Mỹ liên tục bị hạ xếp hạng tín nhiệm, báo động cho nền kinh tế thế giới?

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm một số ngân hàng Mỹ, đồng thời cảnh báo đang đánh giá lại tình trạng của một số ngân hàng lớn nhất nước này.

Động thái trên cùng với việc trước đó một tuần, Fitch, 1 trong 3 hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới, hạ bậc tín nhiệm của Mỹ đã gây ra tác động mạnh đến tâm lý của giới đầu tư toàn cầu.

Điều chỉnh đánh giá 27 ngân hàng

Moody's đã hạ một bậc tín nhiệm đối với 10 ngân hàng Mỹ và đưa một số ngân hàng lớn khác vào diện xem xét hạ tín nhiệm. Trong số các ngân hàng bị hạ bậc tín nhiệm có M&T Bank, Pinnacle Financial Partners, Prosperity Bank và Tập đoàn tài chính BOK, trong khi các ngân hàng bị đưa vào diện xem xét hạ tín nhiệm là BNY Mellon, US Bancorp, State Street và Truist Financial. Moody's cũng đã thay đổi triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực đối với một số ngân hàng, trong đó có Capital One, Citizens Financial và Fifth Third Bancorp. Tổng cộng, Moody's đã điều chỉnh đánh giá đối với 27 ngân hàng.

Nguồn: CNBC

Các ngân hàng khu vực hiện đương đầu với rủi ro lớn hơn bởi có lượng vốn thấp, Moody nhấn mạnh. Ngoài ra những tổ chức có tỷ lệ tài sản cố định cao nhiều khả năng sẽ hạn chế hơn trong lợi nhuận.

“Các ngân hàng Mỹ hiện vẫn tiếp tục thích nghi với tình hình lãi suất cao và rủi ro từ hoạt động quản lý tài sản với những hàm ý với thanh khoản và vốn khi mà việc rút đi các biện pháp chính sách tiền tệ bất thường, lãi suất tiền gửi cao làm giảm giá trị của các tài sản mang lại lợi suất cố định”, chuyên gia phân tích tại Moody bao gồm bà Jill Cetina và Ana Arsov nhấn mạnh trong nghiên cứu mới đây.

Cũng theo các chuyên gia Moody, kết quả kinh doanh quý II.2023 của các ngân hàng cho thấy áp lực lợi nhuận của họ đang lớn dần, chính vì vậy nó ảnh hưởng đến tiềm lực vốn. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh nhiều chuyên gia đang dự báo về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ diện nhẹ đang đến gần vào thời điểm đầu năm 2024, chất lượng tài sản nhiều khả năng sẽ giảm và gây ảnh hưởng đến danh mục bất động sản thương mại mà nhiều ngân hàng đang nắm giữ.

Trong năm nay, các ngân hàng khu vực Mỹ đã thu hút sự quan tâm sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank gặp khó với vấn đề tiền gửi. Cơn khủng hoảng này cuối cùng lan đến cả châu Âu, kết quả ngân hàng lớn của Thụy Sỹ có tên Credit Suisse đã bị thâu tóm bởi ngân hàng UBS.

Dù rằng giới chức quản lý cũng rất cố gắng để khôi phục niềm tin của thị trường, Moody cảnh báo rằng các ngân hàng với những khoản thua lỗ vốn không chịu ảnh hưởng bởi quy định của pháp luật sẽ dễ chịu tổn thương bởi việc niềm tin thị trường suy giảm trong bối cảnh lãi suất cao.

Vào tháng 7.2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất cho vay lên ngưỡng từ 5,25% đến 5,5%, trong năm vừa qua, Fed đã siết chặt chính sách tiền tệ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát leo thang.

“Chúng tôi cho rằng việc quản lý tài sản/nợ của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng bởi việc lãi suất chính sách của Fed được điều chỉnh tăng ngoài ra là việc dự trữ trong ngành ngân hàng giảm”, Moody nhấn mạnh.

“Lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian dài hơn cho đến khi lạm phát trở lại ngưỡng mục tiêu của Fed. Như đã nhấn mạnh trước đây, lãi suất dài hạn của Fed tăng lên bởi nhiều yếu tố khác nhau, vì vậy lãi suất cố định của các ngân hàng sẽ giảm”, Moody phân tích.

Các ngân hàng khu vực hiện đang đương đầu với rủi ro lớn hơn bởi họ có lượng vốn thấp, Moody nhấn mạnh. Moody nói thêm rằng những tổ chức có tỷ lệ tài sản cố định cao nhiều khả năng sẽ hạn chế hơn trong lợi nhuận, khả năng huy động vốn và tín dụng.

“Rủi ro nhiều khả năng sẽ rõ ràng hơn nếu nước Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế, điều mà các chuyên gia dự báo sẽ xảy ra vào đầu năm 2024 bởi chất lượng tài sản xấu đi và làm tăng khả năng suy thoái vốn”, chuyên gia phân tích nói thêm.

