Nâng cao sức mạnh của tổ chức Công đoàn

Để thực hiện chủ trương 'ở đâu có doanh nghiệp, ở đó có Công đoàn', nhiệm kỳ 2018 - 2023, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm đề án 'Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên giai đoạn 2021 - 2022'. Đây thực sự là đề án phát huy hiệu quả và cần tiếp tục nhân rộng.

Những con số biết nói

Từ Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021 - 2022”, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã hỗ trợ thành lập 252 CĐCS có từ 25 đoàn viên trở lên với số tiền 252 triệu đồng. Đây là con số được báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh năm 2022 của LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hanwul Vina.

Giai đoạn 2021 - 2022 là giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19. Với 252 CĐCS được thành lập trong bối cảnh này cho thấy thành công của Đề án, cụ thể hơn đó là sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, đúng hướng của LĐLĐ Thành phố, góp phần vào việc nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn qua công tác hỗ trợ phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh khu vực ngoài Nhà nước - khu vực then chốt trong phát triển kinh tế.

Là một trong những đơn vị thực hiện có hiệu quả Đề án này, ngay từ khi có Quyết định số 208/QĐ-LĐLĐ, ngày 31/3/2021 của LĐLĐ Thành phố về hỗ trợ kinh phí thí điểm, LĐLĐ huyện Thanh Trì đã xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động trọng điểm với những giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện. Đặc biệt, LĐLĐ huyện quan tâm xây dựng các mô hình điểm để đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm trong triển khai, nhân rộng; nâng cao công tác tuyên truyền gắn liền với thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-LĐLĐ của Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội (khóa XVI) về "Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước".

Ông Nguyễn Danh Huy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Trì cho biết, LĐLĐ huyện đã ban hành kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đến hết năm 2023; khảo sát phân loại các doanh nghiệp có đủ điều kiện, trọng tâm là các doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên gắn với việc củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các CĐCS. Trong 5 năm qua, cùng với hiệu quả của Đề án thí điểm giai đoạn 2021 - 2022, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra của cả nhiệm kỳ.

Giai đoạn 2021 - 2022, toàn huyện Thanh Trì đã có 7 CĐCS khu vực ngoài Nhà nước có trên 25 đoàn viên được thành lập, nâng tổng số CĐCS khu vực sản xuất kinh doanh lên 178 CĐCS. Trong giai đoạn 2018 - 2023, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS huyện Thanh Trì đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra hàng năm và chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ với con số thành lập mới 83 CĐCS, phát triển mới 3.509 đoàn viên, nâng tổng số CĐCS lên 292 với 13.243 đoàn viên.

Là một đơn vị tích cực trong công tác phát triển đoàn viên, thực hiện Đề án thí điểm giai đoạn 2021 - 2022, LĐLĐ thị xã Sơn Tây đã thành lập được 5 CĐCS khu vực ngoài Nhà nước. Trong 5 năm ( 2018 - 2023) đã thành lập được 14 CĐCS có từ 25 đoàn viên trở lên.

Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sơn Tây Hứa Đức Tuấn cho biết: Trong quá trình thực hiện Đề án, LĐLĐ huyện Sơn Tây đã gắn công tác phát triển đoàn viên với duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS. Coi việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn là giải pháp quan trọng để tập hợp thu hút đoàn viên Công đoàn và thành lập CĐCS.

“Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS khu vực ngoài Nhà nước, LĐLĐ thị xã sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế tạo sự khác biệt về quyền, lợi ích giữa đoàn viên Công đoàn với người lao động (NLĐ) chưa tham gia tổ chức Công đoàn, để tạo động lực thu hút, khuyến khích NLĐ tham gia vào tổ chức Công đoàn.

Đồng thời, chỉ đạo CĐCS đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn, các chính sách phúc lợi của doanh nghiệp cần thương lượng đưa quyền lợi cao hơn của đoàn viên Công đoàn so với NLĐ chưa gia nhập Công đoàn, để đưa vào nội dung Thỏa ước lao động tập thể”, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Sơn Tây nhấn mạnh.

Có thể thấy, các CĐCS doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước được thành lập mới trong giai đoạn 2021 - 2022 xuất hiện ở khắp các quận, huyện, thị xã trên toàn Thành phố, mang lại lợi ích cho hàng nghìn đoàn viên Công đoàn, để NLĐ có một “ngôi nhà chung” sinh hoạt, được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Không để “khoảng trống” ở các địa bàn trọng điểm

Xác định phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ sống còn của tổ chức Công đoàn, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, trong đó có Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021 - 2022”.

Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước được thành lập mới trong giai đoạn 2021 - 2022 xuất hiện ở khắp các quận, huyện, thị xã trên toàn Thành phố, mang lại lợi ích cho hàng nghìn đoàn viên Công đoàn, để NLĐ có một “ngôi nhà chung” sinh hoạt, được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Theo đó, LĐLĐ Thành phố có chế độ, định mức chi hỗ trợ, khuyến khích đối với CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, được thành lập trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2022, căn cứ theo Quyết định thành lập CĐCS.

Tại Nghị quyết của Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội (khóa XVI) về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”, LĐLĐ Thành phố đã nêu rõ quan điểm: Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và chủ động đổi mới toàn diện nội dung và phương thức hoạt động của CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với chủ trương của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước; Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Cùng với đó là mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS phải gắn với nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động của doanh nghiệp. Lấy việc chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ là mục tiêu, nhiệm vụ cốt lõi, trên cơ sở hài hòa về lợi ích.

Phấn đấu mỗi năm thành lập mới ít nhất 400 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; đến năm 2023 phấn đấu có khoảng 680 nghìn đoàn viên Công đoàn; đến năm 2025 phấn đấu toàn Thành phố có khoảng 750 nghìn đoàn viên Công đoàn; hầu hết doanh nghiệp có từ 25 công nhân lao động trở lên thành lập được tổ chức CĐCS. Hàng năm có ít nhất từ 55% CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước xếp loại chất lượng hoạt động từ tốt trở lên.

Để công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đạt được kỳ vọng, LĐLĐ Thành phố cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao kết quả công tác tập hợp đoàn viên, NLĐ. Khẩn trương tận dụng dư địa, lợi thế khác biệt giữa tổ chức Công đoàn với các “Tổ chức đại diện của NLĐ” khác, để nhanh chóng phát triển tổ chức, không để “khoảng trống, khoảng trắng” Công đoàn ở các địa bàn trọng điểm.

Nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, khảo sát, điều tra, dự báo tình hình công nhân lao động và doanh nghiệp hoạt động chưa có CĐCS. Triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên” giai đoạn 2021 - 2022.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-suc-manh-cua-to-chuc-cong-doan-161306.html