loại cây trồng khác.

Các địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng hạn hán. Dự báo trong thời gian tới nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Đặc biệt, các hồ chứa nhỏ, lượng nước đến gần như bằng không và công trình được đầu tư xây dựng đã lâu nên lòng hồ bị bồi lắng do đó khả năng diện tích tưới của các công trình này bị hạn về cuối vụ là rất lớn, các công trình này tập trung nhiều ở các huyện: Krông Búk, Ea H’leo, Krông Năng, Lắk, Buôn Đôn, Krông Pắc, TX Buôn Hồ.

Mặc dù từ giữa tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra một số đợt mưa dông, nhưng diện mưa còn hẹp nên tình trạng hạn hán, thiếu nước vẫn đang xảy ra trên diện rộng, làm cho hàng nghìn hộ dân ở khu vực nông thôn thiếu nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng.

Cà phê của người dân huyện Krông Búk tỉnh Đắk Lắk đang thiếu nước tưới.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, đến nay Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành 44 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, trong đó 12 công trình khai thác và sử dụng nguồn nước mặt;

32 công trình khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm với tổng công suất thiết kế cung cấp nước sinh hoạt cho 40.620 hộ, trong đó đã kết nối cấp nước cho 33.131 hộ, đạt 81,6% công suất thiết kế, các công trình cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý cơ bản bảo đảm cung cấp nước cho người dân sử dụng.

Tuy nhiên, một số công trình sử dụng giếng khoan mực nước ngầm bị hạ thấp, lưu lượng khai thác giảm nên phải cấp nước luân phiên phục vụ nhân dân

Cụ thể, hiện có 13 công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quan lý đang bị thiếu nguồn nước và phải thực hiện cấp nước luân phiên cho 1.923/8.142 hộ.

Riêng tại tỉnh Kon Tum, dự báo 3 tháng tới có nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước trên diện rộng. Đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới ở TP Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Nam Đăk Glei, tỉnh này tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là 1.777ha, gồm 783ha lúa và 994ha cà phê.

Cây cà phê héo vì thời tiết nắng nóng kéo dài không đủ nước tưới.

Khẩn trương triển khai các biện pháp chống hạn

Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, các địa phương đang triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn.Tiếp đó UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động các hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác;

Vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước.

Tiếp đó: Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết, trước những tác động, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được tỉnh Đắk Nông đưa vào các chương trình, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn.

Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các bước cơ bản về chuẩn bị, ứng phó và phục hồi đối với một số loại hình thiên tai thường gặp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nhất là hạn hán, bão lụt.

Công tác ứng phó thiên tai được UBND tỉnh Đắk Nông tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, chú trọng các giải pháp chủ động, linh hoạt, khẩn trương theo phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng", đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác phòng, chống thiên tai cho các địa phương.

Tuy nhiên, hiệu quả nhất trong phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, mùa màng vẫn là sự chủ động, linh hoạt, sẵn sàng của người dân. Điển hình như hạn hán năm nay, những gia đình nào có sự chủ động về nguồn nước tưới, thay đổi về cách thức sản xuất... đều giảm thiểu được thiệt hại.

Hiện nay tình hình thời tiết đang vào giai đoạn cuối của mùa khô năm 2024, trong những ngày tới trời chưa có mưa, thời tiết vẫn nắng nóng gay gắt thì nguồn nước mặt và nước ngầm khai thác cung cấp cho nhân dân sinh hoạt ở khu vực nông thôn sẽ giảm dần, trong khi đó nhu cầu sử dụng nước của nhân dân thì lại tăng cao khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng.

Lê Nhuận

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/nang-nong-kho-han-tay-nguyen-dang-qua-khat-nhung-con-mua-20240513181556686.htm