Dù rằng áp lực với các ngân hàng Mỹ chủ yếu tập trung vào nguồn vốn và rủi ro lãi suất do chính sách tiền tệ thắt chặt, Moody cảnh báo rằng khả năng chất lượng tài sản xấu đi hoàn toàn sớm xảy ra.

Thị trường chứng khoán lao dốc

Chốt phiên giao dịch ngày 8.8, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5%, xuống 35.314,49 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,4%, còn 4.499,38 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,8% xuống 13.884,32 điểm.

Cổ phiếu ngành ngân hàng Mỹ nhìn chung đều lao dốc, sau khi Moody's hạ bậc xếp hạng các ngân hàng. Cổ phiếu của BOK Financial giảm 1,9% và Prosperity Bancshares giảm 2,3%.

Các ngân hàng khác lớn hơn như Bank of America và Citigroup cũng chịu áp lực, khi cổ phiếu giảm khoảng 1,5%.

Sau khi hạ tín nhiệm 10 ngân hàng vừa và nhỏ của Mỹ, cuối ngày 8.8, Moody tuyên bố đưa sáu “gã khổng lồ” ngành ngân hàng khác vào diện xem xét khả năng bị hạ cấp, bao gồm Bank of New York Mellon, US Bancorp, State Street và Truist Financial.

Động thái của Moody đã “giáng một đòn” vào kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ, sau khi nước này công bố các dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo.

Chuyên gia Anthony Saglimbene, nhà quản lý tại Ameriprise Financial, cho biết, về dài hạn, động thái của Moody’s không gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Nhưng lãi suất tăng và rủi ro từ các ngân hàng địa phương, liên quan đến bất động sản thương mại, gia tăng đã tạo ra một “đám mây đen” bao trùm thị trường.

Hơn nữa, chi nhánh Fed tại New York vừa phát hành báo cáo tín dụng và nợ hộ gia đình quý II/2023, trong đó xác nhận nợ quá hạn thẻ tín dụng của người dân Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm.

Tại châu Âu, do ảnh hưởng từ Phố Wall, các thị trường chứng khoán hầu hết đều giảm điểm. Chỉ số STOXX 50 toàn châu Âu đã giảm 1,1%, còn 4.288,85 điểm. Chỉ số FTSE tại London (Anh), giảm 0,4%, xuống còn 7.527,42 điểm.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán hầu hết giảm điểm và đồng nhân dân tệ trượt xuống mức thấp nhất trong ba tuần, do dữ liệu kinh tế Trung Quốc “mờ nhạt” trong quý II/2023 khiến các thị trường lo ngại.

Các nhà đầu tư đang gia tăng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ sớm ban hành biện pháp kích thích, hỗ trợ nhu cầu. Cổ phiếu và trái phiếu của Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, đã giảm mạnh trong tuần qua, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin công ty hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để huy động 300 triệu USD tại sàn Hong Kong (Trung Quốc).

Các nhà phân tích nói gì?

Trước đó một tuần, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+. Động thái này diễn ra chỉ 2 tháng sau khi cơ quan này cảnh báo xếp hạng của Mỹ đang bị đe dọa trước những vấn đề liên quan tới tới mâu thuẫn về việc tăng trần nợ.

Laura Cooper, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại BlackRock International cho biết: “Mặc dù việc Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm có thể khiến các nhà đầu tư xem xét gánh nặng nợ công cao ngất ngưởng, nhưng nó có thể được xem là mối lo ngại trong trung hạn. Cuối cùng, những thách thức tài chính đó sẽ nằm trong tầm ngắm của những người tham gia thị trường và củng cố quan điểm chiến lược của chúng tôi rằng các nhà đầu tư sẽ yêu cầu phần bù rủi ro cho kỳ hạn cao hơn từ trái phiếu trái phiếu Kho bạc Mỹ”.

Theo Berenberg Capital Markets, những lo ngại rằng các cơ quan xếp hạng có thể chuyển sự chú ý của họ sang khối các nền kinh tế được xếp hạng hoàn hảo còn lại là quá sớm.

“Mỗi quốc gia đều khác nhau, có mô hình tăng trưởng riêng, cơ cấu chi tiêu và thuế riêng nên không có bất kỳ sự lây lan nào sang các quốc gia khác. Không quốc gia nào có sức mạnh như Mỹ lại bị ảnh hưởng bởi điều này”, Mickey Levy, nhà kinh tế cấp cao của Berenberg Capital Markets cho biết.

Kevin Muir, nhà giao dịch kỳ cựu và là tác giả của cuốn The Macro Tourist cho biết, chứng khoán Mỹ được sở hữu quá mức trong cộng đồng tài chính toàn cầu và việc hạ xếp hạng tín nhiệm này có thể dẫn đến việc một số nhà đầu tư cân nhắc tài sản của các quốc gia khác. Nhưng đối với những người tham gia thị trường khác, điều đó sẽ không thay đổi quan điểm của họ về Mỹ.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/my-lien-tuc-bi-ha-xep-hang-tin-nhiem-bao-dong-cho-nen-kinh-te-the-gioi--i339414/