Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính, giao dịch bất cứ nơi đâu có kết nối internet là những lợi ích của dịch vụ công trực tuyến mang lại. Tuy nhiên, nhiều người dân, doanh nghiệp chưa thật sự hiểu và thực hiện, dẫn đến kết quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh chưa như kỳ vọng.

Người dân chưa "mặn mà" với dịch vụ công trực tuyến

Khảo sát tại một số bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của các huyện, thành phố, nhận thấy số người dân đến nộp hồ sơ làm các thủ tục hành chính (TTHC) khá đông, nhất là quầy giao dịch TTHC lĩnh vực tư pháp; lao động, thương binh và xã hội; tài nguyên và môi trường.

Công dân giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu.

Tại UBND xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, ngay từ sáng sớm, anh Lường Văn Hải, bản Ngà Phát đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để làm khai sinh cho con. Anh Hải nói: Tôi có điện thoại thông minh, được cán bộ hướng dẫn, nhưng để thực hiện các thao tác đăng nhập, khai báo, chụp, đẩy các giấy tờ liên quan vào phần mềm, tôi thấy khó thực hiện vì sợ những thao tác không chính xác. Vì vậy, tôi trực tiếp đến làm thủ tục cho nhanh.

Cũng như anh Hải, nhiều người dân giữ thói quen cầm hồ sơ đến tận nơi giải quyết TTHC. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Mai Sơn, ngày đầu tuần, khá đông người dân đến làm TTHC, trong đó, anh Trần Văn Dũng, Tiểu khu 2, xã Cò Nòi đến nộp giấy tờ đăng ký thành lập hộ kinh doanh; thủ tục này có thể nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng anh Dũng không biết thông tin này.

Anh Trần Văn Dũng chia sẻ: Tôi dùng điện thoại thông minh từ lâu rồi, nhưng chủ yếu để liên lạc, đọc tin tức, còn việc nộp hồ sơ trực tuyến chưa biết đến và chưa thực hiện bao giờ, cứ ra huyện làm cho dễ. Nếu khai báo, nộp hồ sơ qua mạng chẳng may sai sót, không nhận được kết quả thì lỡ việc.

Đông người dân đến làm thủ tục lĩnh vực đất đai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Mai Sơn.

Chị Ngô Hải Hà, thị trấn Hát Lót, cũng đến làm thủ tục cấp phép xây dựng, cho biết: Gần đây, tôi biết việc nộp hồ sơ trực tuyến ở lĩnh vực này và đã thử đăng ký tài khoản để thực hiện. Sau khi đăng nhập, thấy phải kê khai nhiều, thông tin trùng lặp như giấy cam kết cho công trình kế cận, giấy cam kết tháo dỡ, khai báo thông tin về nhà đất dù đã scan gửi lên đầy đủ thông tin nhưng vẫn bắt buộc người dân khai báo, rất phiền hà. Chưa kể đôi lúc lỗi hệ thống, phải làm lại.

Tại xã biên giới Chiềng On của huyện Yên Châu, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến gặp trở ngại. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn của xã, đạt gần 100%, nhưng không có hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được nộp hay hồ sơ được số hóa cũng như hồ sơ được chứng thực bản sao điện tử. Vì thế, hằng ngày, khá đông người đến giao dịch tại trụ sở xã.

Nhân dân xã Chiềng On, huyện Yên Châu trực tiếp đến UBND xã giải quyết TTHC.

Ông Vì Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng On, chia sẻ: Việc số hóa hồ sơ, giấy tờ chưa thực hiện được, do cán bộ, công chức mới được tập huấn và đăng ký chữ ký số. Riêng chứng thực bản sao điện tử chưa phát sinh hồ sơ, do cá nhân, tổ chức không có nhu cầu. Ngoài ra, đường truyền dữ liệu yếu, chỉ đăng ký được tài khoản, không đảm bảo cho việc thực hiện hồ sơ trực tuyến thông suốt.

Thực tế, người dân “lơ là” với dịch vụ công trực tuyến không chỉ diễn ra ở các huyện, ngay ở địa phương đứng đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin - thành phố Sơn La, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng thấp.

Anh Đặng Văn Toàn, phường Tô Hiệu, Thành phố, bộc bạch: Gần 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, thường xuyên phải thực hiện nhiều TTHC liên quan đất đai, tôi luôn chọn đến bộ phận một cửa để thực hiện. Hồ sơ đất đai làm trực tiếp vốn đã phức tạp, nhiều thủ tục, nếu thực hiện trực tuyến, phát sinh thêm vướng mắc, nhất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay các hồ sơ liên quan đến quy hoạch thường là các bản đồ có kích thước lớn, không thể chụp lại để thực hiện các bước tiếp theo, nên rất khó sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đất đai là tài sản lớn, nên cứ phải đến tận nơi, cán bộ hướng dẫn thực hiện các thủ tục, tôi mới an tâm.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thấp so với yêu cầu

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang cung cấp 1.049 dịch vụ công trực tuyến; trong đó 17 dịch vụ công trực tuyến một phần, 1.032 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân biết, sử dụng các dịch vụ này còn khiếm tốn. Thống kê, năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt 2,97%; năm 2021 đạt 4,39%; năm 2022 là 10,7%.

