Nà Tấu mùa dong riềng

ĐBP - Tháng 10, khi những lá dong riềng bắt đầu úa vàng cũng là lúc người trồng dong riềng ở xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ tất bật vào vụ thu hoạch dong riềng. Sau bao ngày vun trồng, chăm bón, 300ha dong riềng ở Nà Tấu đã đến lúc mang lại thành quả cho người trồng. Phấn khởi hơn, mùa dong riềng năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá, nhiều hộ trồng dong riềng ở Nà Tấu nhờ vậy mà có thêm nguồn thu nhập đáng kể trang trải cuộc sống.

Gia đình chị Lò Thị Hoàn thu hoạch dong riềng.

Đây là năm thứ 8 gia đình chị Lò Thị Hoàn, bản Tà Cáng, xã Nà Tấu trồng dong riềng. Theo kinh nghiệm của chị Hoàn, đặc điểm của cây dong riềng nếu thu hoạch khi lá còn xanh hoặc sau thời điểm lá khô úa và cây tiếp tục lên mầm thì hàm lượng bột sẽ không cao. Thời gian thu hoạch tốt nhất từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, lúc này củ dong riềng sẽ có hàm lượng bột đạt độ tối đa và hết chu kỳ tăng trưởng. Do đó, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chị Hoàn cùng các thành viên trong gia đình tập trung thu hoạch hơn 1.000m2 dong riềng. Trên mảnh vườn của gia đình chị Hoàn, hàng chục bao củ dong đã được làm sạch, chờ thương lái đến thu mua. Chị Hoàn cho biết: Nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với diện tích trồng dong gần nhà, đi lại dễ dàng nên gia đình đầu tư bón phân chuồng, vi sinh, năng suất củ dong cũng cao hơn. Vụ dong riềng năm nay, gia đình tôi dự kiến thu hoạch gần 7 tấn củ. Với giá bán khoảng 2.000 đồng/kg, trừ chi phí phân bón, chăm sóc, ước tính gia đình thu được từ 7 - 8 triệu đồng.

Đến Nà Tấu những ngày này, đâu đâu cũng gặp cảnh bà con thu hoạch dong riềng trong không khí nhộn nhịp, hối hả. Trời xế chiều, sau một ngày thu hoạch dong riềng cật lực, bà con lại nườm nượp vận chuyển dong riềng về nơi tập kết bán cho các xưởng chế biến. Đang trong mùa thu hoạch cao điểm dong riềng nên mỗi ngày bà con nơi đây bán cho tư thương hàng chục tấn củ. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Nà Tấu có 7 cơ sở, hợp tác xã thu mua, chế biến tinh bột dong riềng tại chỗ. Từ đầu tháng 10, một số xưởng đã bắt đầu chuẩn bị máy móc, cơ sở vật chất và đến nay cả 7 cơ sở đều hoạt động, tiến hành thu mua củ dong cho người dân.

Là một trong những cơ sở thu mua và chế biến dong riềng tương đối lớn của xã Nà Tấu, trung bình mỗi ngày, cơ sở của gia đình anh Lò Văn Tươi, bản Phiêng Ban thu mua từ 15 – 20 tấn dong củ. Dong riềng thu mua đến đâu được chế biến hết tới đó. Theo anh Tươi, trung bình 1 tấn củ tươi sản xuất được từ 1,7 – 1,8 tạ tinh bột, nếu xưởng hoạt động hết công suất, một ngày sẽ sản xuất được 25 – 29 tấn tinh bột dong riềng. Tinh bột dong riềng sau khi đóng bao sẽ được xuất bán cho thương lái ở các tỉnh dưới xuôi. So với năm 2020, giá bán tinh bột dong riềng giảm khoảng 1.500 đồng/kg, song giá thu mua củ dong tươi vẫn giữ nguyên, hiện tại anh đang thu mua với giá từ 2.000 – 2.500 đồng/kg.

Lao động tại cơ sở thu mua và chế biến dong riềng của gia đình anh Lò Văn Tươi đóng bao tinh bột dong riềng.

Tại xưởng thu mua dong riềng của gia đình anh Tươi, chúng tôi gặp anh Lò Văn Toàn và bà con bản Phiêng Ban chở dong riềng đến bán. Niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt người trồng dong riềng sau bao ngày miệt mài “một nắng, hai sương”. Vừa nhanh tay tháo dỡ bao dong riềng buộc trên xe, anh Toàn phấn khởi cho biết: Với giá bán từ 2.000 – 2.500 đồng/kg, tính bình quân 1.000m2 trồng dong riềng sau khi trừ chi phí sẽ cho thu lãi từ 7 – 9 triệu đồng. Dong riềng được mùa, được giá nên bà con phấn khởi lắm. Những hộ trồng nhiều phải dậy từ sáng sớm để kịp thu hoạch cho đúng thời vụ. Nếu vụ nào cũng bán được giá và ổn định như thế này, người trồng dong riềng cũng khấm khá hơn.

Thời điểm này, toàn xã Nà Tấu đã thu hoạch được trên 25% diện tích trồng dong riềng. Trên khắp các triền đồi, mảnh ruộng, người đào, người dỡ, chặt bỏ phần thân, lá, giữ lại phần củ và rễ, sau đó xếp gọn vào các bao tải, vận chuyển đến điểm tập kết. Việc thu hoạch, giao dịch bán mua chỉ kết thúc khi trời đã tối mịt mùng. Lượng củ thu hoạch đến đâu các cơ sở thu mua hết ngay tới đó, năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha, cá biệt có những diện tích năng suất đạt rất cao trên 65 tấn/ha. Được biết, vụ dong riềng ở Nà Tấu năm nay, số hộ có thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên từ dong riềng khá phổ biến. Đơn cử như gia đình anh Trần Văn Thắng, bản Tà Cáng trồng khoảng 3ha dong riềng, nếu bán với giá 2.000 đồng/kg sẽ thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ở bản Phiêng Ban, gia đình ông Lường Văn Bóng năm nay thu được gần 50 triệu đồng từ trồng dong riềng.

Tại xã Nà Tấu, dong riềng trồng tập trung chủ yếu ở các bản: Tà Cáng, Xôm, Nà Cái, Phiêng Ban, Hua Rốm… Tuy nhiên, đây đều là những diện tích do người dân trồng tự phát. Nói về hướng phát triển cây dong riềng những năm tiếp theo, ông Lường Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, cho biết: Dù năm nay dong riềng được mùa được giá, song hiệu quả của cây dong riềng đến đâu, như thế nào và hơn các loại cây khác ra sao thì xã chưa thể khẳng định. Vậy nên những năm qua, xã không đưa kế hoạch phát triển, mở rộng cây dong riềng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chính vì vậy đầu ra cho dong riềng hiện nay vẫn do người dân tự tìm hướng. Ðể tránh tình trạng “cung vượt quá cầu” và người trồng dong riềng bị tư thương ép giá, xã khuyến cáo người dân không tự ý mở rộng diện tích, đồng thời sẽ tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số diện tích đất trồng dong riềng đã bạc màu. Cụ thể, vụ dong riềng năm 2022 tới đây, diện tích trồng dong riềng của xã dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 250ha. Những diện tích đất trồng dong riềng bị bạc màu sẽ để tái sinh rừng hoặc trồng thay thế các loại cây trồng khác.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191540/na-tau-mua-dong-rieng