Nam Trung Bộ đối phó đợt mưa lũ mới

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong ba ngày tới (từ 30-11 đến ngày 2-12), ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ duy trì tình trạng trời rét, vùng núi rét đậm vào đêm và sáng sớm, với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 12 đến 15oC, vùng núi từ 9 đến 11oC, vùng núi cao 6 đến 9oC.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ hôm nay đến ngày 2-12, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to; riêng Quảng Nam đến Phú Yên có mưa to đến rất to (200 - 400 mm), trên các sông thuộc khu vực này có khả năng xuất hiện lũ kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Sau đó, vùng mưa dịch chuyển ra phía bắc (Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế).

* Đợt mưa kéo dài cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua đã giúp hồ chứa ở các tỉnh Nam Trung Bộ tích lượng nước khá lớn. Để ứng phó đợt mưa mới dự báo diễn ra từ 30-11 đến 2-12 do hoàn lưu sau bão số 9 các địa phương đã lên phương án tích nước, xả lũ hợp lý, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

* Tại Bình Định, hiện có 100/164 hồ chứa nước qua tràn, tăng so với tuần trước 13 hồ qua tràn, trong đó có 67 hồ chứa nhỏ đã đầy nước. Đến nay, dung tích các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh là 398,23/578,0 triệu m3, đạt 68,9% dung tích thiết kế, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2015. Để ứng phó tình hình mưa lũ những ngày tới, ngành nông nghiệp Bình Định dự kiến điều tiết lượng nước hồ Định Bình xuống mực nước 82 m (hiện hồ này chứa 138,6/226 triệu m3, đạt 61,3% thiết kế), đây là mực nước cho phép để an toàn hồ chứa, đồng thời tính tới phương án tích đủ nước tưới phục vụ sản xuất năm 2017. Dự kiến, năm 2017, các hồ ở Bình Định phải tích tối thiểu là 150 triệu khối nước.

* Tại Khánh Hòa, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, tổng dung tích 20 hồ chứa trên địa bàn khoảng 223/250 triệu m3, đạt 90% dung tích thiết kế. Để ứng phó mưa lớn, đơn vị đã có công điện gửi các huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết mưa lũ và có phương án tích nước hồ chứa, xả lũ hợp lý.

* Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám vừa có công văn phản hồi tỉnh Bình Thuận về việc Bộ NN và PTNT không đồng ý chủ trương điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau và nhấn mạnh: Khu bảo tồn biển Hòn Cau là nơi phân bố của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển. Diện tích 12.500 ha của Hòn Cau đã được tính toán bảo đảm mục tiêu bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loài động, thực vật biển quý hiếm. Việc đề xuất điều chỉnh giảm diện tích sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu, chức năng và thậm chí phá vỡ quy hoạch khu bảo tồn; ảnh hưởng lớn đến quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô, cỏ biển và động, thực vật quý hiếm khác...

* Bước đầu xác định nguyên nhân cá chết ở Khánh Hòa: Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, nguyên nhân cá chết hàng loạt ở khu vực biển giáp ranh giữa hai xã Vạn Thạnh và Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa ngày 24-11 được xác định là do tảo gây hại.

Tảo Ceratium SP xuất hiện mật độ cao: ở tầng mặt 375.000 tế bào/ml; tầng đáy 262.000 tế bào/ml. Tảo nở hoa gây "thủy triều đỏ", làm giảm mạnh lượng ô-xy trong nước. Thêm vào đó, với mật độ dày, tảo bám vào mang cá, gây nên hiện tượng nghẽn mang, khiến cá chết do ngộp thở. Theo thống kê, lượng thủy sản chết dạt vào bờ ước khoảng 10 tấn.

Trong khi các cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở vùng biển hai xã Vạn Thạnh và Vạn Thọ trong hai ngày 28 và 29-11, cá bớp nuôi ở vùng biển Đầm Môn, thuộc xã Vạn Thạnh tiếp tục chết. Từ ngày 28 đến 13 giờ ngày 29-11, đã có 35 hộ nuôi cá bớp tại khu vực Đầm Môn bị thiệt hại 100%, với tổng số 240 lồng, sản lượng thiệt hại lên tới 117,5 tấn, ước tính trị giá khoảng 12 tỷ đồng. Cho đến cuối ngày 29-11, cá chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

UBND huyện Vạn Ninh kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, sớm xác định nguyên nhân cá chết; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ các hộ có cá chết.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31413902-nam-trung-bo-doi-pho-dot-mua-lu-moi.html