Lĩnh vực tư pháp - hộ tịch luôn có đông công dân trực tiếp đến giao dịch.

Ngại thay đổi, không yên tâm, muốn đến trực tiếp cho nhanh là những lý do người dân chưa muốn tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương chưa hiệu quả; năng lực đội ngũ cán bộ, công chức hạn chế, nhất là cán bộ, công chức cấp xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng về dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với đó, một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà sử dụng dịch vụ công trực tuyến vì thiếu thiết bị. Không phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh, máy tính kết nối Internet và thực hiện TTHC trực tuyến, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Một bộ phận người dân ngại thao tác trên phần mềm, do hạn chế về kỹ năng, trình độ; tâm lý còn lo ngại về an toàn thông tin. Nhiều thủ tục với những quy trình phức tạp, khiến người dân hạn chế sử dụng và giữ thói quen đến cơ quan Nhà nước để cán bộ hướng dẫn…

Hiện nay, nền tảng công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế; các dịch vụ công trực tuyến phải liên thông nhiều trường thông tin, hạ tầng kết nối đồng bộ để có thể truyền tải các tập hồ sơ, tài liệu; việc sử dụng các dịch vụ như chữ ký điện tử, nộp các khoản phí trực tuyến phải được tích hợp, các hồ sơ dữ liệu của nhiều sở, ngành liên quan phải được kết nối, là nguyên nhân tạo ra những rào cản khiến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến gặp khó khăn hoặc chưa thể thực hiện.

Tạo thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngày 16/3/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 380/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC được xử lý trực tuyến cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, với mục tiêu đến hết năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến/tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đạt tối thiểu 50%.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, đảm bảo đạt chỉ tiêu được giao. Đối với các TTHC có phát sinh hồ sơ nhưng chưa được cung cấp ở dịch vụ công trực tuyến, các cơ quan, đơn vị tập trung nguồn lực chuẩn hóa, ứng dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật, đưa tối đa các hoạt động cung cấp dịch vụ công lên môi trường mạng, từ quá trình nộp, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC cho đến trả kết quả người dân, doanh nghiệp.

UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trình độ tiếp cận Internet của người dân tại địa phương, tổ chức giao chỉ tiêu cụ thể cho UBND xã, phường, thị trấn, đảm bảo chỉ tiêu tối thiểu 50% hồ sơ trên địa bàn toàn huyện phát sinh, giải quyết trực tuyến.

Nhân viên Viettel Sơn La hỗ trợ tiểu thương Chợ trung tâm Thành phố cài đặt ứng dụng thanh toán điện tử.

Với chức năng tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý Nhà nước và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về lợi ích dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương, Phó trưởng Phòng Công nghệ thông tin - Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Sở tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các tính năng của Cổng dịch vụ công tỉnh, hệ thống phần mềm một cửa điện tử theo hướng đơn giản, thuận tiện cho người sử dụng; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật mạng lưới trực tuyến đồng bộ, có tính cập nhật cao, an toàn, đáp ứng hoạt động truy xuất thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC.

Công dân thành phố Sơn La tra cứu TTHC qua quét mã QR.

UBND các huyện, thành phố chú trọng rà soát, bổ sung kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận một cửa để hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân nộp hồ sơ trực tuyến; phục vụ nhiệm vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Chỉ đạo cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” thực hiện khuyến cáo không nhận hồ sơ trực tiếp đối với các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản nộp hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ http://dichvucong.sonla.gov.vn và thanh toán lệ phí qua mã QR của các ngân hàng.

Tại các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, lựa chọn TTHC dễ thực hiện, như: Đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp, cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế… để hướng dẫn người dân tiếp cận, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Chiềng On, huyện Yên Châu hướng dẫn nhân dân đăng ký tài khoản trực tuyến.

Ngoài ra, các tổ công nghệ số cộng đồng, điểm bưu điện của các xã, phường, thị trấn, lực lượng cộng tác viên các đơn vị (VNPT, Viettel, Mobifone) phát huy hơn nữa vai trò trong phổ biến, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ người dân thực hiện việc giải quyết TTHC trực tuyến…

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số, hướng đến phục vụ người dân tốt hơn. Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ cần sự nỗ lực của các cấp chính quyền mà mỗi người dân, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, tin tưởng, hiểu rõ lợi ích của dịch vụ công mang lại, mạnh dạn sử dụng các dịch vụ công do cơ quan, đơn vị cung cấp, góp phần đưa tỉnh Sơn La hoàn thành mục tiêu đẩy mạnh cải cách TTHC, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/cai-cach-hanh-chinh/nang-cao-ty-le-su-dung-dich-vu-cong-truc-tuyen-DfErwQe4g.html