Nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 2/11, tại TP Bắc Giang, Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thảo với chủ đề: Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong điều kiện mới khu vực Đông Bắc năm 2023. Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội thảo.

Đồng chí Y Thông phát biểu khai mạc hội thảo.

Tham dự có đồng chí: Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số cục, vụ của bộ, ngành T.Ư; các nhà nghiên cứu, lãnh đạo Ban Dân tộc, người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và TP Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Y Thông nhấn mạnh, công tác PBGDPL luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp ở các cấp, ngành, địa phương với hình thức đa dạng, phong phú. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2025, trong đó có nội dung về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…Để triển khai hiệu quả, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để tổ chức thực hiện. Tuy vậy bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL trong đồng bào DTTS hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Đồng chí đề nghị, tại hội thảo này, các đại biểu đại diện cho các tỉnh khu vực Đông Bắc, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện người dân trong vùng DTTS tập trung thảo luận, làm rõ những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Cùng đó chủ động nêu ý kiến đề xuất với cơ quan chức năng những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đồng chí Lê Ô Pích phát biểu tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, đồng chí Lê Ô Pích thông tin, Bắc Giang có 45 dân tộc cùng chung sống. Trong đó, đồng bào các DTTS chiếm hơn 14% tổng dân số của toàn tỉnh. Một số dân tộc có dân số đông là: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa… sinh sống tập trung tại 4 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.

Những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, tăng cường củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi giảm bình quân 2,5%/năm. Tuy vậy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; nhiều hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hội thảo do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại Bắc Giang là dịp để lãnh đạo tỉnh, cán bộ, người làm công tác dân tộc của tỉnh Bắc Giang và các tỉnh bạn đánh giá lại công tác PBGDPL trong đồng bào DTTS thời gian qua, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS thời gian tới.

Nhiều ý kiến đại biểu đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trong đồng bào DTTS trong điều kiện mới. Theo Tiến sĩ Cao Minh Công, Trưởng Khoa Lý luận chính trị (Đại học Kiểm sát Hà Nội) cần đặt công tác này dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền. Lựa chọn thôn, bản đặc biệt khó khăn để xây dựng điển hình tuyên truyền, phổ biến chính sách. Phương pháp tuyên truyền cần sinh động, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm phong tục, tập quán của đồng bào, vùng miền. Đặc biệt là quan tâm bảo đảm chế độ chính sách cần thiết cho cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào.

Đối với tỉnh Bắc Giang, đồng chí Nhữ Văn Nam, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở. Bên cạnh nâng cao chất lượng nhân lực, các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân cũng cần quan tâm dành nguồn kinh phí nhất định để trang bị phương tiện, thiết bị thiết yếu phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến chính sách ở cơ sở.

Nhiều đại biểu cùng chung nhận định cán bộ tuyên truyền phải nắm chắc tình hình địa bàn để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL sát thực tiễn. Gắn công tác tuyên truyền chính sách pháp luật cho đồng bào DTTS với việc thực hiện hương ước, quy ước. Thực hiện lồng ghép công tác PBGDPL với các nội dung, hoạt động của chương trình, dự án khác đang triển khai tại địa bàn.

Cùng đó, cần nắm chắc nhu cầu, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS để lựa chọn nội dung, hình thức, thời gian tuyên truyền PBGDPL cho phù hợp từng khu vực, đối tượng. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, qua đó phát huy những mặt mạnh để từ đó xây dựng và nhân rộng những mô hình điển hình, cách làm hay có hiệu quả thiết thực.

Quang cảnh hội thảo.

Các đại biểu cũng đề xuất, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm ưu tiên sử dụng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tham gia thực hiện công tác PBGDPL.

Ủy ban Dân tộc ban hành khung tài liệu tuyên truyền thống nhất trong toàn quốc, trên cơ sở đó giúp Ban Dân tộc các tỉnh biên tập lại phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương. Thường xuyên định hướng công tác tuyên truyền trên kênh thông tin, mạng xã hội. Mở các lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên Ban Dân tộc các tỉnh.

Sáng 3/11, đại biểu tiếp tục các nội dung hội thảo theo chủ đề.

Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/414362/nang-cao-chat-luong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html