Mỹ chú trọng bảo đảm an ninh mạng

Trong bối cảnh đại dịch thúc đẩy quá trình số hóa và kết nối trực tuyến toàn cầu, tăng cường bảo đảm an ninh trên không gian mạng ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết đối với nước Mỹ.

Đầu tháng này, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Gary Peters, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ của Thượng viện Mỹ, cùng Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rob Portman đã giới thiệu một dự luật nhằm cải thiện các chính sách an ninh mạng liên bang. Trong đó, dự luật lưỡng đảng này cập nhật Đạo luật Hiện đại hóa bảo mật thông tin liên bang được ký ban hành năm 2014 cũng như quy định rõ yêu cầu báo cáo đối với các cơ quan liên bang khi bị tin tặc tấn công.

Đây là động thái mới nhất của giới chính trị gia Mỹ trước những lo ngại rằng các đạo luật, pháp lệnh và quy định của chính phủ liên bang chưa đủ để tội phạm mạng phải “nể sợ” khi nhắc đến xứ cờ hoa. “Dự luật sẽ giúp bảo mật các mạng liên bang của Mỹ, bảo đảm nhanh chóng chia sẻ thông tin cũng như ngăn chặn tin tặc xâm nhập mạng đánh cắp dữ liệu nhạy cảm và xâm phạm an ninh quốc gia”, tờ The Hill dẫn lời Thượng nghị sĩ Gary Peters.

An ninh mạng đang là một trong những mối quan tâm tại Mỹ (ảnh minh họa). Ảnh: Time Magazine

Trước đó ít ngày, các nhà lập pháp cũng đưa ra một dự luật yêu cầu chủ sở hữu và nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng phải báo cáo các sự cố mạng cho Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ trong vòng 72 giờ và một số phải báo cáo trong vòng 24 giờ.

Mặc dù Mỹ từ lâu được coi là sở hữu hệ thống bảo mật an ninh mạng mạnh mẽ và có hiệu quả hàng đầu thế giới, nhưng nước này lại phải đối mặt nhiều nhất với các vụ tấn công mạng nghiêm trọng. Có thể kể đến như vụ tấn công mạng lưới máy tính của Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Thương mại, Tài chính, An ninh nội địa và thậm chí là Cơ quan An ninh Hạt nhân quốc gia (NNSA)-đơn vị quản lý kho dự trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ vào cuối năm ngoái; hay các cuộc tấn công nhằm vào công ty vận chuyển nhiên liệu Colonial Pipeline, chi nhánh tại Mỹ của tập đoàn chế biến thịt hàng đầu thế giới JBS SA và hãng công nghệ thông tin Kaseya trong những tháng gần đây. Theo thống kê từ công ty an ninh mạng BlackFog của Mỹ, từ đầu năm nay, các tổ chức và doanh nghiệp nước này đã thực sự “chao đảo” vì hứng chịu tới 52 cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền, cao hơn nhiều so với Anh (16), Pháp (7), Canada (7), Australia (4) hay Ấn Độ (3).

Liên tiếp các vụ xâm nhập mạng đó đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an ninh mạng đối với chính quyền Washington. Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã phải ký một sắc lệnh hành pháp bao gồm một loạt sáng kiến được triển khai nhằm cải thiện năng lực an ninh mạng liên bang và các tiêu chuẩn an ninh kỹ thuật số trong lĩnh vực tư nhân cũng như xoa dịu bức xúc của dư luận về nguy cơ lỗ hổng an ninh mạng sau vụ tấn công vào Công ty Colonial Pipeline.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa khi ngày càng có nhiều người làm việc từ xa để ngăn chặn virus lây lan. Tuy nhiên, xu hướng này cũng tạo môi trường cho những kẻ trục lợi tìm cách khai thác các lỗ hổng bảo mật ngày một gia tăng. Đơn cử như từ tháng 7-2020 đến 6-2021, Australia ghi nhận số vụ tấn công mạng tăng 13%, gây thiệt hại lên đến 33 tỷ AUD cho doanh nghiệp và người dân nước này. Tháng trước, Diễn đàn An ninh mạng quốc tế (FIC) 2021 tại thành phố Lille của Pháp đã tập trung thúc đẩy hợp tác và phối hợp bảo đảm an ninh mạng nhằm tránh những nguy cơ tấn công mạng ảnh hưởng lan rộng toàn cầu. Hiệp hội các nhà khai thác di động toàn cầu (GSMA) dự báo hơn 25 tỷ thiết bị trên thế giới sẽ được kết nối với internet vạn vật (IoT) vào năm 2025, cao gấp gần 3 lần so với năm 2018.

Nước Mỹ cho thấy ngoài việc hợp tác quốc tế, mỗi quốc gia cần nỗ lực bổ sung, hoàn thiện những khuôn khổ pháp lý cần thiết của riêng mình để bảo đảm an ninh trên không gian mạng, qua đó góp phần tăng cường khả năng phục hồi hậu Covid-19.

Văn Hiếu / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/my-chu-trong-bao-dam-an-ninh-mang-52312.html