Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát cưỡng chế kê biên tài sản thi hành án

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: SỚM MAI

Từ tháng 10/2021 đến nay, thi hành án dân sự hai cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý 25.099 vụ việc và có 19.189 việc đã có quyết định thi hành. Trong đó, có 2.764 vụ việc tự nguyện thi hành án; 16.425 vụ việc phải ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản; 79 vụ việc bán đấu giá thành và tiếp tục thẩm định giá, bán đấu giá tài sản 171 vụ việc. Qua số liệu cho thấy, thi hành án dân sự 2 cấp đã có nhiều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, xử lý nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp và kịp thời thu hồi tài sản cho Nhà nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên thi hành án.

Cũng từ số liệu cho thấy, việc người phải thi hành án tự nguyện thi hành chiếm tỷ lệ thấp, nhiều trường hợp chấp hành viên phải áp dụng các biện pháp đảm bảo như cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản. Các biện pháp nghiệp vụ thi hành án đa phần được chấp hành viên thực hiện đầy đủ và đúng quy định. Tuy nhiên, qua kiểm sát phát hiện có một số vi phạm cần được khắc phục như: ra quyết định thi hành án không đúng nội dung đơn yêu cầu thi hành án dẫn đến việc ra quyết định cưỡng chế kê biên không đúng; cưỡng chế kê biên không đúng với nội dung bản án dẫn đến việc bán đấu giá thành không thể giao tài sản cho người mua được tài sản; một số trường hợp trước khi cưỡng chế kê biên, chấp hành viên chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn dẫn đến không thực hiện được…

Đồng chí Nguyễn Thanh Khoa đề nghị lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hai cấp thực hiện nghiêm các quy định về công tác kiểm sát thi hành án dân sự và tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của kiểm sát viên. Lãnh đạo viện kiểm sát nhân dân hai cấp cần chủ động, quan tâm hơn nữa công tác hướng dẫn nghiệp vụ; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong công tác cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án, bảo đảm theo quy định của pháp luật. Quá trình tổ chức thực hiện cần chú trọng tổng hợp những khó khăn, vướng mắc báo cáo viện kiểm sát nhân dân cấp trên hoặc cấp ủy địa phương để được tháo gỡ, xử lý kịp thời. Kiểm sát viên tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực, nghiệp vụ nhằm nhận dạng những vi phạm trong quá trình tổ chức cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án của chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự. Đồng thời, kịp thời kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan khắc phục.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nang-cao-chat-luong-cong-tac-kiem-sat-cuong-che-ke-bien-tai-san-thi-hanh-an-68518.html