Mỹ: Hơn 1200 dự án đầu tư vào Việt Nam, chờ đón thêm 'siêu đại bàng'

Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Đây cũng là quốc gia có nhiều tập đoàn đa quốc gia hiện diện đầu tư tại nước ta.

Thị trường số 1 của hàng xuất khẩu Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ 7 tháng năm 2023 đạt 53,09 tỷ USD, đứng đầu so với các thị trường khác.

Đây là vị trí vững chắc trong hàng thập kỷ nay, đưa Mỹ thành thị trường xuất khẩu quan trọng bậc nhất của hàng Việt Nam.

Tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt xấp xỉ 123,9 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 109,4 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Từ năm 2011 đến nay, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này chiếm xấp xỉ 30% tổng số kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam, tăng so với mức 17,5% năm 2011.

Gia tăng xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu là do tác động từ việc thực hiện Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA). Cường quốc này nhanh chóng trở thành điểm tiếp nhận lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, ngay sau khi BTA có hiệu lực, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất, thủy sản, nông sản...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, không chỉ máy móc cho sản xuất mà cả hàng nông sản.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022 cả nước nhập khẩu 1,84 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 1,28 tỷ USD, thì nhập từ Mỹ là 408 triệu USD, chiếm 32% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, đứng thứ hai sau Brazil.

Năm 2022, Việt Nam cũng nhập 128,19 triệu USD lúa mì từ Hoa Kỳ, tăng 37,9% về lượng, tăng 100,9% kim ngạch và tăng 45,6% về giá so với năm 2021, chiếm 7% trong tổng lượng và chiếm 8,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ trong năm 2022 cũng đạt 772,8 triệu USD, chiếm 13,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu và là thị trường nhập khẩu nhiều thứ hai của Việt Nam.

Đáng chú ý, Mỹ cũng xếp vị trí thứ hai về nhập khẩu rau quả, với kim ngạch đạt 356,3 triệu USD, tăng 15,6% so với năm trước, chiếm 17,2% trong tổng kim ngạch nhập rau quả.

Trong số các thị trường chính mà Việt Nam nhập khẩu máy tính và linh kiện điện tử cũng có tên Hoa Kỳ, với kim ngạch lên tới 3,3 tỷ USD trong năm ngoái.

Cùng với đó, Việt Nam cũng chi gần 1 tỷ USD để nhập máy móc thiết bị từ quốc gia này.

Song, đây là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

Tính đến hết tháng 12/2022, Mỹ đã điều tra 52 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng 23% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong năm 2022, quốc gia này đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó chủ yếu là điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM (11 vụ). Các mặt hàng bị điều tra gồm các sản phẩm thép, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, ghim dập, thép dây,... Ngoài ra, Mỹ cũng tiến hành rà soát một số biện pháp PVTM đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế chống trợ cấp với lốp xe, rà soát hành chính thuế chống bán phá giá với cá tra, basa.

Mỹ cũng xếp vị trí thứ hai về nhập khẩu rau quả

Cơ hội hút các "đại bàng" Mỹ

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy: Tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 1.216 dự án ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 11,4 tỷ USD. Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn của Mỹ vẫn rất khả quan.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Việt Nam - Địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết, thời gian qua xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ.

Đơn cử, đến nay tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM tổng trị giá đầu tư 4 tỷ USD...

Hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing, Google, Walmart cũng thông báo tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về môi trường đầu tư kinh doanh tại đây.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/my-hon-1200-du-an-dau-tu-vao-viet-nam-cho-don-them-sieu-dai-bang-2186200.html