Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính trị của Đảng

Công tác tuyên truyền là một bộ phận cấu thành trong công tác tư tưởng của Đảng, là hoạt động nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, làm cho chúng trở thành nhân tố chi phối trong đời sống tinh thần của xã hội. Từ đó, động viên, cổ vũ tính tích cực, tự giác, sáng tạo của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bài 4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính trị của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng hiện nay

Từ nhận thức về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền chính trị sẽ giúp các cấp, các ngành của tỉnh thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính trị của Đảng bộ tỉnh một cách toàn diện. Đồng thời, tỉnh cũng cần có những chủ trương, giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để công tác tuyên truyền ngày càng phát huy hiệu quả.

NÂNG CAO NHẬN THỨC

Nhận thức tầm quan trọng của việc tuyên truyền chính trị trong toàn Đảng bộ là vấn đề quan trọng đầu tiên. Như chúng ta đều biết, nếu như các nghị quyết, kế hoạch, kết luận, chương trình,… của tỉnh đã ban hành mang tính chất phổ biến mà chưa hoặc không được triển khai sẽ khó có thể thực hiện được và tất yếu cũng sẽ rất khó mang lại hiệu quả tốt. Việc tuyên truyền chính trị theo xu hướng hiện nay còn mang lại cho chủ thể tuyên truyền (báo báo viên, tuyên truyền viên,…) và khách thể tuyên truyền (người nghe, xem,…) có điều kiện để giải thích, phân tích làm rõ, so sánh, trao đổi, tương tác, khảo sát, thống kê,… Điều này, chính là sự khác biệt giữa tuyên truyền với việc tự nghiên cứu văn bản. Vì thế, việc nhận thức vai trò quan trọng trong tuyên truyền chính trị đối với các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu các cấp ủy là nhân tố cực kỳ quan trọng. Nếu các cấp, các ngành nhận thức được điều này, sản phẩm mang lại của hiệu quả tuyên truyền chính trị sẽ rất tốt và ngược lại. Có nhận thức tốt, bản thân người đứng đầu các cấp ủy, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ có điều kiện nghiên cứu kỹ các văn bản và sẽ là những báo cáo viên, tuyên truyền viên, từ đó hình thành đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên không chuyên rộng khắp.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ TOÀN DIỆN

Bản chất nội dung của các nghị quyết, kết luận, chương trình, kế hoạch đã mang tính chất chủ trương, quan điểm, nên việc tập trung làm rõ nội dung này phải đảm bảo hàm lượng trí tuệ và tính khoa học cao. Đặc biệt là việc cụ thể hóa nội dung tuyên truyền phải mang tính thiết thực, sát thực tế và kịp thời, phù hợp với các nhóm đối tượng tiếp nhận thông tin. Đặc biệt hơn nữa là đối với các nghị quyết của Trung ương, các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy với tính chất quan trọng cần xác định rõ về nội dung thông tin để phân tích sâu sắc, đánh giá đúng và chỉ rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước; của tỉnh nhằm định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực và đồng thuận.

Kết quả quán triệt, học tập Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". (Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)

Việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính trị cũng cần phải kết hợp giữa nhiều phương pháp, hình thức và phương tiện với nhau trong quá trình tuyên truyền. Ngoài việc tuyên truyền truyền thống cũng cần tạo ra nhiều diễn đàn chính thống để trao đổi, nhận xét, đánh giá khách quan. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Quốc Bảo, xây dựng môi trường công khai, minh bạch thông tin tạo điều kiện cho đối tượng được tham gia thảo luận những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Khi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật được ban hành, công tác tuyên truyền, cổ động cần giải thích, phân tích làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn để ban hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đó. Đồng thời, cần chỉ ra lộ trình và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện để động viên, cổ vũ mọi người hành động hiện thực hóa nó trong đời sống xã hội. Hiện nay, có ba phương thức phối hợp: phối hợp theo chiều dọc (từ trên xuống); phối hợp theo chiều ngang (phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp) và phối hợp chéo (tức là vừa phối hợp theo chiều dọc vừa phối hợp theo chiều ngang). Dù phối hợp theo phương thức nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc: đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng; phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các phương thức thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động; không được chồng chéo, lấn sân và triệt tiêu sức mạnh của nhau.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CHÍ BẢO

Kết hợp phương tiện tuyên truyền truyền thống với các phương tiện tuyên truyền hiện đại. Tận dụng những điểm mạnh của các phương tiện tuyên truyền truyền thống để kết hợp với các phương tiện tuyên truyền hiện đại. Điều quan trọng là nếu kết hợp giữa các phương tiện phù hợp, hiệu quả sẽ khắc phục cơ bản những hạn chế giữa các phương tiện tuyên truyền với nhau.

ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT - TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác tuyên truyền chính trị của tỉnh. Việc đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan, những người làm công tác tuyên truyền chính trị là việc làm cần thiết. Vì hiện nay, nếu trang thiết bị được đầu tư tương đối hiện đại bao gồm phần cứng và phần mềm sẽ giúp ích cho các cơ quan và cá nhân có điều kiện sáng tạo ra những sản phẩm tuyên truyền hấp dẫn, đồng bộ, tương thích với các phương tiện hiện đại. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến việc thường xuyên đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng của người làm công tác tuyên truyền. Vì hiện nay, các sản phẩm tuyên truyền thực hiện theo kiểu truyền thống sẽ ít nhận được lượng xem và chia sẻ trên các trang mạng xã hội hơn là các sản phẩm hiện đại.

Các cơ quan tham mưu, chuyên môn tăng cường quản lý các trang mạng xã hội không chính thống đăng tải những thông tin sai lệch, bình luận xuyên tạc các quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, văn bản của tỉnh. Đồng thời, có những tin, bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, giúp cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức đúng, nâng cao khả năng “miễn dịch” trước thông tin xấu, độc.

Việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng tuyên truyền vừa là lượng hóa chất lượng tuyên truyền nói chung, nhưng cũng đồng thời phát hiện những tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả cho việc tuyên truyền chính trị của tỉnh nhà.

LÂM TẤN HÒA - NGUYỄN VĂN TRIỀU

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo cáo kết quả quán triệt, học tập Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

[2] Hướng dẫn số 108-HD/BTGTW, ngày 20/6/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

[3] Kế hoạch số 70-KH/TU, ngày 23/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về thông tin tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023.

[4] Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ Về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[5] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, Lưu hành nội bộ.

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/nang-cao-hieu-qua-tuyen-truyen-chinh-tri-cua-dang-67347.html