Lắng nghe người dân hiến kế: Xây dựng hệ thống y tế thông minh

Để có được nền y tế thông minh thì phải có một thể chế hoàn thiện, lấy con người làm trung tâm và phải có những con người biết dùng công cụ thông minh

Thành phố HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, dịch vụ và y tế lớn nhất cả nước. Hệ thống y tế thành phố rộng khắp đang ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu người dân thành phố và cho cả khu vực phía Nam.

Nhiều tiện ích nhưng vẫn còn bất cập

Hiện nay, ngành y tế thành phố đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế dự phòng, khám, chữa bệnh và trong công tác quản lý nhà nước về y tế, bước đầu đem lại nhiều tiện ích cho người dân, nhân viên y tế, cán bộ quản lý trong cung ứng các dịch vụ công, dịch vụ khám chữa bệnh.

Cụ thể như xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử ngành y tế, cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống ki-ốt khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh, ứng dụng tra cứu nơi khám chữa bệnh, phần mềm quản lý nguồn nhân lực ngành y tế, phần mềm quản lý danh mục kỹ thuật y tế, phần mềm tư vấn, khám bệnh từ xa...

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) được đầu tư hệ thống thiết bị y tế hiện đại cứu sống nhiều bệnh nhi nguy kịch. Ảnh: HẢI YẾN

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) được đầu tư hệ thống thiết bị y tế hiện đại cứu sống nhiều bệnh nhi nguy kịch. Ảnh: HẢI YẾN

Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố bước đầu đã triển khai hiệu quả một số kỹ thuật chuyên sâu ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần nâng cao chất lượng điều trị, khởi đầu cho lộ trình xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu.

Có thể kể đến như: phẫu thuật Robot ngoại tổng quát Da Vinci tại Bệnh viện Bình Dân; ứng dụng máy học trong hệ thống nhắc kê đơn hợp lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 1; ứng dụng phần mềm RAPID vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ tại Bệnh viện Nhân Dân 115…

Nhiều bệnh viện đã áp dụng một số kỹ thuật chuyên sâu đạt chuẩn quốc tế: chuẩn RTAC trong sản khoa, chuẩn ngân hàng máu GMP châu Âu, chuẩn xét nghiệm ISO 15189...

Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó hạ tầng mạng và phần cứng ở Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh được các chuyên gia đánh giá là khó khăn và phức tạp hơn so với các lĩnh vực khác. Tình trạng quá tải tại một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối vẫn luôn là thách thức lớn...

Lấy con người làm trung tâm

Y tế thông minh là việc tăng cường các công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo trong phát triển y tế số nhằm tự động hóa các hoạt động y tế, tạo ra các bước đột phá trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Trong đó, nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu được triển khai ngay tại y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Người dân có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế hoặc truy xuất, theo dõi thông tin sức khỏe bản thân ở mọi nơi một cách dễ dàng, thuận tiện, minh bạch, chất lượng và bảo mật.

Yếu tố quốc tế và con người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển y tế thông minh. Nói cách khác, để có được nền y tế thông minh thì phải có một thể chế hoàn thiện, lấy con người làm trung tâm và phải có những con người biết dùng công cụ thông minh.

TP HCM đang hướng đến thành phố thông minh, do đó ngành y tế cũng phải hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách thông minh, lấy người dân, người bệnh làm trung tâm, tạo thuận tiện cho người dân sử dụng một cách hiệu quả nhất các thông tin chính thống, các dịch vụ và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồng thời tạo môi trường làm việc hiệu quả cho cán bộ y tế, cán bộ quản lý.

Thành phố cần bảo đảm nguồn tài chính đa dạng, ngoài ngân sách nhà nước được cân đối hằng năm cho sự nghiệp y tế. Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, hợp tác công - tư (PPP), giao nhiệm vụ, hình thức đặt hàng tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.

Củng cố, nâng cấp, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Trong đó sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, triển khai thêm các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế, bảo đảm việc tích hợp, kết nối liên thông của toàn hệ thống.

Căn cứ vào các tiêu chuẩn công nghệ thông tin y tế do Bộ Y tế ban hành để chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, chuyên môn. Kết hợp chặt chẽ việc đầu tư, củng cố, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại Sở Y tế và cơ sở y tế với quy hoạch kiến trúc đô thị của thành phố.

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động của ngành y tế thành thạo các phần mềm ứng dụng trong công việc; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn, bảo mật trong quá trình vận hành, khai thác hạ tầng, ứng dụng trong công việc.

Bảo đảm an toàn thông tin tại Sở Y tế và các cơ sở y tế. Trong đó, cần xây dựng các quy trình, quy định, các chính sách liên quan đến vận hành hệ thống thu thập số liệu phần mềm quản lý bệnh viện từ khâu tiếp nhận bệnh nhân đến xuất viện (nội trú, ngoại trú), kết thúc lần khám bệnh…

Triển khai hệ thống giám sát an toàn, an ninh. Từng bước áp dụng tiêu chuẩn an toàn, an ninh thông tin theo ISO 27001 vào hệ thống công nghệ thông tin.

ThS Nguyễn Văn Quang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-xay-dung-he-thong-y-te-thong-minh-196240520214659502.htm