Nâng cao chất lượng giáo dục ở các xã vùng khó khăn

Để nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua huyện Cẩm Khê đã tập trung đầu tư nguồn lực cho giáo dục ở các xã vùng khó, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, thu hẹp khoảng cách giáo dục với các xã, thị trấn trong huyện, đóng góp tích cực vào thành tích giáo dục của địa phương.

Những năm gần đây, thành tích giáo dục của huyện Cẩm Khê ngày càng được nâng cao, được thể hiện qua chất lượng giải và số lượng giải có sự tăng trưởng vượt bậc trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 THCS năm học 2022-2023. Huyện tiếp tục xếp thứ hạng cao với 101/135 học sinh tham gia dự thi đoạt giải, trong đó có 7 giải nhất, xếp thứ 3 toàn tỉnh về học sinh đoạt giải nhất. Huyện Cẩm Khê có số học sinh đoạt giải nhiều nhất đứng thứ hai toàn tỉnh sau TP Việt Trì, là huyện có học sinh đoạt giải nhất đứng thứ ba toàn tỉnh. Đặc biệt, hai trường ở vùng kinh tế còn khó khăn, xa trung tâm huyện là trường THCS Ngô Xá và THCS Phượng Vĩ có học sinh đoạt giải nhất trong kỳ thi.

3 học sinh trường THCS Phượng Vỹ đạt giải môn Sinh học trong kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 (THCS) năm học 2022-2023.

Phượng Vỹ là xã có trên 80% dân số là đồng bào công giáo, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Nằm trên địa bàn xã, trường THCS Phượng Vỹ có 655 học sinh (năm học 2022-2023), trong đó 66 học sinh thuộc hộ nghèo và 125 thuộc hộ cận nghèo, với sự quan tâm của huyện, sự cố gắng ủng hộ, hỗ trợ của xã và các bậc phụ huynh, nhà trường đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn mức độ 1 vào tháng 11/2022, đã đáp ứng nhu cơ bản cầu dạy và học. Bên cạnh đó, xác định việc nâng cao chất lượng giáo dục thì phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực, giỏi về nghiệp vụ sư phạm, tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh. Nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo trao đổi về nghiệp vụ, các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy và học, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hai buổi/tuần, phụ đạo học sinh yếu kém ba buổi/tuần, giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dạy online vào buổi tối….

Trường THCS Phượng Vỹ thường xuyên tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và phụ đạo học sinh yếu kém.

Trong kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 THCS năm học 2022-2023, trường THCS Phượng Vỹ có ba giải, trong đó có em Hoàng Thanh Bình, học sinh lớp 9B là một trong ba học sinh đoạt giải nhất môn Sinh học có số điểm cao nhất tỉnh. Thầy Đặng Minh Dự - Giáo viên môn Sinh học, trường THCS Phượng Vỹ chia sẻ: “ Để các em học tốt môn Sinh học, đầu tiên phải giúp các em tìm thấy niềm yêu thích trong môn học. Từ đó, học sinh chủ động hơn, tự tin thể hiện khả năng trong mỗi buổi học. Để khơi dậy hứng thú của học sinh, giáo viên tập trung giảng dạy theo hướng phát huy vai trò trung tâm của người học, thay đổi cách tương tác từ người trình bày sang hỏi đáp, đặt vấn đề để học sinh thảo luận, đi sâu vào bản chất để các em hiểu kỹ, hiểu sâu và không còn sợ môn Sinh học nữa. Bên cạnh phương pháp giảng dạy của giáo viên, không gian học tập phù hợp, các tài liệu học tập, cách thức làm việc nhóm... cũng là đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần và lòng quyết tâm học tập của học sinh.”

Em Nguyễn Thảo Phương, học sinh lớp 9C, trường THCS Ngô Xá đoạt giải Nhất môn Ngữ Văn trong kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 (THCS) năm học 2022-2023.

Đồng chí Bùi Ngọc Luận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Tại các xã khó khăn của huyện, phòng đã tham mưu cho UBND huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; có nhiều giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành và địa phương phát động, như: Cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dạy tốt, học tốt”, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; chăm lo bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, phụ đạo học sinh yếu kém... Bên cạnh đó, ngành chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn thông qua các hội thi nghiệp vụ, hội giảng, tham gia dự giờ, tổ chức viết sáng kiến kinh nghiệm, phong trào thi đua dạy tốt triển khai sâu rộng đến tận các tổ bộ môn. Từ những phong trào, các cuộc vận động, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo có năng lực, phẩm chất, tâm huyết với nghề, huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo điều kiện để học sinh hứng khởi học tập, rèn luyện kỹ năng sống. Việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học luôn được ngành quan tâm. Đến nay, chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn các xã vùng khó tiếp tục được nâng cao; kết quả đánh giá chất lượng bậc tiểu học theo Thông tư 22 hoàn thành đạt 100%,…”

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn huyện nói chung, các xã vùng khó nói riêng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cho các xã vùng khó, xa trung tâm.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/nang-cao-chat-luong-giao-duc-o-cac-xa-vung-kho-khan/191805.htm